Lịch sử những tòa nhà chọc trời đầu tiên ở Manhattan

Google News

Cuối thế kỷ 19, thép, bê tông cốt thép và các công nghệ mới khác, chẳng hạn như thang máy, ra đời đã cho phép xây dựng các tòa nhà theo chiều thẳng đứng. Những tòa nhà chọc trời được xây dựng ở New York đã trở thành biểu tượng sức mạnh của thành phố này.

Thành phố New York đã trải qua một sự bùng nổ công trình cao tầng từ rất sớm, kéo dài từ đầu thập niên 1910 đến đầu thập niên 1930. Một sự bùng nổ nhà chọc trời thứ hai bắt đầu vào đầu thập niên 1960. Hiện nay, New York là nơi tập trung của 6.154 tòa nhà cao tầng, trong đó có hơn 110 tòa cao từ 183 m trở lên, nhiều hơn bất cứ thành phố nào khác tại Mỹ.
Các tòa nhà chọc trời của Thành phố New York gần như đều nằm tại khu Manhattan, trong số đó, có những tòa nhà được xây dựng rất lâu, cách đây cả một thế kỷ.
1. American International Building
Là một toà nhà cao tầng nằm ở số 70 Pine Street, Lower Manhattan. Tòa nhà này được xây xong năm 1932, có chiều cao 290m với 66 tầng và được xây dựng theo phong cách kiến trúc gothic. Trên tầng 66, nhà thiết kế đã cho xây một đài quan sát bằng kính, từ đó có thể quan sát bức tranh toàn cảnh của thành phố.
Lich su nhung toa nha choc troi dau tien o Manhattan
 Tòa nhà American International.
American International Building giữ danh hiệu Tòa nhà cao nhất ở trung tâm Manhattan trong 40 năm cho đến khi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) được xây xong vào năm 1970. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, tòa nhà này lại giành lại địa vị cũ của nó. Đến khi Tháp Tự do hoàn thành vào năm 2014, tòa nhà này lại "mất ngôi vương".
2.Chrysler Building
Chrysler Building là một ví dụ cổ điển về kiến trúc Art Deco và được nhiều kiến trúc sư đương đại coi là một trong những tòa nhà đẹp nhất ở thành phố New York. Tòa nhà được hoàn thành năm 1930 với chiều cao 318.9m, 77 tầng, diện tích sàn xây dựng 111.000m².
Lich su nhung toa nha choc troi dau tien o Manhattan-Hinh-2
Tòa nhà Chrysler. 
Theo geo.fr, khi xây dựng, kỹ sư H. Craig Severance không nghĩ Chrysler Building sẽ trở thành tòa nhà cao nhất. Tuy nhiên, đồng nghiệp của ông, kỹ sư William Van Alen đã dựng thêm phần chóp 58,4m lên đỉnh tòa nhà Chrysler, khiến cho tòa nhà nổi bật khi nhìn từ trên máy bay xuống.
Chrysler Building từng là tòa nhà cao nhất thế giới trong 11 tháng trước khi bị tòa nhà Empire State Building vượt qua vào năm 1931. Tuy nhiên, Chrysler Building vẫn là tòa nhà bằng gạch cao nhất thế giới và nổi tiếng với chóp bằng thép không gỉ (27 tấn).
Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Chrysler Building là tòa nhà cao thứ hai ở New York cho đến tháng 12-2007, khi chóp của tòa Bank of America cao 385,8m, đẩy Chrysler Building xuống vị trí thứ 3. Ngoài ra, tòa New York Times Buiding khai trương năm 2007, cao ngang với Chrysler Building, cho nên hai tháp này đồng hạng 3.
3.Commodore Hotel
Ngày 28-1-1919, Commodore Hotel chính thức mở cửa. Khi đó, sảnh của khách sạn được đánh giá là "đẹp nhất trên thế giới", với trần thấp và một thác nước có chữ ký của nghệ sĩ John B. Smeraldi (1868-1947). Khách sạn sang trọng này được xây dựng để phục vụ du khách đến Grand Central, một ga tàu ở gần đó. Nhà bác học Albert Einstein đã từng lưu lại trong một căn phòng trong số 2.000 phòng của khách sạn vào tháng 4-1921. Sau khi tỷ phú Donald Trump mua lại, khu phức hợp đã được cải tạo vào năm 1980 và đổi tên thành Grand Hyatt New York.
4.Equitable Building
Đây là tòa nhà văn phòng 40 tầng nằm ở 120 Broadway, Manhattan. Tòa nhà được xây dựng trong những năm 1912-1915, cao 166,11m.
Chỉ cách Phố Wall vài bước chân, tòa nhà chọc trời hùng vĩ này nằm trong "Hẻm núi Anh hùng", nơi diễn ra các cuộc diễu hành để tôn vinh những người nổi tiếng. Tòa nhà có hình chữ H với hai tòa tháp giống hệt nhau được nối với nhau bởi một cánh. Equitable Building được xây dựng theo phong cách tân cổ điển (cột, hình tam giác, cổng vòm Greco-Roman). Equitable building được cải tạo vào năm 1990.
5. Flatiron Building
