Tỉnh cả người khi thưởng thức... cà phê Sài Gòn

Google News

Gần đây, những quán cà phê nàng hầu, cà phê cung hoàng đạo, cà phê sách, cà phê kịch... xuất hiện khá nhiều tại Sài Gòn.

Tôi cúi thấp người “chui” vào lối đi của hang động Totoro - nương theo phim hoạt hình cùng tên của Nhật Bản - ở tầng gác của quán The Other Person (đường Tôn Thất Đạm, Q.1), bước vào mô hình chiếc xe buýt mèo đã đưa những đứa trẻ trong phim bay lên không trung thần tiên. Một nàng hầu xuất hiện.
Nàng hầu và mật ngữ
Đủ loại quán cà phê độc đáo
Sài Gòn còn có những quán cà phê như: cà phê chó mèo - là nơi khách có thể chơi đùa với chó mèo của chủ quán hoặc khách mang vật cưng đến, như cà phê Dogi, Ailu Cat House (Q.Phú Nhuận), cà phê bò sát (Q.Phú Nhuận), cà phê cá - khách vừa uống cà phê vừa ngâm chân trong bể cá để matxa (Q.1, Q.12), cà phê chiếu phim (Moviebox Coffee, HD Cinema). Bên cạnh đó là các quán cà phê học ngoại ngữ, họp mặt đội nhóm từ thiện... cũng khá sôi động.

 

Nàng hầu (maid) mặc áo đầm quấn tạp dề do quán tự thiết kế, đeo cặp tai thỏ trên tóc, cúi chào tôi, hỏi: “Cô chủ dùng gì?” rồi chìa ra quyển thực đơn món uống và thức ăn rất “teen”.
Lát sau cô bé bưng lên ly thức uống mùi vị bạc hà, rồi ngồi nói năng như một nhân vật nàng hầu của Pháp ngày trước.
Đó là mô hình Maid Cafe đang thịnh hành ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... chừng chục năm nay và xuất hiện ở VN chừng hai năm trở lại, trong đó khách sẽ được các nàng hầu đối xử như với ông vua, bà hoàng.
Thấy sự ngạc nhiên nhuốm màu già cỗi của tôi, nàng hầu gọi thêm chủ quán - Phan Tiến Vỹ, 25 tuổi - kể cho tôi những điều lạ lùng của quán này. Trong khi xung quanh, bên trong chiếc xe buýt mèo và hang động Totoro, những nhóm học sinh, sinh viên, cả người nước ngoài nhiều độ tuổi, đang chuyện trò sôi nổi bên ly cà phê.
Quán lập ra từ tháng 3/2013, trên tầng 2 một chung cư xưa cũ giữa trung tâm Sài Gòn. Vỹ nói: “Vốn yêu thích truyện tranh (manga) của Nhật Bản nên tôi cùng một người bạn tự lên ý tưởng thiết kế quán, mô phỏng kiểu quán cà phê nàng hầu ở các nước. Tôi muốn khách đến đây có một khoảng thời gian trở thành người khác”.
Khách đến quán sẽ được các cô bé phục vụ gọi là “cô chủ, cậu chủ” từ ngoài cửa, nếu không bận chạy bàn họ sẽ ngồi trò chuyện chút ít với khách.
'Nàng hầu' Cẩm Tú (đeo tai thỏ) của quán The Other Person bày trò chơi với khách - Ảnh: Yến Trinh 
Cuối tháng, quán sẽ tổ chức sự kiện tích điểm cho những người mang cung hoàng đạo trong tháng đó đi xem phim với nàng hầu hoặc được tặng quà do quán tự làm. Không phức tạp như mô hình ở các nước, trong đó khách phải trả các khoản tiền vào cửa, tiền ngồi lâu... The Other Person chỉ thu tiền theo thực đơn 20.000-50.000 đồng/món và thời gian ngồi tùy ý khách.
Trong khi đó, không gian của cà phê Mật ngữ 12 chòm sao (Q.Gò Vấp) dựa trên tử vi phương Tây về các cung hoàng đạo lại có cách thiết kế và phục vụ không lẫn với bất kỳ quán nào. Các gian quán nơi tĩnh lặng, nơi trẻ trung hoặc huyền bí lại thu hút khách vượt xa sự mong đợi của chủ quán.
Mỗi ngày khách đến quán có thể lên đến 400-500 khách và nhiều người sẵn lòng đợi chờ để trải nghiệm cảm giác ngồi ở nơi thể hiện cung hoàng đạo vận mệnh của mình.
Ở đây có thức uống riêng cho 12 chòm sao, có những món đồ lưu niệm như búp bê, áo thun, sổ... in hình cung hoàng đạo. Và quan trọng hơn, theo chủ quán Nguyễn Khánh Hòa (24 tuổi), khách đến đây còn vì sự quan tâm đến tử vi của chính mình, điều mà nhịp sống hiện đại càng nhiều hoài nghi thì họ càng cần tin vào một điều gì đó.
Từ cà phê sách đến cà phê kịch
"Cuộc sống ồn ào khổ sở, chính bản thân tôi cũng mong cầu sự bình yên, nên tôi mang cái tâm cảm của mình để chăm chút bày biện quán, hi vọng khách đến đây cũng tìm thấy những điều giúp họ an lòng"
CHIÊU ANH NGUYỄN

