Hơn 2 tuần qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Văn phòng Chính phủ, sự lên tiếng của dư luận, cuối cùng, Công ty cổ phần May Lê Trực - chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình - Hà Nội) đã phải thừa nhận sai phạm khi triển khai Dự án. UBND TP Hà Nội cũng vừa có công văn yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục hậu quả, trong đó có việc phá dỡ phần xây dựng sai phép.
|
Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tuyên truyền, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội, thì trường hợp Dự án tòa nhà 8B Lê Trực cho thấy thái độ coi thường luật pháp của chủ đầu tư. |
Lâu rồi, Hà Nội mới “có thêm” một công trình xây dựng vượt chiều cao cho phép bị phát hiện dậy sóng dư luận. Cụ thể, năm 2007, tòa nhà số 9 - phố Đào Duy Anh bị cắt ngọn 3 tầng, cao ốc số 4 - phố Đặng Dung (quận Ba Đình) xây vượt phép 13 m đã buộc phải phá dỡ 11 m. Tiếp đến vào tháng 9/2012, công trình tại số 53-55 - Nhân Hoà bị xử lý và nay Dự án cao ốc số 8B - Lê Trực là “điển hình” tiếp theo.
Với một Thủ đô đang phát triển như Hà Nội, số vụ vi phạm trật tự xây dựng bị xử lý rốt ráo có lẽ còn quá ít và tỷ lệ nghịch với số vụ vi phạm.
Đơn cử trong báo cáo hiếm hoi được Thanh tra Xây dựng Hà Nội tiết lộ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, qua kiểm tra 7.696 công trình xây dựng, thanh tra đã phát hiện 1.157 trường hợp vi phạm; tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm trên tổng số công trình xây dựng tăng gấp đôi so với năm 2013. Tuy nhiên, số công trình buộc phải phá dỡ là khá khiêm tốn. Từ đó đến nay, tình trạng công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn Hà Nội vẫn là vấn đề nan giải.
Câu chuyện còn diễn biến theo chiều hướng đáng buồn hơn khi mới đây, có trường hợp dự án vi phạm quy hoạch xây dựng nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Đó là trường hợp Dự án Khu đô thị mới Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thi công trên phần đất không được phép xây dựng. Thế nhưng, các căn hộ Dự án vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà với lý do “đảm bảo quyền lợi của người mua nhà”. Vô hình trung, cách làm này đã chuẩn hóa những sai phạm trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng.
Một câu chuyện khác, trong khi chính quyền cấp quận, phường của Hà Nội đều báo cáo không có vi phạm về xây dựng không phép, sai phép tại địa phương mình; nếu có thì cũng là những sai phạm nhỏ, cần thông cảm cho người dân nhưng thực tế ở nhiều phường thuộc các quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm... công trình xây dựng không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp vẫn xuất hiện. Thực tế trên khiến dư luận đã có lúc phải đặt câu hỏi, có phải cách xử lý quá nhẹ hoặc theo kiểu phạt cho tồn tại của chính quyền địa phương khiến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng phổ biến. Chính bởi vậy mới xuất hiện trường hợp chủ đầu tư cả gan xây dựng tòa cao ốc ngạo nghễ nhìn xuống Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiều cao gần 70m trong khi giấy phép xây dựng là 53m - cao hơn cả tòa Văn phòng Quốc hội và Hội trường Ba Đình gần đó.
Trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tuyên truyền, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật của toàn xã hội, thì trường hợp Dự án 8B Lê Trực cho thấy thái độ coi thường luật pháp của chủ đầu tư. Chỉ khi nào các trường hợp như Dự án 8B - Lê Trực được xử lý tận gốc, tình trạng xây dựng, cơi nới nhà ở trái phép được quản lý chặt, thì Hà Nội mới mong dần lập lại trật tự xây dựng - vốn đã rất nhức nhối từ nhiều năm qua.