Ba câu hỏi dành cho thỏa thuận Nga-Mỹ về Syria

Google News

(Kiến Thức) - Nga và Mỹ được cho là đạt được bước đột phá lịch sử với việc thương thuyết thành công thỏa thuận về vũ khí hóa học Syria.

 Các nạn nhân trong vụ tấn công hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô Damascus, Syria.
Nhưng ký kết được thỏa thuận là một chuyện, còn việc thực thi hiệu quả hay không lại là chuyện khác.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Obama nhấn mạnh “Mỹ vẫn sẵn sàng hành động” nếu chính quyền Assad không thực hiện thỏa thuận.
“Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Nga, Pháp, Anh, Liên Hiệp Quốc cũng như những bên khác để đảm bảo quá trình này (giải trừ vũ khí) có thể được kiểm chứng và hạn chế các hậu quả nếu chế độ Assad không thực hiện đúng khuôn khổ thỏa thận đã ký”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Sau khi thỏa thuận Nga-Mỹ được ký nhiều người băn khoăn: Liệu đây là một bước đi ngoại giao đối với nước Mỹ và liệu người Nga liệu có đáng tin? Và liệu đất nước Syria đang bị chiến tranh tàn phá và phần còn lại của thế giới sẽ thay đổi từ đây?
Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burns đã chia sẻ quan điểm riêng về những vấn đề trên trong một bài phỏng vấn trên Global Post.
 Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Nicholas Burn.