 

Sáng sớm, cà phê sách Chiêu (bờ kè kênh Nhiêu Lộc, Q.1) đã lác đác khách đến ngồi ở phía ngoài.
Trên những chiếc ghế gỗ hoặc sắt tạo màu rêu phong, khách nhiều thành phần tĩnh tại ngồi đọc báo, chuyện trò, lật giở bìa một cuốn sách cũ, hoặc chỉ đơn giản hướng mắt ra bờ kênh. Tôi cũng chọn một chỗ, ngồi nghe tiếng xe cộ ầm ì xa xôi, cảm thấy không gian lắng đọng.
Anh Tấn Hiếu, 37 tuổi, đến đây được vài lần, chia sẻ: “Cà phê trên đoạn đường này rất nhiều nhưng tôi thích không gian ở quán này nên sẽ ghé lại lâu dài. Ở đây tôi thấy đầu óc thư thái và có chỗ để nghĩ suy nhiều hơn, dù cuộc sống thường ngày rất bận rộn”.
Khởi đầu từ quán cà phê sách ở Q.Tân Bình với không gian ấm áp, trầm lắng như một thư viện nhỏ, sau hai năm kinh doanh, chị Chiêu Anh Nguyễn (37 tuổi) bàn giao lại cho người khác rồi mở quán ở bờ kênh Nhiêu Lộc này.
Khách đến cà phê sách Chiêu tìm sự yên bình - Ảnh: Yến Trinh 
Cà phê sách của Chiêu dĩ nhiên cũng kinh doanh, nhưng chú trọng mang đến cho khách những điều riêng biệt. Khách của Chiêu có nhiều văn nghệ sĩ vốn là bạn bè của chị, nên ở đây còn tồn tại một không gian nghệ thuật mà các nghệ sĩ thường tìm kiếm để viết văn, sáng tác hoặc chiêm nghiệm.
Sách của Chiêu lúc khởi đầu chừng 1.000 đầu sách thể loại văn chương, khảo cứu... rồi dần dần được bạn bè tặng thêm.
Anh Nguyễn Trọng Việt, dân công sở, thường ra đây dùng cơm trưa một mình rồi tranh thủ đọc một đầu sách dang dở, nói rằng đôi khi tìm một chốn lặng lẽ ở Sài Gòn rất khó, có chất riêng như cà phê Chiêu càng khó hơn.
Dù cà phê sách đã khởi động cách đây vài năm, không kể những mô hình cà phê để bán sách, thì Chiêu và chừng dưới chục quán tương tự không kinh doanh sách nhưng lại “bán” cho khách nhiều điều hay ho.
Một sân khấu đơn sơ, khách ngồi sát phía dưới, những diễn viên kịch không chuyên diễn ngay trên bục những vở từ cổ trang, hài, tệ nạn xã hội, chuyện giới trẻ... tuy không là điều quá mới ở các quán cà phê kịch nhưng vẫn có sức hút đáng kể với thị dân Sài Gòn.
Không gian ở một quán cà phê kịch - Ảnh: Nhóm kịch Up cung cấp 
Tiên phong loại hình cà phê kịch có thể kể đến cà phê Bệt, Lít, Nhện... với những suất diễn cách nhật hoặc cuối tuần. Họ thường mời các nhóm kịch, trả thù lao trung bình 1 triệu đồng/đêm, thu phí xem kịch dựa trên giá nước chừng 80.000 đồng/ly.
Đội ngũ diễn kịch thường là các nhóm kịch của sinh viên các trường điện ảnh, lối diễn chưa quá sâu nhưng chân thật, nhập tâm.
