Nội dung vụ kiện thể hiện, khu đất Zone 9 số 9 Trần Thánh Tông thuộc quyền quản lý của CTCP Dược phẩm Trung ương 2. Công ty này vài đối tác khác thành lập CTCP Đầu tư phát triển Bình An.
|
Khu đất số 9 Trần Thánh Tông. Nguồn ảnh: Internet |
Năm 2011, Tập đoàn Đại Dương trở thành một trong ba cổ đông sáng lập Công ty Bình An. Phòng công đoàn Công ty Đại Dương được giao khoán quản lý, sử dụng, bảo vệ diện tích 9.450m2 đất ở số 9 Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Năm 2013, Công ty Tiến Bộ ký kết hợp đồng giao khoán với Phòng Công đoàn Đại Dương để khai thác mặt bằng. Thời gian giao khoán từ ngày 15/2/2013 đến ngày 15/2/2014 với số tiền phải trả là 250 triệu đồng/tháng.
Cũng trong ngày 15/2/2013, Công ty Tiến Bộ ký hợp đồng liên kết với Công ty Thành Đạt. Theo hợp đồng này, Công ty Tiến Bộ giao cho Công ty Thành Đạt quản lý, bảo vệ diện tích 9.980m2 để khai thác mặt bằng, thời gian là 12 tháng. Trong thời gian này, Công ty Thành Đạt được khai thác trông giữ xe, rửa xe ô tô...
Sau khi hoàn tất thủ tục pháp nhân vào cuối tháng 7/2013, Công ty Bình An đồng ý giao cho Công ty Tiến Bộ quản lý, sử dụng lô đất số 9 Trần Thái Tông, đồng thời trả chi phí bảo trì tài sản trên đất là 1,5 tỷ đồng.
Ngày 11/8/2013, Công ty Tiến Bộ ký Hợp đồng số 12, giao mặt bằng và tài sản trên đất với Công ty Thành Đạt. Theo hợp đồng, Công ty Thành Đạt sử dụng mảnh đất này từ ngày 1/8/2013 đến 28/2/2014. Chi phí bảo trì Công ty Thành Đạt phải trả cho Công ty Tiến Bộ là 260 triệu đồng/tháng.
Thực tế, Công ty Thành Đạt đã trả cho Công ty Tiến Bộ số tiền 3,2 tỷ đồng, gồm tiền đặt cọc, phí bảo trì .... Ngoài ra, Công ty Thành Đạt còn bỏ tiền xây dựng, cải tạo một số nhà, công trình trên đất tổng trị giá là 1,3 tỷ đồng.
Tháng 11/2013, do có sự cố cháy nhà Zone 9, theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, Công ty Bình An có văn bản yêu cầu Công ty Thành Đạt phải chấm dứt hợp đồng và di dời tài sản.
Sau khi trả lại mặt bằng cho Công ty Tiến Bộ, Công ty Thành Đạt đã có đơn khởi kiện ra tòa án, đề nghị hủy Hợp đồng số 12 (ngày 11/8/2013).
Công ty Tiến Bộ có đơn phản tố, buộc Công ty Thành Đạt phải trả lại số tiền 19 tỷ đồng - tiền nguyên đơn khai thác sử dụng mặt bằng và cho hơn 50 hộ dân thuê lại mặt bằng trong thời hạn liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, tại tòa, bị đơn rút yêu cầu phản tố.
Bản án sơ thẩm năm 2015 của TAND quận Thanh Xuân đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thành Đạt, hủy hợp đồng ngày 15/2/2013 và hợp đồng giao quản lý, sử dụng mặt bằng tài sản trên đất số 12 ngày 1/8/2013; đồng thời buộc Công ty Tiến Bộ phải hoàn trả lại số tiền hơn 3 tỷ đồng cho Công ty Thành Đạt.
Sau phiên tòa sơ thẩm, phía bị đơn là Công ty Tiến Bộ và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Công ty Bình An và Tập đoàn Đại Dương) đã đồng loạt kháng cáo.
Công ty Tiến Bộ cho rằng, cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự, không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, chưa xem xét lỗi dẫn đến chấm dứt hợp đồng. Từ đó, bị đơn đề nghị hủy án sơ thẩm và yêu cầu Công ty Thành Đạt phải trả lại lợi ích thu được từ việc khai thác mặt bằng. Số tiền ước tính là hơn 8,7 tỷ đồng.
Ngày 24/3, TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng kinh doanh thuê địa điểm. Do một số vấn đề không thể giải quyết tại cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại.