Điểm danh dự án bất động sản tai tiếng nhất năm 2016

Google News

(Kiến Thức) - Nếu như năm 2016, thị trường bất động sản phát triển vô cùng ấn tượng thì đây cũng là một trong những năm có nhiều dự án dính sai phạm, tai tiếng nhất.

Dự án The Harmona
Hồi cuối tháng 5/2016, trên địa bàn TP HCM xảy ra trường hợp chủ đầu tư dự án căn hộ đem tài sản “cắm” cho ngân hàng nhưng vẫn ký bán cho khách hàng. Đến khi ngân hàng đòi nợ và thông báo thu căn hộ của cư dân thì sự việc mới đổ bể và khách hàng thì vô cùng phẫn nộ, hoang mang vì có nguy cơ mất nhà. Đó là sự việc gây “rúng động” thị trường bất động sản TP HCM khi đó, xảy ra tại chung cư The Harmona (Quận Tân Bình, TP HCM) do Công ty Cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) và Công ty Cổ phần Thanh Niên (Thanh Nien Corp) hợp tác đầu tư.
Diem danh du an bat dong san tai tieng nhat nam 2016
 
Cụ thể, trong văn bản phát đi ngày 24/5/2016, Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn phát đi thông báo vào tháng 11/2011 Tamexim đã cầm cố quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ở tại địa chỉ số 33 đường Trương Công Định, Phường 14, Quận Tân Bình, tức dự án The Harmona, để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Thanh Nien Corp với ngân hàng này. Đến nay khoản nợ vay của Thanh Nien Corp đã quá hạn vẫn chưa thanh toán.
Văn bản còn nói rõ, mặc dù BIDV Bắc Sài Gòn đã tạo điều kiện nhưng đến nay Thanh Nien Corp vẫn chưa thanh toán hết nợ quá hạn theo như cam kết. Vì vậy, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản đảm bảo, là chung cư The Harmona, để thu hồi nợ.
BIDV Bắc Sài Gòn còn yêu cầu Tamexim và ban quản lý chung cư The Harmona phải bàn giao nguyên hiện trạng tài sản đảm bảo như trước khi chưa có người vào sử dụng, cư trú. Ngoài thông báo cho cư dân, ngân hàng này còn đề nghị Công an địa phương hỗ trợ bàn giao chung cư The Harmona.
Thông tin này đã khiến gần 600 khách hàng mua căn hộ tại chung cư này và sinh sống ổn định từ vài năm qua rất hoang mang. Bởi họ không hề hay biết chủ đầu tư vừa bán căn hộ cho dân vừa mang đi thế chấp ngân hàng.
Dự án 8B Lê Trực
Đây có lẽ là dự án tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất năm 2016 khi một dự án xây dựng ở vị trí trọng yếu của Thủ đô lại vướng những sai phạm nghiêm trọng. Lãnh đạo Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng yêu cầu xử lí dứt điểm các sai phạm tại tòa nhà này.
Diem danh du an bat dong san tai tieng nhat nam 2016-Hinh-2
 
