Nhiều công trình dù đang thi công dang dở nhưng chủ đầu tư đã cho các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh “tùm lum” gây mất mỹ quan đô thị và vi phạm các quy định hiện hành.
Dự án 131 Thái Hà
Phản ánh mới nhất về việc dự án chưa xây xong đã cho thuê kinh doanh là dự án Công trình khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở kinh doanh số 131 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ năm 2008, do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Công ty kinh doanh và xây dựng nhà (Tổng Công ty đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư.
|
Công trình thi công dang dở, nhưng chủ đầu tư lại tiến hành cải tạo cho thuê mặt bằng tầng 1 làm siêu thị, cửa hiệu cắt tóc với quy mô hoành tráng - Ảnh nguồn: Tiền Phong. |
Dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 45 GP/SXD năm 2005 trên khu đất có diện tích 6.745 m2 - đây được coi là khu đất "vàng" ở thủ đô Hà Nội. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án 131 Thái Hà là năm 2010. Tuy nhiên, sau khi thi công tầng hầm và 11 tầng nổi thì chủ đầu tư tạm dừng thi công cho đến nay.
Mặc dù công trình không được hoàn thiện nhưng chủ đầu tư vẫn bất chấp tiến hành cải tạo, cho thuê mặt bằng tầng 1 làm siêu thị (Siêu thị Minh Hoa) và cửa hiệu cắt tóc, đồng thời sử dụng tạm bợ một số tầng còn lại, nhằm thu lợi nhuận, gây mất mỹ quan đô thị và vi phạm các quy định hiện hành.
Dự án EcoGreen City
Trước đó,
tại tòa CT2 Dự án EcoGreen City – Khu đô thị Tây Nam Kim Giang (phường Tân Triều, Thanh Trì), do Công ty TNHH BĐS và Xây dựng Việt Hưng làm chủ đầu tư dù vẫn đang trong giai đoạn xây dựng nhưng phần lớn diện tích tầng 1 đã bị biến thành nơi bày bán sản phẩm của Công ty CP Thế giới số Trần Anh.
Cụ thể, Dự án EcoGreen City được xây dựng trên diện tích hơn 20.000m2, gồm 4 tòa nhà CC cao 35 tầng/tòa. Tính đến nay, các tòa CT3, CT4 đã hoàn thành toàn bộ phần kết cấu đến hết tầng 35, đang hoàn thiện công trình; tòa CT1 đang thi công xây dựng tầng 27, còn tòa CT2 đang thi công xây dựng tầng 17.
Thế nhưng, theo phản ánh của những người dân, mặc dù tòa CT2 đang thi công nhưng từ những ngày giữa tháng 12/2016, chủ đầu tư dự án này đã cho Công ty CP Thế giới số Trần Anh hoàn thiện tầng một để kinh doanh hàng điện máy.
|
Trần Anh tổ chức kinh doanh điện máy khi công trường còn đang ngổn ngang - Ảnh nguồn: Đình Quân/ Phápluật Plus. |
Đến ngày 17/12, siêu thị điện máy của Công ty Trần Anh chính thức đi vào hoạt động, thản nhiên tổ chức kinh doanh trong khi những giàn cần cẩu, máy xúc và công nhân đang hoạt động rầm rộ..., bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào với hành khách.
Không những vậy, trong quá trình tổ chức kinh doanh sai quy định, Siêu thị điện máy Trần Anh còn ngang nhiên biến lòng đường đường Nguyễn Xiển làm nơi dừng đỗ phương tiện của hành khách khiến việc đi lại của các phương tiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giờ cao điểm.
Dự án Hà Nội Center Point
Tương tự, tại tòa nhà 85 Lê Văn Lương, Dự án Hà Nội Center Point (phường Nhân Chính, Thanh Xuân), do Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư, mặc dù dự án vẫn đang trong quá trình thi công và chưa được nghiệm thu tổng thể nhưng diện tích tầng 1 đã được nhãn hàng Canifa thuê, còn tại tầng 2 toàn bộ diện tích mặt sàn cũng đã được Siêu thị điện máy Trần Anh thuê để kinh doanh.
Điều đáng nói là, tại các dự án xây dựng dở dang này, hoạt động kinh doanh diễn ra công khai, ầm ĩ từ sáng đến tối, khách hàng ra vào tấp nập... thế nhưng lại “qua mặt” các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại một cách dễ dàng trong nhiều ngày.
Thậm chí một số công trình đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu, chủ đầu tư vẫn "nhắm mắt" cho các đơn vị vào kinh doanh, bất chấp vi phạm các quy định của pháp luật, đi ngược lại chủ trương của thành phố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Trước thực trạng này, một câu hỏi được đặt ra là, vậy nếu như xảy ra tai nạn do mất an toàn lao động hay sự cố cháy nổ làm ảnh hưởng đến khách hàng, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?