Bây giờ khi xã hội chuyển mình từng bước một, ngày càng phát triển nhanh hơn, thì con người ta – đặc biệt là người trẻ lại cảm thấy cô đơn nhiều hơn.
Dạo này người ta hay nhắc đến từ “cô đơn” – như một tâm trạng chung của thời đại, một kiểu tâm trạng rất “đại chúng”. Thật ra, trạng thái cô đơn lan tràn ấy đã xuất hiện ở Mỹ và một số nước khác từ rất lâu, khoảng giữa thế kỷ 20, khi nước Mỹ bắt đầu chào đón kỷ nguyên của công nghệ và văn hóa đại chúng. Bây giờ khi xã hội chuyển mình từng bước một, ngày càng phát triển nhanh hơn, thì con người ta – đặc biệt là người trẻ lại cảm thấy cô đơn nhiều hơn.
Người trẻ cứ luôn phải loay hoay kiếm tìm mình trong cơn chuyển giao của thời đại. Áp lực thành công từ xã hội, gia đình, từ thế hệ trước với quan niệm “Thế hệ trẻ bây giờ cái gì cũng đủ đầy thì cớ gì mà không thành công được?”. Có vẻ như người trẻ đang cảm thấy hoang mang và trống trải trong chính cái thế giới quá hiện đại này.
Khi công nghệ phát triển như vũ bão, người ta đo lường giá trị của nhau bằng giá tiền hay cấp độ của máy tính và điện thoại di động. Các mạng xã hội như Facebook giúp người ta thông báo cho nhau từng hành vi, từng địa điểm hẹn hò, cả những tâm trạng buồn, vui, hờn giận thay đổi trong tích tắc vài giây đồng hồ. Nhờ mạng xã hội người ta có thể kết bạn với hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người trên khắp toàn cầu. Chỉ trong vài cái click chuột, người ta đã là bạn bè. Tưởng như chưa bao giờ con người có cơ hội đến gần nhau nhanh như thế. Để rồi… cũng chưa bao giờ con người ta xa nhau đến thế.
Rồi khi gặp mặt nhau, mỗi người cứ chìm ngập trong thế giới riêng của mình, tay cầm điện thoại chụp ảnh và check-in trên Facebook. Khi những dòng status đôi khi chỉ là những dòng chữ vô hồn, chia sẻ chỉ vì muốn để cho thiên hạ nhìn thấy. Khi một tình bạn có thể bắt đầu bằng biểu tượng ‘Add friend’ và kết thúc đơn giản chỉ bằng nút ‘Unfriend’. Khi người ta chọn cách chia sẻ bằng việc bấm like thay vì gặp mặt, nhìn nhau và hỏi han quan tâm. Khi người ta ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, bỗng nhìn nhau và thấy khoảng cách sao thật xa…
Rồi guồng quay của một xã hội phát triển vô tình cuốn người ta vào những cuộc lo toan cho công việc, sự nghiệp. Và cứ thế mà thời gian dành cho nhau trở nên hiếm hoi và thưa thớt. Áp lực công việc bỗng trở thành cái cớ cho khoảng cách giữa lòng người, cho những cuộc chuyện trò ngày càng gượng gạo, và đến một ngày gặp nhau chẳng biết phải nói gì. Cứ thế, rồi xa nhau. Có những mối quan hệ chỉ cần một trong hai người buông tay, là có thể lạc mất nhau mãi mãi. Mà buông tay trong thời đại này cũng thật đơn giản, đổi số điện thoại, “deactive facebook”,… chỉ bấy nhiêu thôi là mất dấu, mất hết.
Cuộc sống hối hả khiến ta luôn quay cuồng. Chúng ta lo cho cuộc sống của mình, chúng ta làm việc nhiều giờ để kiếm tiền không những để sinh tồn mà còn để mua những thứ mà ta nghĩ nó tạo ra giá trị cho chúng ta.
Chúng ta làm việc từ sáng đến những khuya đi về rồi tự “gặm nhấm” những cô đơn. Chúng ta bỏ quên tuổi trẻ đâu đó, thậm chí bỏ qua những thứ giúp chúng ta cân bằng. Chúng ta mải chạy theo những thứ “lấp lánh” nhưng lại khiến ta mất phương hướng và vùng vẫy trong cái “kén” ta tự tạo.
Tuổi trẻ có rất nhiều mà cũng có thể chẳng có gì. Bởi vì có nhiều – là đam mê, là hoài bão, là tự do nên tuổi trẻ nắm trong tay những mộng tưởng dễ vỡ, nên tuổi trẻ sẵn sàng đánh đổi và dễ dàng tổn thương . Người ta cứ nói, tuổi trẻ chẳng có gì để mất nên tuổi trẻ không biết sợ, không biết lo. Thật ra thì, những điều đã mất đi trong năm tháng rực rỡ đẹp nhất ấy đã dạy cho họ một nỗi lo, một nỗi sợ chỉ riêng mình hay. Tuổi trẻ chỉ có niềm tin, chỉ có hy vọng, chỉ có ước mơ – rất nhiều nhưng cũng dễ mất.
Người ta nói với nhau, không hiểu vì sao tuổi trẻ hôm nay lại dễ buồn, dễ cô đơn đến thế? Bởi vì không hiểu nên nhiều người trách móc, cười chê – rằng cuộc sống quá đủ đầy nên người trẻ sống vô nghĩa, dễ buồn vì những điều đâu đâu. Nhưng đủ đầy vật chất không khỏa lấp được lỗ hổng của tâm hồn. Và rằng, người khổ có nỗi buồn của người khổ, người giàu có nỗi đau của người giàu. Người già dễ buồn vì những điều đã cũ còn người trẻ dễ buồn vì những điều chưa qua. Ở lứa tuổi nào, người đang sống cũng có những nỗi cô đơn của riêng họ.
Tuổi trẻ, đôi khi rất thích cô đơn. Thích được ở một mình, thích được tự làm chủ mọi thứ trong cuộc sống của bản thân. Từ việc bản thân dù có xấu xí lôi thôi trong không gian riêng đến việc không ai chê trách hay phàn nàn mình, người trẻ thích có sự riêng tư.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay, những chuyến du lịch một mình ngày càng phổ biến trong giới trẻ, họ thích tự mình trải nghiệm, tự mình khám phá, tự mình gặm nhấm sự cô đơn một cách tự nhiên nhất. Và những người trẻ chắc chắn không hề ghét sự cô đơn như vậy, cũng không sợ hãi nó, họ thích sự cô đơn tự nhiên và độc lập này.
Cần phải biết rằng, người cô đơn không phải là không hạnh phúc, họ rất hạnh phúc nhưng họ cũng có những giây phút cô đơn. Vậy nên, người trẻ không phải vì bất hạnh mà cảm thấy cô đơn, chỉ là ai cũng phải trải qua những thời khắc mất tự chủ, những khoảnh khắc bỗng dưng muốn một mình, không buồn, không vui, không tuyệt vọng. Cô đơn để lắng nghe những tiếng thở từ cuộc sống. Cô đơn để lắng mình lại, cô đơn để thấy tự do hơn trong những bước đi.
Người trẻ thích cô đơn, nhưng không phải không sợ cô đơn. Cô đơn, là một trạng thái mà người trẻ vừa thích thú với nó, vừa sợ hãi với nó. Họ sợ cảm giác cô đơn khi không một ai để sẻ chia, không một ai để tâm sự, không một ai ở bên.
Người trẻ là những người đang chao đảo trước ngưỡng cửa trưởng thành, có những mối quan hệ còn đọng lại, nhưng có nhiều mối quan hệ cũng lùi vào dĩ vãng. Họ đạt được nhiều thứ, nhưng cũng có nhiều thứ bị họ, hoặc bị cuộc đời lãng quên. Vượt qua cái ngưỡng cửa ấy, nghĩa là họ phải tự đối diện với cuộc đời dài và rộng, tự vùng vẫy, và sự cô đơn đến trong những lúc này khiến người ta sợ hãi. Cô đơn, là một đứa con lai giữa yếu đuối và mạnh mẽ. Sự cô đơn làm ta yếu đuối hay mạnh mẽ hơn, thì đều do ta quyết định.
Người trẻ thích cô đơn vì thích tự do, nhưng cũng sợ cô đơn vì sợ thiếu đi sự sẻ chia, thiếu sự yêu thương.
Mỗi người đều có một nỗi cô đơn của riêng mình và cảm nhận nó theo những cách khác nhau. Với nhiều người, cô đơn là không có ai sẻ chia, không có ai thấu hiểu. Nhưng khi bạn đã quen dần với cô đơn, bạn thỏa hiệp và sống chung với nó, bạn sẽ thấy nó cũng mang lại cho mình cảm giác dễ chịu. Đó là khi bạn được tự do làm những gì mình muốn, không làm phiền đến ai và cũng không có ai làm xáo động cuộc sống của bạn. Ngược lại, nếu bạn không thể chịu đựng được nỗi cô đơn, bạn sẽ bị nỗi cô đơn hành hạ, ngày qua ngày.
Phàm là những người cảm thấy mình đang cô đơn, sẽ luôn bất an trước tất thảy mọi biến cố. Sẽ luôn co chân bỏ chạy khi thấy mình có thể sẽ tổn thương . Sẽ không dám đi, sẽ không dám thử, sẽ không biết cách mở lòng ra đủ rộng để hưởng thụ thanh xuân một cách vẹn tròn.
Ai rồi cũng sẽ trưởng thành, cũng đều sẽ trải qua cảm giác cô đơn như thế. Khi chập chững những bước chân đầu tiên xác nhận với cuộc đời rằng từ nay sẽ tự bước đi một mình. Khi những người bên cạnh đều rẽ lối đi riêng. Khi những ấm ức, oán hận với thế giới chất chồng bởi bất công, bởi vì bị tổn thương , bởi vì không biết phải đối mặt với thất bại ra sao.
Bạn càng tìm kiếm sự sẻ chia, an ủi từ người khác thì bạn càng dễ nhận về sự hụt hẫng, bơ vơmà thôi. Ta chẳng thể dựa vào ai ngoài chính bản thân mình. Ngày hôm qua bạn buồn vì những mối quan hệ bạn bè cứ dần lỏng lẻo và xa cách, bạn thất vọng vì không tìm được cảm giác bình yên trong các mối quan hệ xung quanh. Nhưng sau một đêm bình tĩnh suy nghĩ, bạn sẽ thấy mình không nên bi quan hóa mọi thứ thêm nữa. Điều bạn cần làm hiện tại là chăm lo cho cuộc sống của mình thật tốt. Khi cuộc sống của bạn tốt lên, mọi thứ tự nhiên sẽ ổn. Ai rồi cũng sẽ tự biết cách giải quyết vấn đề của mình.
Và nhớ rằng, nếu cô đơn, hãy cô đơn một cách bình thản, bình thản chấp nhận tất cả những gì cuộc đời mang đến cho ta.