Nước vừa đắt vừa thiếu
Sau khi
Kiến Thức đăng bài phản ánh về
tình trạng mất nước nghiêm trọng tại khu đô thị Đại Thanh (Hà Đông, Hà Nội) do Doanh nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư, tòa soạn tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều cư dân sinh sống tại tòa chung cư VP3 (bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) về tình trạng mất nước tương tự xảy ra tại đây. Điều đáng lưu ý, đây cũng là một chung cư của đại gia Lê Thanh Thản.
Nằm trong quần thể Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm – khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội, VP3 là dự án khá “hot” tại Hà Nội thời điểm năm 2012. Dự án gồm 1 tòa chung cư cao 33 tầng với các căn hộ có diện tích từ 50,5m2 đến 110 m2, có giá bán từ 21triệu/m2 đến 23triệu/m2 đã bao gồm VAT và nội thất cơ bản. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cư dân, kể từ khi chuyển về sinh sống tại tòa nhà hiện đại của đại gia Lê Thanh Thản, mùa hè năm nào họ cũng phải hứng chịu cảnh thiếu nước, trầm trọng nhất là thời gian từ cuối tháng 5 trờ lại đây.
Cụ thể, kể từ ngày 25/5 đến nay, VP3 liên tục bị mất nước. Ban quản lý tòa nhà đã phải lên kế hoạch cấp nước theo giờ cho cư dân sử dụng. Mỗi ngày nước được cấp 3 lần vào các khung giờ buổi sáng từ 5h30-7h30, buổi trưa từ 10h30-12h30, buổi tối từ 18h-20h. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp nước vào các khung giờ bị rút ngắn chỉ còn khoảng 30 phút/lần, tối đa nhất là 1 giờ. Lượng nước cấp hàng ngày hoàn toàn không đủ dể đáp ứng những sinh hoạt cơ bản nhất cho người dân.
Cho đến ngày 3/6 vừa qua, việc cấp nước lại bị rút ngắn lại chỉ còn 2 lần/ngày trong khi đó người dân phải chi trả nước sinh hoạt với giá cắt cổ.
“Trong hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư cam kết cung cấp đầy đủ điện nước cho cư dân theo quy định của nhà nước nhưng kể từ khi chuyển về đây sinh sống, chúng tôi luôn phải chịu trả phí nước sinh hoạt với giá 7.500 đồng/m3 (khung giá nước sạch tại Hà Nội hiện nay là 4.172 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên)”, anh Nguyễn Thanh Tùng, đại diện cho cư dân sinh sống tại VP3 cho hay.
|
Người dân huy động mọi vật dụng trong nhà để hứng nước.
Ảnh: Minh Tùng. |
Nước giá đắt, cư dân còn nghi ngờ chất lượng nước sinh hoạt tại tòa nhà VP3 có vấn đề. “Mỗi lần tới khung giờ bơm nước. Nước chảy ra ban đầu có màu hơi vàng, không thể dùng được, tôi đều phải đổ đi để hứng lượt sau nhưng màu nước vẫn hơi nhờ nhờ, không trong như nguồn nước sạch sông Đà mà trước khi chuyển về đây sinh sống, tôi vẫn hay sử dụng”, chị Nguyễn Thị Ngân, một cư dân sống tại tầng 3 của tòa nhà cho hay.
Cư dân thành “đại gia” bất đắc dĩ
Tương tự như khu đô thị Đại Thanh, cư dân sống ở VP3 cũng sống dở, chết dở vì tình trạng mất nước. Người dân bất đắc dĩ sống kiểu “đại gia” khi phải đi mua nước đóng chai về đánh răng rửa mặt, sinh hoạt hàng ngày.
“Thiếu nước dùng, cả tuần vừa rồi gia đình tôi đi mua nước đóng chai dưới siêu thị về làm nước sinh hoạt. Tốn tiền thật nhưng cũng phải cắn răng mua chứ biết làm sao được vì nước là nhu cầu tối thiểu. Mọi vật dụng trong nhà đến xô chuyên dụng thường dùng để lau nhà cũng được huy động để dự trữ nước nhưng cũng không ăn thua”, chị Ngân nói.
Thê thảm hơn là gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng, sống ở tầng 31, do ở tầng cao nhất của tòa nhà nên áp lực nước yếu, vào những giờ được bơm nước, nước chỉ lên được đến tầng 9, tầng 10 là giảm dần, người dân tầng thấp hơn hứng hết nên khi đến tầng 31 thì chẳng còn được bao nhiêu để hứng dự trữ.
“Do đặc thù công việc, gia đình tôi không có người ở nhà canh giờ có nước mà hứng được nên có hôm đi làm về muộn, không còn giọt nước nào dùng, đi mua nước lọc thì siêu thị cũng đóng cửa, tôi đành phải hứng nước từ điều hòa qua đêm để sáng hôm sau có nước đánh răng, rửa mặt. Mất nước được 2 ngày thì tôi di tản các cháu về quê hết chứ không dám cho ở đây. Cũng may là đúng vào dịp các cháu được nghỉ hè”, anh Tùng than vãn.
|
Sàn gỗ gia đình bác Phạm Văn Mầu bong do ngập nước.
Ảnh: Minh Tùng. |
Cười ra nước mắt nhất là trường hợp của gia đình bác Phạm Văn Mầu, sống tại tầng 23 tòa nhà VP3 sau vụ bị “đánh úp” bằng màn mất nước ngày 25/5, gia đình bác Mầu phải “hi sinh” toàn bộ sàn gỗ của căn hộ trị giá tới mấy chục triệu đồng.
Bác Mầu cho biết: “Tối ngày 25/5 bà xã tôi đang giặt dở tay thì mất nước, do không được thông báo trước từ ban quan lý, cứ nghĩ chỉ mất một lúc rồi có nên nhà tôi chủ quan không khóa vòi. Ai ngờ đến tận sáng hôm sau mới có nước, lúc đó cả nhà tôi lại đi vắng, nên nước tự do chảy, ngập toàn bộ sàn. May mà có người hàng xóm phát hiện ra, điện cho tôi về kịp khóa vòi nên nước chưa bị tràn xuống khu vực thang máy phía ngoài. Nhưng do sàn nhà tôi lát gỗ nên bị bong toàn bộ”.
Theo ghi nhận của Kiến Thức, tại tòa nhà VP3, người dân không chỉ bức xúc vì mất nước mà còn nhiều vấn đề liên quan. Kiến Thức sẽ tiếp tục phản ánh...