Đó là nhận định của nhà hoạt động blogger Dennis Schedrivy, người đã thẳng thừng qui kết các cuộc biểu tình bạo loạn ở trung tâm Kiev (Euromaidan) dẫn đến một cuộc đảo chính.
|
Biểu tình “hòa bình” đã biến Quảng trường Maidan thành bãi chiến trường ở trung tâm thủ đô Kiev. Ảnh The Wired |
Nhà hoạt động Dennis Schedrivy nói với đài Sputnik: “Tình hình Ukraine đã trở nên tồi tệ hơn nhiều do chi phí sinh hoạt cao gấp bội. Mọi người đang phải trả tiền nhiều hơn cho các dịch vụ như điện, nước và sưởi ấm. Thị trường lao động gần như chết hẳn, rất khó tìm được việc làm. Thậm chí nếu may mắn có việc làm, người lao động cũng sẽ không được trả lương thỏa đáng. Tất cả những cải cách và nỗ lực cải cách được đề xuất trong năm ngoái...đều đã thất bại”.
Ông Schedrivy nhận định rằng tham nhũng vẫn là một thuộc tính quan trọng của hệ thống chính trị và kinh tế Ukraine hiện hành. Ông nhấn mạnh rằng vấn nạn tham nhũng đã trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, những người có chức có quyền kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2014 đã trở nên vô cùng giàu có. Nhà hoạt động Dennis Schedrivy viện dẫn kết quả kê khai thu nhập và tài sản bắt buộc.
Việc công bố kết quả kê khai thài sản bắt buộc của giới quan chức một phần là do đòi hỏi của Liên minh Châu Âu. Những bản kê khai tài sản của giới quan chức đã khiến cho dân chúng Ukraine bị sốc nặng. Ông Schedrivy nói thêm: “Có rất nhiều người mang danh các nhà hoạt động và yêu nước hầu như không có tài sản gì trong năm 2013. Trong vòng có hai năm rưỡi qua, họ đã trở nên giàu sụ. Bây giờ, họ đang gặp rắc rối trong việc lý giải về số tài sản cá nhân khổng lồ đã tích tụ được”.
Trong khi đó, triển vọng hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với Châu Âu và các khu vực thương mại tự do khác lại khá mờ mịt đối với Ukraine.
Về khía cạnh này, ông Schedrivy nói: "Cách đây ba năm, nhiều chuyên gia đã nói rằng cuộc chính biến Euromaidan là không tốt cho Ukraine và nền kinh tế của nước này bởi vì chúng tôi mở cửa thị trường cho Châu Âu nhưng lại không nhận được gì. Ngành công nghiệp gỗ là một ví dụ điển hình. Châu Âu công khai tống tiền Ukraine, thông qua việc ép buộc giao hàng bằng gỗ giá rẻ để đổi lấy lời hứa cung cấp tín dụng. Gỗ đã được giao, nhưng tín dụng thì không được đáp ứng một cách thỏa đáng”.
Nhà hoạt động Dennis Schedrivy cho biết thêm rằng tình hình kinh tế có thể sẽ trở nên phức tạp hơn do chính phủ mới ở Mỹ ít có ý định tiếp tay cho Ukraine và Kiev "sẽ nhận được hỗ trợ tài chính ít hơn từ phía Mỹ”.
Vào cuối năm 2013, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych tuyên bố quyết định hoãn việc ký kết Hiệp định hội nhập Ukraine-EU vì có một số điều khoản bất lợi, các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đã nổ ra ở Kiev. Ông Yanukovych đã buộc phải rời bỏ chức vụ tổng thống vào tháng 2/2014 sau cuộc đụng độ chết người ở Quảng trường Maidan ở trung tâm Kiev. Cuộc đảo chính ở Quảng trường Maidan (được gọi là Euromaidan) sau đó đã dẫn đến nội chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine, giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Kiev và những người ly khai đòi độc lập ở Donbass.