Thán phục người Nhật làm nhà không cần một cái đinh nào

Google News

Không cần keo dán, cũng không đóng một cái đinh nào mà căn nhà gỗ vẫn tồn tại cả trăm năm tuổi, lại chống được động đất thường xuyên xảy ra tại Nhật Bản... kỹ thuật xây nhà gỗ của người Nhật khiến cả thế giới phải thán phục.

Không thể phủ nhận rằng, máy móc và kỹ thuật hiện đại ngày nay phần nào giúp cho con người tạo ra được nhiều kiểu nhà độc đáo, tiện lợi, phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, từ thời xa xưa, người ta đã biết khai thác, sử dụng gỗ và khéo léo tạo nên những ngôi nhà gỗ vô cùng vững chãi, bền chắc mà không sử dụng đến một chiếc đinh nào. Đó chính là kỹ thuật xây nhà gỗ “ghép mộng gỗ” độc đáo và tinh vi của người Nhật khiến cả thế giới phải thán phục.
Từ thời cổ đại khi cuộc sống chỉ có nguyên vật liệu thô sơ mà không có máy móc, kỹ thuật hay thiết bị hiện đại như ngày nay, những người thợ mộc có tay nghề tinh xảo từ Trung Hoa đã biết sử dụng gỗ chế tác những vật dụng gỗ mà không cần dùng đến đinh, keo, ốc vít,…để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày hay sản xuất. 

Kỹ thuật "ghép mộng gỗ" tinh xảo được người Nhật kế thừa từ thời xa xưa. 
Một thời gian sau, kỹ thuật ghép mộng gỗ “cao siêu” này được các kiến trúc sư Nhật Bản thời xưa nghiên cứu không chỉ để làm những vật dụng hàng ngày mà để phát triển xây nhà bền vững. Kể từ đó, “Kanawatsugi” hay "Hà hợp kế thủ" (bắt tay giữa các dòng sông) là kỹ thuật ghép nối phức tạp, tinh vi với độ chính xác cao mà không sử dụng đinh, keo dính hay công cụ hạng nặng của người Nhật ra đời khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
“Kanawatsugi” hay "Hà hợp kế thủ" (bắt tay giữa các dòng sông) là kỹ thuật ghép nối phức tạp, tinh vi với độ chính xác cao mà không sử dụng đinh, keo dính hay công cụ hạng nặng của người Nhật. 
Kanawatsugi theo quan niệm của người xưa là kỹ thuật xây nhà mang đậm triết lý âm dương, đầu khúc gỗ có âm dương, hai đầu gỗ dường như biết suy nghĩ, chúng ôm khít vào nhau giống như đang “thì thầm”. Nói cách khác, họ sử dụng kỹ thuật ghép gỗ với một thanh gỗ lồi (gọi là “mộng” - 凸) và một thanh gỗ lõm (gọi là “lỗ mộng” -凹), hai thanh gỗ có thể kết hợp với nhau một cách khăng khít.
Kỹ thuật xây nhà gỗ này trở nên độc đáo và đặc biệt bởi không cần dùng đến một chiếc đinh, keo dính hay công cụ nào, chỉ với những thanh gỗ mà có thể khiến ngôi nhà gỗ của người Nhật trở nên chắc chắn, vững chãi. Đây là một kỹ thuật tuyệt vời đối với người Nhật Bản bởi những ngôi nhà gỗ sử dụng kỹ thuật này thậm chí có thể chống được động đất mạnh cấp 8.
Một minh chứng nữa cho việc sử dụng kỹ thuật “ghép mộng” để xây nhà gỗ là cực kỳ tuyệt vời, là sự bền vững của các công trình được chứng thực qua thời gian, tồn tại đến cả hàng trăm năm mà gỗ không bị mục nát hay lỏng lẻo. Ngoài ra, những thợ làm nhà gỗ còn tạo nên các công trình lớn như đền thờ có tuổi thọ hàng ngàn năm tuổi dù trải qua vô số thăng trầm thời gian và thiên tai.
Kỹ thuật “ghép mộng gỗ” Kanawatsugi với những thanh, mẩu gỗ lồi lõm, giúp cho các đầu nối gắn kết với nhau vô cùng chắc chắn đòi hỏi kỹ thuật ghép nối phức tạp, tinh xảo với độ chính xác đến từng milimet. Những thợ mộc làm nhà gỗ với kỹ thuật độc đáo này được gọi là Miyadaiku, đều là những người có tay nghề vô cùng tinh vi, làm việc chính xác đến từng chi tiết nhỏ mà người thời nay khó lòng theo được.
Những thợ mộc làm nhà gỗ với kỹ thuật độc đáo này đều là những người có tay nghề vô cùng tinh vi, làm việc chính xác đến từng chi tiết nhỏ. 
Sau khi thông tin về kỹ thuật xây nhà gỗ bằng cách “ghép mộng gỗ” được công bố và chia sẻ trên mạng internet, rất nhiều người, đặc biệt là các kiến trúc sư đã quan tâm và thảo luận, mong được học hỏi kỹ thuật chế tác tinh xảo này. Một ngôi nhà gỗ tuyệt đẹp, vững chãi cả hàng trăm ngàn năm tuổi mà không sử dụng đến một chiếc đinh nào, ai mà không mơ ước sở hữu chứ?
Theo Ngọc Quỳnh/Khám Phá

>> xem thêm

Bình luận(0)