Cận cảnh chung cư tồi tàn '3 không' giữa trung tâm Đà Nẵng

Google News

Sau nửa thế kỷ hoạt động, chung cư 129 Hải Phòng xuống cấp trầm trọng. 

Các căn hộ ở chung cư 129 Hải Phòng đều không có nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước và cả nơi để xe cho 13 hộ gia đình lưu trú.
Nằm ngay trước mặt Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, con đường Hải Phòng sầm uất, náo nhiệt với những căn nhà khang trang, hào nhoáng. Khu chung cư 3 tầng ở địa chỉ 129 Hải Phòng lại như một "nàng lọ lem" xấu xí nằm giữa những căn nhà lộng lẫy bên cạnh.

Qua 50 năm tồn tại,
khu chung cư này là nơi trú ngụ của 13 hộ gia đình - vốn là những cán bộ nhân viên phục vụ tại Bệnh viện Đà Nẵng trong 30-40 năm qua. Tuy nhiên, sự xuống cấp trầm trọng của khu chung cư ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của họ trong nhiều năm qua.
Nhìn bề ngoài,
khu chung cư 129 Hải Phòng bị hư hỏng hoàn toàn. Các bức tường loang lổ, nham nhở vì bị sụt lở. Cầu thang lên tầng 2 và 3 bị hỏng hoàn toàn, các hộ dân phải quyên tiền làm cầu thang gỗ, nhưng qua mưa nắng thời gian, chẳng biết đến khi nào nó sụp đổ.
Mỗi căn hộ ở đây chỉ rộng tầm 13,6 đến 15 mét vuông lại là nơi trú ngụ cho gia đình ba thế hệ trong nhà. Đặc biệt hơn, khu chung cư này không có chỗ để xe cho các hộ dân trên tầng 2 và 3. Ghé thăm các hộ dân ở đây đều không có nhà vệ sinh hay đơn giản nhất là nơi nấu ăn, sinh hoạt cho mọi người.

Khi hỏi các hộ dân, họ chỉ một nhà vệ sinh duy nhất nằm tách biệt hẳn phía sau khu chung cư. Bất kể nắng mưa, tất cả mọi người khi có việc cần lại phải chạy ngược ra phía sau chung cư để giải quyết.

"Chỉ một nhà vệ sinh mà đến cả mấy chục con người cùng dùng chung cả 30 mấy năm qua. Khổ nhất là phòng nào cũng chỉ có được hơn 10 mét vuông, không có chỗ ăn ở riêng tư. Mỗi nhà sau này tự cơi nới ban công phía sau để làm cái bếp hay chỗ tắm rửa hàng ngày. Muốn dùng nước sinh hoạt, chúng tôi cũng phải bỏ tiền ra mua rồi vác từng xô lên trên nhà để dùng.
Các hộ tự cơi nới ở ban công để có chỗ sinh hoạt. 
Khổ nhất con cái khi đi học, đi làm cũng chẳng có chỗ để xe phải gửi chỗ trông xe đối diện Bệnh viện. Riêng chúng tôi còn không biết đi xe máy bởi có mua cũng không biết gửi đâu, đi làm lại gần nhà nữa chứ", cô Đoàn Thị Bông (SN 1959, trú tầng 3 khu chung cư 129 Hải Phòng) chia sẻ.

Cô Bông cho biết thêm, chồng mình cùng con trai vẫn ở trên Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Mỗi khi xuống phố học chỉ về đây ăn cơm trưa, nghỉ ngơi rồi đến tối lại lên quê để có chỗ ngủ.
"Căn nhà có 13,6 mét vuông thì sao có thể ăn ngủ được cả nhà. Cháu nó cũng ngại đưa bạn bè hay người yêu về đây vì chỗ ở quá nhếch nhác, không đủ những điều kiện tối thiểu để sinh hoạt. Vậy mà chúng tôi phải sống như thế này hơn 30 năm qua mà nào dám than vãn. Đến khi tôi vừa về hưu thì gia sản cũng chẳng có mấy để kiếm cái nhà ở ngoài sinh sống".
Đồng cảnh ngộ với bà Bông là cô Trương Thị Nộn (SN 1953, trú tầng 3 khu chung cư 129 Hải Phòng. Trước khi lập gia đình, cô Nộn từng được lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng cử sang chiến trường Campuchia từ năm 1979-1983.
Cô Bông và cô Nộn chia sẻ với PV. 
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2008, cô Nộn vẫn sống trong căn hộ tồi tàn, thiếu ánh sáng trên tầng thượng chung cư. "Vừa rồi, tôi nghe lãnh đạo TP cùng các cơ quan liên quan bố trí chúng tôi sang nơi ở mới khi nơi đây quá xuống cấp. Đợt đầu họ cũng tính bố trí cho chúng tôi ở khu chung cư ở Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Căn nhà nhỏ 4 con người sinh sống của cô Nộn. 
Chúng tôi đều già rồi, đóng góp tuổi xuân cho TP cũng 30-40 năm qua. Cũng có ý kiến xin lô đất để xây nhà sinh sống những năm cuối đời để khi chết còn có chỗ bỏ quan tài, chứ sống hoài chung cư cả đời cực quá rồi", cô Nộn phân trần.

Rỗi bẵng thời gian sau, khu chung cư 129 Hải Phòng cùng 8 khu chung cư khác được TP quy hoạch sang khu đất tái định cư ở Nam Cẩm Lệ. Nơi ở mới quá xa so với vị trí hiện tại. Chưa kể việc có mức hỗ trợ 60 % giá đất và 60% giá trị căn chung cư ở hiện tại nhưng người dân ở nơi đây chưa đồng thuận lắm với cách giải quyết từ phía cơ quan nhà.
"Chúng tôi tuân thủ chính sách của nhà nước và thành phố", cô Bông đưa ý kiến, "Nhưng mức hỗ trợ khiến chúng tôi không đồng tính. Trong khi 3 hộ tầng 1 được hỗ trợ đến 400 triệu, 2 tầng còn lại chỉ được hỗ trợ từ 35 đến 37 triệu/hộ. Khi chúng tôi thắc mắc bởi không có cách tính giá trị hỗ trợ rồi chúng tôi phải bỏ bao tiền để mua đất tái định cư thì chẳng ai giải thích hay hỗ trợ cả".

Cô Nộn cũng lo lắng bởi khoản tiền lương hưu với 37 triệu được hỗ trợ, sao chúng tôi đủ tiền mua đất hay xây nhà. Nếu bắt di rời, những hộ dân tại đây bơ vơ không biết kiếm đâu ra khoản tiền lớn để ở cả.
Ở tuổi như cô Bông, cô Nộn đều đã "gần đất xa trời" và mong muốn bố trí khu đất ở gần bệnh viện để tiện lên theo dõi, chăm sóc sức khỏe. Nhưng với khó khăn hiện tại, họ gần như bế tắc trong việc tìm cách giải quyết. Họ nghĩ thà ở lại khu chung cư "3 không" còn tốt hơn việc phải ra ngoài mua đất, xây nhà theo quyết định từ thành phố đưa ra.
Theo Người đưa tin

Bình luận(0)