Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thu hồi đất căn cứ vào Luật Đất đai 2013, Nghị định 47 của Chính phủ và Quyết định 23 của UBND TP HCM.
Bất cập giá bồi thường
Thời gian qua, 24 hộ dân có nhà và đất bị thu hồi để thực hiện dự án làm đường vào Cung Thiếu nhi giai đoạn II ở phường Hiệp Phú, quận 9, TP HCM, luôn ám ảnh nỗi lo trả nợ khi mua căn hộ khu tái định cư (TĐC).
Ông Lê Văn Hiền - ngụ chung cư C4, phường Hiệp Phú - cho biết khi bị thu hồi đất, gia đình ông được hỗ trợ 80 triệu đồng và mua căn hộ tái định cư với giá 430 triệu đồng. Do không đủ tiền trả một lần nên ông chọn phương án trả chậm với 2,9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông còn phải đóng thêm nhiều khoản phí ở chung cư.
“Thu nhập không tăng nhưng hằng tháng tôi phải “cõng” một khoản tiền quá lớn nên cuộc sống đã khó khăn càng khó khăn hơn. Nếu được nhà nước hỗ trợ tốt hơn thì tôi đã mua đất cất nhà chứ không ở chung cư” - ông Hiền bày tỏ.
|
Thang máy tại chung cư Tân Mỹ (quận 7, TP HCM) đã hư từ lâu nhưng không được sửa chữa Ảnh: GIA MINH |
Ông Huỳnh Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, cho rằng đa số người dân bị thu hồi đất khiếu nại liên quan đến giá bồi thường thấp. Theo ông Tỵ, tiền bồi thường, hỗ trợ thấp do một số nguyên nhân như: nguồn gốc đất, kê khai không đúng giá thực tế khi mua bán nhà đất...
Theo quy trình, cơ quan thu hồi đất căn cứ vào việc xác định nguồn gốc đất của UBND xã, phường; đơn vị độc lập thu thập giá chuyển nhượng đất tại khu vực thu hồi. Sau đó, đơn vị này sẽ tổng hợp và đưa ra mức giá chung để làm cơ sở áp giá bồi thường. Thế nhưng, trong quá trình chuyển nhượng, sử dụng đất, người dân thường kê khai không đúng với thực tế nên dẫn đến việc xác định giá bồi thường tại khu vực đó thấp.
Đau đầu với việc làm
Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng một quận ngoại thành TP HCM thừa nhận chính sách TĐC nhiều năm qua vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý. Việc đưa người dân đến các khu TĐC cách xa nơi ở cũ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Tiền bồi thường của nhiều hộ không đủ để mua suất TĐC, dẫn đến tình trạng họ phải thuê nhà trọ tại nơi ở cũ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân không ký hợp đồng thuê nhà ở các căn hộ TĐC do giá thuê cao. Cũng vì không ký hợp đồng thuê căn hộ nên họ không đăng ký hộ khẩu được, dẫn đến con cái không thể đi học tại các trường gần nơi ở. Chính quyền địa phương cũng đã đề nghị TP giảm giá thuê căn hộ nhưng chưa được chấp thuận.
Vị trưởng ban nêu trên cũng cho biết vấn đề tạo việc làm ở các khu TĐC chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Theo quy định, người dân bị thu hồi đất được học nghề nhưng đa số là lao động chân tay nên không đăng ký học. “Hướng dẫn cho người dân học nghề gì để có công việc ổn định ở nơi TĐC là vấn đề khiến chính quyền địa phương đau đầu. Chính quyền ở nơi thu hồi đất và nơi TĐC phải phối hợp với nhau để nắm bắt nhu cầu việc làm, lao động để tổ chức dạy nghề cho phù hợp” - ông đề xuất.
Trong khi đó, bà Nguyễn Lê Diễm Hiền - Phó trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, TP HCM - khẳng định quận luôn tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống, như: hỗ trợ pháp lý khi chuyển hộ khẩu, chuyển trường cho con, giới thiệu việc làm... Những người có đất bị thu hồi tại quận 8 được bố trí ở các chung cư An Sương, Bùi Minh Trực, Lưu Hữu Phước, An Dương Vương, Vĩnh Lộc B… Cuộc sống của họ đã dần ổn định.
Tuy nhiên, tiếp xúc với chúng tôi, một số hộ dân tạm cư ở khu TĐC Vĩnh Lộc B cho biết sau khi được đưa đến đây, họ không thấy chính quyền địa phương quan tâm về cuộc sống, công việc...
Muốn tái định cư tại chỗ
Lãnh đạo một số quận của TP HCM cho rằng TĐC tại chỗ thì người dân có cuộc sống tốt hơn. Tại quận 5, đa số người dân bị di dời, giải tỏa đều chọn TĐC tại chỗ. Ở quận 10, người dân chung cư Nguyễn Kim cũng chọn hình thức TĐC này.
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 10, dự án xây dựng chung cư Nguyễn Kim ảnh hưởng đến 550 hộ dân. Trong đó, 370 hộ lựa chọn hình thức tạm cư. Đa số người dân đã đăng ký chờ nhận căn hộ TĐC khi chung cư xây dựng xong.