Ông chủ xi đánh giày và dự án 1.200 tỷ đồng
Tháp Doanh nhân là tổ hợp gồm căn hộ cao cấp, văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại, với tổng số vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng trên tổng diện tích 1.370 m2, với tổng diện tích sàn xây dựng là 70.000m2. Theo thiết kế, Tháp doanh nhân có chiều cao là 52 tầng trong đó có 5 tầng hầm và 45 tầng nổi, 02 tầng lửng, với chiều cao tòa nhà là 168 m. Tòa tháp có 270 căn hộ, có diện tích từ 75-95 m2, 100-135 m2, trên 200 m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cao cấp cho khoảng hơn 1.000 người.
|
Dự án Tháp doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân dần hoàn thiện. |
Tháp doanh nhân được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào ngày 19/6/2008 (trước thời điểm sáp nhập về Hà Nội 42 ngày).
Dự án này đã từng “phủ mền, đắp chiếu” trong nhiều năm. Phải đến tháng 3/2015, dự án bắt đầu có dấu hiệu tái khởi động và đến nay đã gần như hoàn thiện.
Tháp doanh nhân được biết đến do Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô, thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Quân Strong làm chủ đầu tư, và do ngân hàng Việt Á bảo lãnh.
Tập đoàn Anh Quân Strong do ba cổ đông sáng lập là: Nguyễn Thị Tới, Nguyễn Thị Kim Thành và Bùi Văn Quân. Đến nay, hai trong ba cổ đông đã thoái vốn chỉ còn lại cổ đông Bùi Văn Quân nắm 99,923% vốn điều lệ (tương đương 1.817,6 tỷ đồng).
Công ty của ông Bùi Văn Quân được biết đến với thương hiệu xi đánh giày Anh Quân.
Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây
Một biểu tượng khác của tỉnh Hà Tây cũ và cũng là người “hàng xóm” của Tháp doanh nhân là Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư.
|
Dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư đang được triển khai. |
Ngày 27/7/2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ban hành Quyết định số 1326/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án. Đến tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây tiếp tục ban hành Quyết định số 2328/QĐ-UBND thu hồi 5.996,65 m2, chuyển mục đích và giao 5.607m2 cho Công ty TSQ Việt Nam thực hiện dự án.
Thời điểm đó, theo quy hoạch dự án có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Dự kiến tiến độ thực hiện dự án từ quý I/2008 đến quý IV/2011.
Thế nhưng, trong nhiều năm, dự án này không có dấu hiệu triển khai. Theo lý giải của chủ đầu tư, việc Tháp thiên niên kỷ Hà Tây chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến thời điểm giao thời giữa việc sát nhập tỉnh Hà Tây về thành phố Hà Nội, các dự án trên địa bàn phải chờ rà soát của Thủ tướng Chính phủ, tiếp đến là công trình nằm trên vành đai sông Nhuệ phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng.
“Để phù hợp với quy hoạch Thủ đô, công ty đã tiến hành điều chỉnh tầng cao của công trình từ 29 tầng lên 44 tầng nổi và 3 tầng hầm như hiện nay”, đại diện chủ đầu tư dự án cho hay.
Tháng 11/2017, Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây đã được cấp giấy phép xây dựng, triển khai, tổng vốn đầu tư 1.330 tỷ đồng.
Theo thông tin quảng cáo, dự án có quy mô gồm 683 căn hộ. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành phần thô vào quý IV/2019, bàn giao công trình vào quý IV/2020.