Có những quán khách ngồi trên những bìa cactông, tạo sự gần gũi giản dị giữa người xem và người diễn, nhưng cũng có những quán cao cấp và thiết kế như một sân khấu kịch. Người đến uống cà phê ngoài những câu chuyện nói với nhau, còn cảm được thông điệp cuộc sống từ những vở kịch.
Mở và ngưng
Khó để kể hết những quán cà phê độc đáo ở Sài Gòn, và việc một quán vừa được giới thiệu rầm rộ không lâu sau đã tạm ngưng hoặc đóng cửa cũng thường xảy ra.
Loại hình cà phê kịch, với thời điểm cách đây 2-3 năm lên đến chừng 70 quán với nhiều nhóm kịch thành lập, thì con số này hiện nay rơi rụng dần. Để tồn tại, những quán này phải chiều khách hơn, trình diễn những vở kịch cho nhiều đối tượng, thành phần chứ không đi riêng một thể loại.
Anh Trần Ngọc Nguyên Khoa, chủ quán cà phê Ovi (Q.10), mở loại hình kịch cách đây hai năm và duy trì đến nay. Mỗi tháng, quán anh diễn kịch hai tối chủ nhật và mời chừng 2-3 nhóm kịch biểu diễn với khách hàng chủ yếu là trung niên.
Anh nói sự cạnh tranh, nhu cầu của khách... tuy thay đổi, khắc nghiệt nhưng loại hình cà phê kịch này sẽ tồn tại lâu dài nếu biết cách xoay chuyển thể loại, cách quảng bá.
Bá Hưng, trưởng nhóm kịch Up với chừng 10 thành viên, đi diễn đã được hai năm, chứng kiến quán cà phê kịch mở rồi ngưng cũng nhiều.
Hưng cho rằng chuyện lỗ lã là lý do chính khiến người ta ngán ngại kinh doanh cà phê kịch. Nếu quán chấp nhận bù lỗ ban đầu để thu hút khách sẽ trụ được, còn những quán nhỏ vốn ít thường kết thúc không lâu sau đó.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, chủ quán Chỗ Cũ (Q.Tân Bình), đã đóng cửa quán cách đây nửa năm vì lượng khách bữa đạt bữa không và giờ kịch diễn cũng thường kết thúc trễ nên khó thu xếp.
Vì vậy, chuyện phải đa dạng thể loại kịch để chiều lòng khách là chuyện cả nhóm kịch lẫn chủ quán phải chú trọng để tồn tại. Lịch diễn ở các quán thường linh động cuối tuần hoặc giữa tuần tùy nhu cầu khách và địa điểm của quán.
Còn với cà phê Mật ngữ 12 chòm sao hiện cũng tạm ngưng vài tháng và ông chủ cho biết đang tìm địa điểm rộng khoảng 500m2 ở Q.1 để đủ chỗ phục vụ khách, và tạo chuỗi cà phê mật ngữ vì chuyện tìm hiểu cung hoàng đạo đang là xu hướng của giới trẻ.
Cà phê Chiêu cũng cố gắng giữ chất riêng của mình nhưng câu chuyện kinh doanh đòi hỏi sự tính toán cân nhắc lợi nhuận, từng điều nhỏ như thể loại nhạc, không gian, phục vụ... để có lượng khách ổn định.
Vì vậy, nếu các mô hình cà phê chỉ chú trọng nét độc đáo mà không bền vững, chuyện sụp đổ là không tránh khỏi, nói chi đến chuyện làm giàu!
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)