ASEAN cần thay đổi để thể hiện sức mạnh

Google News

(Kiến Thức) - Khối các quốc gia Đông Nam Á phải thay đổi cơ chế hoạt động, tránh tình trạng “hữu danh vô thực”.

ASEAN đang “tê liệt” trước tình hình Biển Đông?
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 13, Mỹ và Nhật Bản cùng lên tiếng phản đối “những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng” của Trung Quốc bằng cách cưỡng chế và cho rằng nên giải quyết các cuộc tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Quan điểm trên của Mỹ - Nhật cũng phù hợp với lập trường giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, ASEAN đang tiến tới tình trạng thiếu đoàn kết.
Lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN chụp ảnh sau Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Myanmar trong 2 ngày 10-11/5. 
Theo Giáo sư John Lee thuộc ĐH Sydney (Australia), xét về vấn đề đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, khó khăn đầu tiên ASEAN vấp phải là sự chênh lệch cán cân lực lượng với “người khổng lồ châu Á”. Khi Trung Quốc trở thành đối tác đầy đủ của Đối thoại ASEAN (ASEAN +3) vào năm 1996, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ cao gấp 1,3 lần so với tổng chi tiêu quân sự của toàn khối ASEAN. Đến cuối năm 2013, con số này tăng mạnh thành 5.
Vào thập kỷ 90, một Trung Quốc khi đó còn tương đối yếu và bị cô lập đã cố gắng thuyết phục cả khu vực rằng nước này sẽ “trỗi dậy một cách hòa bình”.
Khi đó, ASEAN là một công cụ hữu hiệu mà qua đó, Trung Quốc có thể chứng minh rằng, nước này thực sự không có ý định thách thức trật tự thế giới hậu Chiến tranh thế giới II và hành xử tuân theo các thông lệ ngoại giao thế giới.
Thế nhưng ngày nay, thái độ của Trung Quốc đối với ASEAN đã thay đổi. Nếu như trước đây Trung Quốc coi ASEAN là phương tiện để thúc đẩy các lợi ích về ngoại giao thì hiện nay Bắc Kinh đang tìm cách vô hiệu hóa ASEAN nhằm thúc đẩy các lợi ích chiến lược và lãnh thổ của nước này.
Bằng chứng thể hiện rõ nét nhất điều này là Trung Quốc liên tục trì hoãn kí kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC) mà theo đó, các quốc gia sẽ không được dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp hàng hải. Một mặt Trung Quốc vẫn cử các nhà ngoại giao thương lượng về COC để thể hiện rằng nước này theo đuổi giải pháp hòa bình; mặt khác, Bắc Kinh lại có một loạt hành động hung hăng trên Biển Đông nhằm mở rộng quyền kiểm soát với vùng biển này.
Việc Bắc Kinh sẵn sàng tỏ ra thù địch với tất cả các cường quốc hàng hải ở châu Á khiến một liên minh thân Mỹ tại châu Á manh nha ra đời. Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang xích lại gần nhau và gắn bó hơn với các cường quốc khác như Nhật Bản cũng như Ấn Độ cả về chiến lược lẫn quân sự. Khu vực này thậm chí còn đang từng bước chào đón Nhật Bản để Tokyo đóng vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong các vấn đề chiến lược của khu vực.
Tuy nhiên, dù các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Australia công khai ủng hộ ASEAN, việc khối ra quyết định dựa theo nguyên tắc đồng thuận có thể dẫn tới sự tê liệt. ASEAN vẫn đề cao tầm quan trọng của việc hợp tác chiến lược và quốc phòng với Trung Quốc đồng thời thuyết phục Bắc Kinh không sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình. Tuyên bố chung của ASEAN kêu gọi các quốc gia thành viên và Trung Quốc kí kết COC có vẻ chỉ là hi vọng chứ không phải là giải pháp.
Một thực tế khó khăn đối với ASEAN là khối chỉ duy trì tầm ảnh hưởng và vị thế là một tổ chức có vai trò chiến lược của khu vực chừng nào còn có ích đối với các cường quốc. Có vẻ Trung Quốc vui mừng khi ASEAN rơi vào tình trạng tê liệt vì điều đó có lợi cho nước này.
ASEAN cần có cơ chế ra quyết định mới
Mặc dù các quốc gia hàng hải ở Đông Nam Á mong muốn Mỹ tăng cường hiện diện trong khu vực để duy trì hòa bình và an ninh, việc thực thi chỉ có thể diễn ra thông qua một tổ chức đa phương và hợp pháp như ASEAN. Đây chính là sức mạnh của ASEAN. Khối có quyền nhất trí nhưng đồng thời cũng có quyền chỉ trích và quyền đó không hề nhỏ. 
Nếu ASEAN không có quyền lực thực tế, Trung Quốc đã không phải ra sức thuyết phục một số nước thành viên cản trở ASEAN thông qua tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên Biển Đông trong Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Phnom Penh vào tháng 7/2012.
ASEAN cũng có quyền loại trừ các nước ngoài khối thông qua các tuyên bố mang tính biểu tượng. Trung Quốc sẽ trì hoãn việc kí kết COC. Tuy nhiên, không ai có thể ngăn cản ASEAN ký kết một tuyên bố ứng xử cấm các quốc gia thành viên sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với các quốc gia khác. Trung Quốc sẽ được ASEAN mời tham gia kí kết tuyên bố này nhưng có khả năng Bắc Kinh sẽ từ chối.
Khi đó, Trung Quốc sẽ bị cô lập và tổn hại về ngoại giao. Kinh nghiệm từ quá trình thương lượng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy, đôi khi Trung Quốc phải bị loại trừ khỏi một “sân chơi” có các cường quốc khác trước khi nước này ngồi vào bàn thương lượng.
Để làm được điều đó, ASEAN cần từ bỏ nguyên tắc đồng thuận hay tuyệt đối nhất trí. Có nghĩa là chỉ cần sự ủng hộ của số đông các thành viên thì ASEAN có thể thông qua một quyết định. Có thể ban đầu nhiều thành viên của khối sẽ phản đối nhưng nếu không làm như vậy, ASEAN sẽ đối mặt với tình trạng tê liệt, “hữu danh vô thực” và bị Trung Quốc chia rẽ. Ngoài ra, điều đó cũng sẽ có hại cho các quốc gia thành viên ASEAN đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tùng Lâm

Bình luận(0)