Cụ thể, những vi phạm xây dựng tại dự án này bao gồm vi phạm về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực.
Lãnh đạo Hà Nội khẳng định sẽ kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định, nhất là xử lý về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và Giấy phép xây dựng đã được cấp. Lãnh đạo thành phố cũng cam kết sẽ xem xét xử lý trách nhiệm các tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trong trật tự xây dựng.
Tuy nhiên, việc tháo dỡ phần sai phạm của công trình liên tục bị đình trệ và đến nay việc cắt ngọn phần thi công sai phép của dự án vẫn chưa hoàn thành.
Dự án Gold Hill
Hồi giữa cuối tháng 10/2016, dự án Gold Hill do Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát làm chủ đầu tư được xem là gây “náo động” trên thị trường bất động sản bởi sự tranh chấp tay 3 gay gắt giữa chủ đầu tư, môi giới và khách hàng.
Với quy mô 27,1ha, dự án Gold Hill được coi là một dự án tương đối hấp dẫn với vị trí đẹp ở Đồng Nai, hạ tầng tiện ích đầy đủ. Tuy nhiên, kể từ khi hợp tác với Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát để môi giới 133 nền còn lại, dự án này đã dính vào hàng loạt rắc rối.
Công ty Long Kim Phát cho biết, công ty ký hợp đồng môi giới với Công ty Kim Phát vào tháng 5/2016. Đến đầu tháng 9/2016, thông qua phản ánh của khách hàng, công ty nhận thấy đối tác Kim Phát đã vi phạm nhiều nội dung nghiêm trọng như: Trực tiếp thu của khách hàng tiền thanh toán chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đưa mức giá cao hơn rất nhiều so với mức giá chủ đầu tư công bố nhằm thu lợi bất chính, cung cấp thông tin sai lệch về dự án cho khách hàng...
Về phía Công ty Kim Phát thì cho rằng, chủ đầu tư Long Kim Phát đơn phương “giam” hơn 6 tỷ tiền môi giới dựa vào tranh chấp giữa đơn vị môi giới và 1 số khách hàng là sai. Công ty Kim Phát cho rằng, đây là 2 chuyện không liên quan đến nhau bởi những khách hàng này cũng chưa ký kết bất cứ điều khoản nào với phía Long Kim Phát.
Khách hàng có lẽ là người thiệt thòi nhất trong vụ việc, bởi khi mua đất công ty môi giới đã tư vấn nhiều thông tin sai lệch như đất sau khi mua sẽ được cấp sổ đỏ ngay, được ngân hàng hỗ trợ vay vốn... khiến họ dốc tiền mua. Nhưng những thông tin này không đúng so với hợp đồng môi giới mà Kim Phát đã ký với Long Kim Phát.
Ròng rã 2 tháng kêu cứu, được mời lên làm việc nhiều lần cùng chủ đầu tư nhưng khách hàng vẫn chưa được nhận lại tiền. Trong khi đó, ngày 18/10/2016, một nhóm người là nhân viên Kim Phát đã căng băng rôn tại trụ sở của Tập đoàn Đất Xanh (công ty mẹ của Long Kim Phát) để gây áp lực đòi lại 6,3 tỷ đồng phí môi giới. Nội dung trên các băng rôn ghi: “Đề nghị Công ty Long Kim Phát là công ty thuộc tập đoàn Đất Xanh trả phí môi giới cho chúng tôi”.
Dự án Thanh Hà Cienco 5
Khu đô thị Thanh Hà gồm 2 dự án thành phần tọa lạc trên địa phận hai xã Phú Lương (dự án Thanh Hà A) và xã Cự Khê (dự án Thanh Hà B) do Cienco 5 làm chủ đầu tư gồm 2 khu Thanh Hà A, Thanh Hà B, quy mô diện tích 388ha.
Theo quy hoạch trước đây, dự án Thanh Hà sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đô thị sinh thái, với không gian cây xanh và diện tích mặt nước chiếm tỷ lệ lớn. Trong thời kỳ sốt nóng trước đây của thị trường địa ốc , dự án Thanh Hà từng được rất nhiều nhà đầu tư bất động sản quan tâm.
Sự quan tâm đặc biệt của khách hàng khiến dự án này từng vướng vào không ít vụ tranh chấp, lừa đảo. Trong đó, nổi bật nhất là vụ bán khống đất nền Dự án Thanh Hà của Công ty 1/5, dẫn tới việc hàng loạt lãnh đạo của công ty này vào tù, trong đó có mức án nặng nhất là chung thân.
Cuối tháng 4/2016, thông tin về việc Tập đoàn Mường Thanh của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản mua 95% cổ phần của Cienco 5 Land, qua đó gần như nắm quyền chi phối dự án khu đô thị Thanh Hà được công bố đã gây xôn xao giới đầu tư kinh doanh bất động sản Hà Nội.
Dự án này đã có nhiều tranh cãi về pháp lý giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land. Đặc Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động huy động vốn liên quan đến việc kinh doanh bất động sản thuộc Dự án khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 do có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đầu tháng 6/2016, Cienco 5 Land đã bán đất nền dưới hình thức “đăng ký nguyện vọng/hứa mua tài sản” thu hút nhiều khách hàng, nhà đầu tư quan tâm tới dự án. Theo đó người mua sẽ nộp 50% giá trị lô đất.
Ngay sau khi Tập đoàn Mường Thanh tiếp quản dự án, dự án đã dần hồi sinh, các hạng mục đang dần được thi công.
Đông Nhiên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)