|
Dấu tích một thời của Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam SBIC. Ảnh: Nghi Điền |
Nhà máy điện – "Biểu tượng" lãng phí và tham nhũng của Vinashin
Trong quá trình lập dự án đầu tư Nhà máy thép, không tin tưởng hệ thống lưới điện quốc gia, nguyên Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình quyết định xây dựng thêm một nhà máy điện chạy diesel nhằm đảm bảo nguồn năng lượng cho Nhà máy thép, vốn nằm cách đó không xa.
Nói là làm, cùng trong năm 2003, Vinashin giao cho đơn vị con là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân thực hiện dự án Nhà máy điện Cái Lân - Vinashin, với tổng mức đầu tư gần 36 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng (vào thời điểm này), gồm 6 tổ máy, công suất 6,5 MW/tổ.
Số phận của nhà máy điện thậm chí còn thê thảm hơn. Chính thức vận hành từ tháng 4/2007, tuy nhiên do Nhà máy thép chưa hoạt động, nên lượng điện sản xuất ra được hòa vào lưới điện quốc gia.
|
Nhà máy 36 triệu USD là "biểu tượng" của lãng phí và tham nhũng của Vinashin dưới thời nguyên Chủ tịch Phạm Thanh Bình. Ảnh: Nghi Điền |
Trong thời gian hoạt động ngắn ngủi, nhà máy thường xuyên hỏng hóc. Trong 6 tổ máy thì chỉ có 2 tổ hoạt động được 75% công suất, trong đó tổ M5 có thời gian chạy lâu nhất là 11.393 giờ, 4 tổ máy còn lại không thể hoạt động vì không mua được phụ tùng thay thế. Thậm chí, trong quá trình vận hành, các kỹ sư phải lần lượt lấy linh kiện, thiết bị của tổ này lắp vào tổ kia.
Tháng 10/2009, Nhà máy đã dừng hẳn hoạt động, không lâu trước khi Nhà máy thép đi vào hoạt động, cho thấy sự lãng phí và đầu tư bừa bãi, thiếu dự báo, quy hoạch của những người đứng đầu Vinashin giai đoạn này.
Trong gần 3 năm hoạt động, nhà máy lỗ hơn 62 tỷ đồng, các khoản nợ không có khả năng thanh toán lên tới 107,5 tỷ đồng và 27 triệu USD, vượt xa vốn điều lệ của đơn vị vận hành – Công ty TNHH MTV Điện Cái Lân Vinashin (163 tỷ đồng).
Nguyên Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân (chủ đầu tư – thành viên của Vinashin) Tô Nghiêm sau đó là 1 trong 9 bị cáo trong Đại án Vinashin, bị tuyên 18 năm tù với tội danh lợi dụng chức vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản nhà nước.
Cụ thể, năm 2003, ông Nghiêm được Vinashin ủy quyền xây dựng Nhà máy điện diesel Cái Lân. Trong quá trình thực hiện, mặc dù hợp đồng quy định rõ thiệt bị máy móc phải mới hoàn toàn và có xuất xứ từ châu Âu, nhưng ông Nghiêm đã ký kết với nhà thầu mua sắm nhiều thiết bị đã qua sử dụng, kém chất lượng, trong đó phần thiết bị chính của nhà máy được tháo dỡ từ một nhà máy điện diesel ở Trung Quốc.
Hoang tàn nhà máy kết cấu thép
Nằm giữa Nhà máy cán nóng thép và Nhà máy điện diesel là Nhà máy Kết cấu thép Cái Lân, do Công ty CP Cơ khí Kết cấu thép và Xây dựng Vinashin vận hành. Cảnh mục nát của nhà máy là minh chứng rõ nhất cho sự suy tàn của "đế chế" Vinashin một thời.
|
Cảnh hoang tàn của Nhà máy kết cấu thép. Theo thiết kế, thép tấm sau khi được cán ở Nhà máy cán kế bên sẽ được uốn thành hình ở đây. Ảnh: Nghi Điền |
Lối vào nhà máy bị chặn bởi cành cây khô cùng những bụi cỏ um tùm, mọc cao hơn đầu người. Vào trong nhà máy, những lỗ thủng lớn trên mái khiến người ta có cảm giác ở trong cũng như ngoài trời. Dưới sàn lầy lội, bùn bẩn cỏ dại mọc khắp nơi. Phần lớn máy móc của nhà máy này đều đã bị dời đi. Những đường ray gỉ sét còn trơ lại cùng hàng loạt vết cắt, là dấu tích gợi lại cảnh tấp nập nhộn nhịp của hàng trăm tỉ đồng máy móc một thời.
Khi nhóm PV tiếp cận Nhà máy, tại đây chỉ có một người bảo vệ già. Người này cho biết: “Bảo vệ nhà máy được chia làm 3 ca. Vì lương thấp nên họ (lãnh đạo công ty thép - PV) thuê những người đã về hưu trông coi. Chúng tôi ở gần đây cũng rảnh rỗi nên nhận làm chứ thanh niên trẻ ai làm công việc này. Mỗi ca chỉ có một người, máy móc họ mang đi hết rồi chỉ còn mấy thanh sắt và bộ khung Nhà máy thôi. Trời mưa thì bên trong cũng như bên ngoài. Đấy, mấy cái bể kia toàn nước mưa đấy, mưa đầy nước nên chúng tôi thả mấy con cá vàng cho vui. Giờ nó đẻ cả đàn cá con đấy”.
Nhắc đến dự án Nhà máy điện diesel và Nhà máy kết cấu thép, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh chỉ biết thở dài, ngao ngán nói: “Cả hai nhà máy trên đều đã ngừng hoạt động từ lâu. Trên website của Sở đã đưa cảnh báo, đến nay đã quá hạn rất lâu và đủ điều kiện thu hồi”.
|
Phần lớn máy móc đã được chuyển đi, số còn lại gỉ sét, hư hỏng, gần như không thể sử dụng được. Ảnh: Nghi Điền |
Theo những tài liệu mà Sở KH-ĐT Quảng Ninh cung cấp, Nhà máy điện diesel ngừng hoạt động từ 20/1/2012, còn Nhà máy kết cấu thép ngừng hoạt động từ năm 6/10/2010.
Trong quần thể các nhà máy của Vinashin còn có nhà máy cửa nhựa cũng luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Ổ khóa đã gỉ sét vì thời gian.
Tổ hợp 4 nhà máy điện – thép – kết cấu thép – cửa nhựa trên đều được được vận hành bởi những đơn vị con của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân, một thành viên của Vinashin.
Các dự án này ngốn hàng nghìn tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước, song đến nay đều đắp chiếu phủ bụi, gần như không thể thu hồi, ngay cả bán sắt vụn cũng gặp khó khi các chủ nợ không đồng ý.
Rời Cái Lân thời điểm xế chiều trước khi Bão số 2 về, trong lòng nhóm PV là nỗi buồn man mác cùng cảm giác hụt hẫng, thất vọng tới kỳ lạ. Đại án Vinashin đã được đưa ra xét xử, những người chịu trách nhiệm đã và đang phải trả giá đằng sau song sắt nhà tù nhưng khối sắt thép hàng nghìn tỉ đồng sau lưng chúng tôi, cùng hàng chục dự án lớn nhỏ chung số phận trải dài khắp cả nước của các doanh nghiệp Nhà nước nhắc nhở rằng cái giá phải trả đối với xã hội là không thể đong đếm hết được.
Trong lúc này, không ai dám chắc sẽ không còn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Ngân sách của Nhà nước, tài sản của người dân đang bị lãng phí bởi những dự án nghìn tỉ “ngủ quên”.