Tòa nhà được xây dựng vào đầu những năm 1900 với 22 tầng, cao 87m và do kiến trúc sư Daniel Burnham thiết kế. Tòa nhà nổi bật với hình tam giác độc đáo, hòa hợp với khối hình dưới chân. Mặt tiền bằng đá vôi và khung thép của tòa nhà là những hình mẫu điển hình về kiến trúc mỹ thuật đầu thế kỷ 20.
Là một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên của Thành phố New York, công trình này là kỳ tích mang tính lịch sử của kỹ thuật kiến trúc và thiết kế. Hiện Flatiron Building vẫn là một trong những tòa nhà biểu tượng và được chụp ảnh nhiều nhất của thành phố.
6.Comcast Building
Đây là một trong những kiến trúc độc đáo nhất của Manhattan. Được xây dựng trong những năm 1931-1933, bằng đá granit, đá vôi và nhôm của Indiana, Comcast Building có hình dạng mảnh mai tạo nên biệt danh "Cái đĩa".
Comcast Building khác với các tòa tháp khác của những năm 1930 do không có chóp. Mái bằng phẳng của nó được thiết kế như boong tàu. Bên ngoài của tòa nhà được trang trí bằng các phù điêu đặc biệt theo phong cách Art Deco. Đó có thể là lối vào chính, một câu chuyện ngụ ngôn về trí tuệ… và được thực hiện bởi nhà điêu khắc người Mỹ Lee Lawrie (1877-1963).
7.Empire State Building
Tòa nhà chọc trời Empire State có tổng chiều cao 443m, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Art Deco hiện đại, mô phỏng theo hình dáng của một cây bút chì. Empire State có tổng cộng 102 tầng, trong đó 85 tầng là khu thương mại, tầng thứ 86 là đài quan sát ngoài trời và 16 tầng còn lại phục vụ cho hệ thống chiếu sáng.
Theo geo.fr, để xây lên được công trình thế kỷ này, chủ xây dựng đã phải sử dụng 60.000 tấn thép, 10 triệu viên gạch và 200.000 tấn đá. Tòa nhà có 6.500 cửa sổ và có 73 thang máy nhanh (nó đạt đến tầng 86 trong chưa đầy một phút). Cuối cùng, nó được hoàn thành trong 410 ngày, một tầng mỗi bốn ngày. Chỉ có năm công nhân trong số 3.400 nhân viên bị thiệt mạng trong quá trình xây dựng tòa nhà. Đây quả thực là một kỳ công!
Thêm vào đó, công trình vĩ đại này được xây dựng ngay tại thời điểm nền kinh tế Mỹ bị suy thoái trầm trọng (1931). Do đó Empire State được coi là cột mốc ý nghĩa và là một biểu tượng của sức mạnh tài chính, trái tim của cả thành phố New York. Toà nhà được Tổng thống Herbert Hoover tuyên bố khai trương chào đón khách tham quan vào ngày 1-5-1931.
8. Woolworth Building
Một ngày, Frank Woolworth - ông chủ của chuỗi cửa hàng bán lẻ một giá lớn nhất thế giới, muốn ngồi làm việc trong văn phòng cao nhất ở New York. Năm 1910, ông đã thuê kiến trúc sư nổi tiếng Cass Gilbert thiết kế tòa nhà. Đây không chỉ là một tòa nhà thương mại sang trọng mà còn là một ngọn tháp hoành tráng cao vút, một công trình kiến trúc mang đậm tính nghệ thuật của New York. Bản thân việc xây dựng tòa nhà Woolworth cũng là một sự kiện đáng ghi nhớ đối với các chuyên gia ngành xây dựng. Lần đầu tiên công nghệ xây dựng nhà cao tầng bằng các cột trụ bê tông được áp dụng một cách hoàn hảo.
Ba năm sau, tòa nhà mang tên Woolworth đã được khánh thành trong niềm hân hoan và kiêu hãnh của tất cả người dân thành phố New York. Ngày khai trương, 13-4-1913, là một ngày đặc biệt đối với toàn thể nhân viên của tập đoàn Woolworth và rất ấn tượng với người dân New York lúc đó. Ông chủ Frank Winfield Woolworth giàu có đã cho thắp 80.000 chiếc bóng đèn để chiếu sáng cho tòa tháp Woolworth cao nhất thế giới lúc đó.
Với 57 tầng và tổng chiều cao 241 mét, tòa nhà thương mại Woolworth đã giữ kỷ lục cao nhất thế giới trong gần 20 năm (1913-1930). Không chỉ cao nhất, tòa tháp Woolworth còn sang trọng và tráng lệ bậc nhất. Tường trong tòa nhà được ốp bằng đá cẩm thạch. Ba tầng đầu tiên được trang trí vô cùng lộng lẫy và tốn kém với những bức tranh quý trên tường cùng nhiều đồ trang trí đắt giá. Phòng làm việc của ông chủ Frank Winfield Woolworth được đặt tại tầng 24. Nơi đây, Frank Winfield Woolworth đã thiết kế và trang trí theo đúng kiểu phòng mà vua Napoléon đã từng có.
Cho đến bây giờ, tòa nhà thương mại mang tên ông chủ thương mại tài giỏi Woolworth vẫn luôn là một điểm đến bắt buộc, một "kỳ quan" đối với khách du lịch đến thành phố New York.
Theo Yên Bình/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)