Đây là một giải pháp tốt đối với Mỹ?
Nicholas Burns: Ngay cả những người ủng hộ chính quyền Obama như tôi cũng phải thừa nhận, chính quyền đã bỏ lỡ những thời cơ tốt nhất đối với vấn đề về Syria trong 2 tuần qua. Đầu tiên, chính quyền bỏ lỡ thế chủ động về Syria trước Quốc hội và sau đó là người Nga với lập trường trong lời nói và cả hành động đều không thống nhất, rõ ràng. Xin ý kiến của Quốc hội để đưa ra quyết định đặc biệt nguy hại đến uy tín của Mỹ cũng như sự tín nhiệm của cường quốc hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trên thực tế, thỏa thuận giải trừ vũ khí Syria vẫn có lợi ích hơn với những lý do sau.
Đầu tiên, như nhiều người đã biết, Tổng thống Assad tuần trước bác bỏ ngay cả việc sở hữu vũ khí hóa học chứ chưa nói là cáo buộc tấn công hóa học. Nhưng chấp thuận ký thỏa thuận này, ông Assad lần đầu tiên chính thức thừa nhận, Syria có vũ khí hóa học và sẽ chuyển giao lại cho Liên Hợp Quốc. Đồng thời, Syria sẽ tham gia và tuân thủ Công ước vũ khí hóa học. Đây là một tiến bộ lớn chỉ diễn ra trong vòng một tuần.
Thứ 2, trái với sự lẽ thường, thỏa thuận về vũ khí hóa học có thể chấm dứt việc làm suy yếu chế độ Assad nhưng cũng không tăng sức mạnh cho ông. Trong văn hóa chính trị khắc nghiệp và không khoan dung của thế giới Arập, vũ khí hóa học dựng lên cho Assad một bức tường chống lại các ưu thế quân sự của Israel cũng như phương tiện để răn đe các kẻ thù của chế độ bên trong và bên ngoài Syria.
Tương tự như Saddam và Gaddafi trước đó, việc bị thế giới bên ngoài công khai ép từ bỏ biểu tượng quan trọng của sức mạnh quân sự đối với chế độ ông (vũ khí hóa học) rõ ràng là điều sỉ nhục lớn. Do đó, thực tế, Assad sẽ mất đi phần nào quyền lực hăm dọa và bắt đầu sợ hãi, lo lắng.
Thứ 3, ở thời điểm hiện tại, uy tín của Nga lẫn Tổng thống Putin có thể lên cao nhờ đề xuất thành công thỏa thuận giải trừ vũ khí Syria – đồng minh ruột của họ ở Trung Đông. Nhưng sau đó, Nga sẽ chịu áp lực tối đa từ Mỹ và cộng đồng quốc tế để gây áp lực, đảm bảo chế độ Assad thực hiện nghiêm túc thỏa thuận.
Trong trường hợp thỏa thuận thất bại do chính quyền Assad cố tình trì hoãn, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố, chính phủ Mỹ vẫn giữ lại tùy chọn hành động quân sự để trừng phạt Syria. Nếu Nga tiếp tục phản đối, họ sẽ tạo ra hình ảnh tiêu cực toàn cầu và rơi vào trạng thái bị cô lập quốc tế.
Không ai tin rằng, Nga đang giúp Mỹ. Người Nga rõ ràng khôn ngoan và đầy toan tính. Nhưng lý do chúng ta bắt tay với họ là gì? Đề xuất của họ tuần trước có lợi cho chính quyền Obama. Và về lâu dài, thỏa thuận cũng sẽ buộc người Nga tự tay tước đoạt vũ khí hóa học của chính quyền Assad theo thời gian biểu của Mỹ. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận, Ngoại trưởng Kerry đã ở vào vị thế tương đối yếu trên bàn đàm phán tuần trước.
Có nguy cơ Assad và người Nga nuốt lời hay không?
 Tổng thống Nga Putin (phải) và Tổng thống Syria Assad (trái).
Nicholas Burns: Có một xác xuất cao Tổng thống Assad và Tổng thống Putin sẽ là các đối tác cố chấp và khó tính trong những tháng tới. Tổng thống Assad cũng có thể nỗ lực tìm cách trốn tránh thực hiện đầy đủ thỏa thuận. Câu trả lời chính xác sẽ đến trong tuần tới khi chính quyền Assad đối mặt thử thách đầu tiên để thể hiện sự chân thành khi Syria bị yêu cầu thực thi các mục đầu tiên của thỏa thuận – cung cấp danh mục hoàn chỉnh các kho vũ khí hóa học cho Liên Hiệp Quốc.
Việc thực thi thỏa thuận này phụ thuộc vào 2 yếu tố. Đầu tiên, nó được thực thi đầy đủ, chân thành và hợp lý đến mức nào. Thứ 2, mức độ Mỹ sử dụng đe dọa vũ lực để ép buộc Syria thực hiện cao kết hiệu quả đến đâu. Đây vừa là rủi ro lớn vừa là thử thách thực tế dành cho Mỹ trong thỏa thuận Geneva.
Mỹ nên làm gì để ngăn chặn khủng hoảng Syria mở rộng thành chiến tranh khu vực lúc này?
Nicholas Burns: Khủng hoảng vũ khí hóa học là vấn đề quan trọng nhưng đối với người Syria lại không quan trọng bằng cuộc nội chiến đang diễn ra ở nước này.
Tổng thống Obama có một cơ hội hiếm hoi để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông nên cân nhắc 2 ưu tiên vào mùa thu này.
Đầu tiên là khởi động và lãnh đạo chiến dịch quốc tế mạnh mẽ hơn để giúp đỡ 6 triệu người tị nạn Syria ở trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Syria được cho là nghiêm trọng và đau lòng bậc nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nếu các cường quốc, dẫn đầu là Mỹ không vào cuộc ngay, hàng triệu người sẽ lâm vào tình cảnh khốn cùng.
Do đó, Mỹ nên tiếp tục thảo luận và hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Lebanon cũng như các nước khác để hỗ trợ người dân Syria.
Ý tưởng thứ 2 là Mỹ có thể hợp tác với Nga, thậm chí cả Iran, các quốc gia Arập, chính phủ Syria và quân nổi dậy để dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn cũng như các dàn xếp chính trị để cuối cùng đạt đến mục tiêu kết thúc chiến tranh.
Bạch Dương (Theo Global Post)

Bình luận(0)