1. Chủ đầu tư đòi 2/3 lối đi
Sau hàng loạt sai phạm được Sở Xây dựng chỉ ra, hồi tháng 11/2015, cư dân sống tại dự án Sky City (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) lại tiếp tục bức xúc khi chủ đầu tư đòi 2/3 cổng ra vào tại dự án này.
|
Chung cư bị chiếm 2/3 lối đi chung cư. Ảnh: VTC News |
Cụ thể, công ty Hanotex cho biết đã đi thuê đất để cho cư dân “mượn tạm” lối ra vào trong suốt 5 năm qua. Đến nay hợp đồng đã chấm dứt và cư dân sẽ phải hoàn trả lại phần diện tích đó để lối ra vào chỉ còn rộng 3,5m và phải đi chung với dãy nhà hàng xóm khác.
Trong văn bản số 2110/CV-HNT của công ty Hanotex gửi Sở Xây dựng Hà Nội và thanh tra sở xây dựng Hà Nội ngày 21/10/2015, tại điều 1, công ty Hanotex cho biết đã thanh lý lối đi là đất thuê của công ty CP Sản xuất HXK và XNK Đống Đa (Dasimex).
Tuy nhiên, theo các cư dân, thông báo này của Hanotex hoàn toàn không logic bởi trong buổi họp với ban quản trị ngày 07/12/2013, ông Dương Thành Đạt, Tổng Giám đốc của Hanotex tuyên bố đã mua toàn bộ diện tích đường đi để làm lối đi chung của dự án.
“Chúng tôi tiếp tục đi xác minh để xem công ty Dasimex, đơn vị cho Hanotex thuê đất để làm đường đi chung vào khu chung cư Sky City Towers – 88 Láng Hạ thì được biết: Công ty Hanotex đang sở hữu 41,42% tỉ lệ vốn góp tại công ty Dasimex. Và cổ đông Trần Nhật Thành (giữ 30% cổ phần tại Hanotex) đồng thời là người đại diện cho phần vốn góp của Hanotex tại Dasimex. Như vậy, phải chăng chủ đầu tư đang lừa dân”, đại diện cư dân cho biết.
2. Chung cư như cái...chợ
Trước đó, phản ánh trên báo vietnamnet, tại nhà B11A khu Nam Trung Yên, đập vào mắt người đến lần đầu là các tấm biển: Tầng 2 – cơm bình dân; Tầng 5 – vàng mã, chè Thái Nguyên; Tầng 4: bán và cho thuê đĩa, các loại thẻ điện thoại; Tầng 9: bán bật lửa thuốc lá các loại; phòng 50..: May đo, sửa chữa quần áo…
Dọc hành lang của các tầng ở chung cư Hà Nội này, tầng nào cũng có sẵn bếp than để nghi ngút khói. Hỏi ông Nguyễn Hoàng Ng. (40 tuổi – sống tại khu nhà 11B), ông cho biết, có đến 50% các hộ dân ở đây đều sử dụng bếp than cho tiết kiệm. Để trong nhà thì sợ nguy hiểm nên mọi người hè nhau chuyển hết ra hành lang.
Ngay tại tầng 9, tòa nhà B3 của khu Nam trung Yên, chúng tôi bắt gặp một hàng tạp hóa bán đầy đủ gia vị, mắm muối, thực phẩm khô, chẳng khác gì một siêu thị thu nhỏ. Lang thang dọc các tầng khác, chốc chốc lại có thể mua được cà chua, hành mùi, rau muống…
Hình thức kinh doanh này đều do các hộ tự phát. Đầu tiên là mọi người cải tạo lại phòng khách để kinh doanh. Một thời gian sau thấy chật chội quá thì tràn cả ra hành lang. Nhà nào không chịu được thì... tự bán nhà rồi tìm nơi khác để sống.
3. Mất điện, nhịn cơm
Trước đó, nhiều khách hàng mua dự án The Pride (Lê Văn Lương kéo dài, quận Hà Đông, Hà Nội) hết sức bất ngờ khi chủ đầu tư gửi thông báo yêu cầu thay toàn bộ hệ thống bếp gas bằng bếp điện.
Trong văn bản này gửi cư dân nêu rõ lý do thay đổi là, việc sử dụng bếp gas có nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe con người cũng như những nguy cơ về phòng chống cháy nổ.
Hơn nữa, khi cư dân trong tòa nhà sử dụng dịch vụ cung cấp gas do công ty quản lý tòa nhà chỉ định cũng sẽ bị phụ thuộc vào sự thay đổi trong chính sách giá của nhà cung cấp. Trong khi đó, sử dụng bếp điện và bếp từ không những an toàn hơn, không gây hại tới sức khỏe mà còn tiết kiệm hơn đáng kể.
Với những lý giải đó, Công ty Hải Phát cho biết quyết định chuyển hướng đầu tư thay thế hệ thống cung cấp gas trung tâm bằng việc nâng cấp điện để tăng công suất, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của cả dự án chung cư.
Trao đổi với báo điện tử VTC News, một khách hàng khác lại bức xúc: “Tôi chưa thấy hệ thống chung cư nào ở Hà Nội mà người dân dùng điện thay gas. Trong trường hợp bị mất điện thì người dân phải đun nấu thế nào? Không lẽ mất điện thì người dân cũng nhịn ăn luôn?
Ở Hà Nội, việc mất điện luân phiên vào mùa hè, nhất là những năm nguồn điện gặp khó khăn không phải là chuyện lạ, thì phương án phụ thuộc tất cả các sinh hoạt vào nguồn điện có khả thi không?”.
Mời quý độc giả xem video chung cư cũ ở Hà Nội: