Nội lên ngôi
Điều khá bất ngờ, khách sạn Sheraton Đà Nẵng đã đổi chủ ngay sau khi vận hành. Sau khi đổi chủ, ngày 7/11 vừa qua, công ty đã thay đổi cả dàn lãnh đạo cấp cao.
Nói về Sheraton Đà Nẵng, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường nhắc đến Tập đoàn BRG của Doanh nhân Nguyễn Thị Nga với vai trò chủ đầu tư.
Song, thực tế chủ đầu tư là Công ty Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương, vốn là một công ty thành viên của VinaCapital. Tuy nhiên, vào tháng 8/2017, ĐHCĐ thường niên 2017 của CTCP Biệt thự và khách sạn biển Đông Phương đã thông qua việc cổ đông sáng lập là Vietnam Property Limited chuyển nhượng 24,4 triệu cổ phần cho CTCP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An mà không phải chào mua công khai.
Cách đây không lâu, siêu dự án tổ hợp Lotus Hotel Hà Nội có khả năng sẽ được khởi động khi chủ đầu tư bất ngờ được công ty mẹ là Tập đoàn Kinh Bắc góp vốn, tăng vốn điều lên gấp hơn 10 lần hiện tại.
|
Thị trường khách sạn nở rộ. |
Dự án Lotus Hotel từng do Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, với tổng vốn ban đầu là 500 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2009, do khó khăn về tài chính, doanh nghiệp này đã xin rút khỏi dự án. Đây là dự án từng gây ấn tượng về mặt thiết kế, quy hoạch, với điểm nhấn là 2 tòa tháp hình bông lúa cao 100 tầng và 80 tầng.
Mới đây nhất, CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) đã nhận Quyết định Đầu tư phát triển dự án Khu Dịch vụ - Du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View có tổng diện tích 185 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, tại Nam Hội An (Quảng Nam).
MB Land cũng chính thức nhảy vào thị trường khách sạn nghỉ dưỡng khi đầu tư 2.600 tỷ đồng dự án Pan Pacific Danang Resort. Đây là dự án đầu tiên trong chiến lược phát triển chuỗi 10 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp trong giai đoạn 2017-2018.
Song song đó, Tập đoàn Vingroup cũng đã khởi công dự Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An tọa lạc tại 2 xã Bình Dương và Bình Minh thuộc huyện Thăng Bình có quy mô diện tích 200 ha, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Mường Thanh đang sở hữu chuỗi 53 khách sạn và dự án khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao trên toàn quốc, trong đó có 1 khách sạn tại thủ đô Vientiane - Lào (Mường Thanh Luxury Vientiane).
Ngoại đổ bộ
Sự bùng nổ của các khách sạn, kéo theo các đơn vị quản lý cũng đua nhau vào thị trường Việt Nam. Hilton đã có 11 khách sạn đang vận hành hoặc trong quá trình xây dựng, trong đó có tới 8 khách sạn do tập đoàn BRG sở hữu. Hilton đặt mục tiêu vận hành 20-30 khách sạn tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Regent đánh dấu tham gia thị trường Việt Nam thông qua hợp đồng quản lý nhằm phát triển dự án Regent Phu Quoc với Bim Group. Mövenpick đang rất nóng lòng với kế hoạch quản lý thêm 5 khách sạn tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc - hiện đã hoàn tất khâu đàm phán để đến 2019 chính thức đảm nhiệm.
Novotel cũng đã có 6 khách sạn tại Việt Nam, trong tương lai, khách sạn Novotel Thai Ha 350 phòng sẽ được khai trương. Một số dự án của tập đoàn này cũng đang mở rộng sự hiện diện tại Quảng Bình, Cần Thơ, Hải Phòng và Quy Nhơn.
|
Thương hiệu quản lý mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
|
Mới đây, InterContinental Hotels Group (IHG) khai trương InterContinental Hanoi Landmark72, khách sạn thứ 2 của tập đoàn tại thủ đô Hà Nội sau InterContinental Hanoi Westlake. Một Four Seasons thứ hai cũng đang trong giai đoạn xây dựng tại Hà Nội, cho thấy rõ thương hiệu khai thác và vận hành khách sạn lớn này mong muốn chiếm lĩnh thị trường du lịch.
Dự kiến đến năm 2020, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận khoảng 2.500 phòng chủ yếu thuộc phân khúc sang trọng và trung cấp. Các dự án Novotel Hanoi Thai Ha, cùng với Park Hyatt Hà Nội và Four Seasons được kỳ vọng sẽ mở cửa trong vài năm tới.
Trong khi đó, tại TP.HCM, hơn 3.600 phòng sẽ được ra mắt trong giai đoạn 2017-2020 với 450 phòng mở vào cuối năm 2017. Một nửa trong số đó thuộc phân khúc sang trọng.
Các khách sạn dự kiến mở cửa năm 2018-2019 bao gồm khách sạn Ascott Waterfront Saigon - 217 phòng, Holiday Inn & Suites Saigon Airport - 350 phòng, Hilton Saigon - 350 phòng.
Hai dự án sang trọng dự kiến khai trương năm 2020 là Okura Prestige Saigon và Ritz-Carlton Saigon.
Đánh giá về tiềm năng thị trường, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, cho đây là “nội lực” để phát triển các dự án bất động sản khách sạn những năm tới. Với cơ chế thông thoáng được tạo ra bởi Luật Du lịch 2017, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón ít nhất 13 triệu lượt khách quốc tế, đạt tốc độ tăng trưởng 30%.
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, phân khúc khách sạn 5 sao tại Hà Nội đang hoạt động tốt nhất cả nước, vượt cả Đà Nẵng và TP.HCM, với mức tăng tới 10% so với năm ngoái. Giá phòng bình quân thậm chí còn tăng tới 41%. Savills dự báo, trong năm nay, hơn 900 phòng khách sạn tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động.
Ông Steven Pan, Chủ tịch của Regent Hotels Group, nhấn mạnh, châu Á đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kế hoạch mở rộng ra toàn cầu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á của tập đoàn. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 5 triệu lên 8 triệu lượt cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành du lịch khách sạn.
Ông Adam Bury, chuyên gia của JLL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng, năm 2016, thị trường đã chứng kiến mức kỷ lục của các giao dịch về khách sạn, với tổng giá trị giao dịch hoàn thành trong năm chiếm 83% so với các giao dịch cùng năm tại Thái Lan, một thị trường được xem là rộng lớn hơn và có nhiều biến chuyển hơn.
JLL đánh giá, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà đầu tư và các nhà khai thác vận hành khách sạn sẵn sàng cam kết với thị trường có tốc độ tăng trưởng cao này. Mục tiêu nhắm đến 20 triệu lượt khách vào năm 2020, Việt Nam được trông đợi sẽ đạt doanh thu 30 tỷ USD cho ngành du lịch vào cuối thập kỷ này.