“Bàn tay sắt” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính

Google News

(Kiến Thức) - Sau cuộc đảo chính bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đẩy mạnh chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến - nhắm vào quân đội, ngành tư pháp và báo giới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan Recep Tayyip Erdogan đã sử dụng “bàn tay sắt” thông qua việc bắt giữ khoảng 6.000 người bị cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính bất thành, trong đó có 3.000 quân nhân và hơn 30 vị tướng.
“Ban tay sat” cua Tong thong Tho Nhi Ky sau dao chinh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan Recep Tayyip Erdogan. Ảnh Telegraph 
Hậu quả của cuộc đảo chính bất thành sẽ rất sâu rộng và nghiêm trọng. Một cuộc họp Hội đồng quân sự tối cao sẽ được tổ chức trong tháng Tám tới để bố trí nhân sự quân đội cấp cao. Về nguyên tắc, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào vấn đề nhân sự trong quân đội, nhưng những người bị cho là không trung thành với Tổng thống Erdogan gần như chắc chắn sẽ bị thanh trừng.
Cuộc đảo chính bất thành sẽ cắt xén đáng kể ảnh hưởng chính trị của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị mất tín nhiệm đáng kể trong công chúng sau vụ ném bom bom tòa nhà quốc hội.
Chỉ có điều, chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến của Tổng thống Erdogan sẽ không được giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Hội đồng Thẩm phán và Công tố Tối cao đã sa thải 2.745 thẩm phán. Sự can thiệp hơn nữa của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cho tính độc lập của ngành tư pháp bị xói mòn đáng kể.
Tổng thống Erdogan nhanh chóng qui cho đối thủ chính trị Fethullah Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính đêm 15/7, mặc dù giáo sĩ Gulen – đang tị nạn ở Mỹ - khẳng định rằng ông không hề dính líu đến cuộc đảo chính bất thành vừa qua.
Ông Koichiro Tanaka, giám đốc Trung tâm JIME tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cũng hoài nghi về sự can dự của giáo sĩ Gulen. Ông Tanaka cho rằng cuộc đảo chính bất thành vừa qua chính là “một cái cớ để Tổng thống Erdogan đàn áp những người trung thành với giáo sĩ Gulen”.
Các phương tiện truyền thông cũng là mục tiêu trấn áp của Tổng thống Erdogan. Nhật báo Zaman đã bị đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ hồi năm ngoái vì cáo buộc đáng ngờ là hỗ trợ khủng bố. Có tin nói, khá nhiều người ủng hộ giáo sĩ Gulen trong giới truyền thông và cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7 chính là một cái cớ biện minh cho chiến dịch kiểm duyệt tự do ngôn luận của chính quyền Erdogan.
Chiến dịch đàn áp cũng có thể nhắm vào các đảng đối lập trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu bãi bỏ quyền miễn trừ truy tố, một động thái nhắm mục tiêu của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd và Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) thế tục có thể sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng.
Thật ngờ nghệch khi cho rằng cuộc đảo chính quân sự bất thành sẽ giúp Tổng thống Erdogan thức tỉnh và nới lỏng chính sách “bàn tay sắt” trong việc thâu tóm quyền lực tối thượng của ông ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review)

Bình luận(0)