99% chung cư cũ tại Hà Nội: 2 thập kỷ nằm chờ cải tạo, xây mới

Google News

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, TP.Hà Nội hiện có gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, trong đó 25% thuộc diện nguy hiểm nặng. Thế nhưng, sau gần 20 năm triển khai cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ tại Hà Nội, chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới, đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1%.

Mới 14 chung cư cũ được xây dựng mới
Sau gần 20 năm kể từ thời điểm bắt đầu cải tạo hai chung cư đầu tiên là nhà B7 và B10 Kim Liên, đến nay, mới có 14 tòa chung cư cũ hoàn thành việc cải tạo, đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1% tổng số 1.579 nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, 11 tòa chung cư khác đang thực hiện.
Theo các chuyên gia bất động sản, với số lượng chung cư lớn như vậy, thành phố không thể bố trí nguồn ngân sách để phục vụ cho việc cải tạo, xây dựng mới, kể cả có sự hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ.
Tại phiên trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (ngày 4 - 5.6) vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thừa nhận, việc cải tạo chung cư cũ đang gặp rất nhiều khó khăn do không đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và của người dân khi doanh nghiệp (DN) tham gia cải tạo chung cư cũ. Bộ Xây dựng cam kết sẽ có những đề xuất trong thời gian tới để có bổ sung chính sách về việc này.
Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc cải tạo được 1% cũng đã là một thành công. Để tìm được phương án cải tạo phù hợp phải có đầy đủ bộ tiêu chí phân loại chung cư. Tuy nhiên, điểm mấu chốt cụ thể ở đây đó là ai, đơn vị nào sẽ đứng ra làm việc phân loại và nhận diện này?
99% chung cu cu tai Ha Noi: 2 thap ky nam cho cai tao, xay moi
 
Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy, với việc cải tạo chung cư cũ, Hà Nội đang vướng liên quan đến câu chuyện uy tín các nhà đầu tư khi có nhiều trường hợp người dân không tin tưởng vào năng lực tài chính, năng lực làm việc của nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số cư dân có những đòi hỏi rất vô lý về phương án cải tạo như đòi gấp 2-3 lần so với diện tích hiện tại. Đó là câu trả lời tại sao việc cải tạo chung cư cũ khó đến vậy.
Tâm lý ngại di dời
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù các khu chung cư cũ đều đã xuống cấp (xây dựng từ năm 1960 đến năm 1992), song nhiều gia đình ngại di chuyển và chỉ gắn bó ở đó.
Một chuyên gia bất động sản phân tích, đa phần các khối nhà chung cư cũ đều nằm tại khu vực trung tâm của TP.Hà Nội, nơi có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã ổn định từ nhiều năm. Bên cạnh đó, những gia đình sống tại những khối nhà chung cư cũ phần lớn đều là cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, xí nghiệp quốc doanh trước đây đang nghỉ hưu, nên tâm lý không muốn di dời đi đến nơi khác.
Đặc biệt, vấn đề liên quan đến cơ chế cũng có ảnh hưởng nhất định đến tiến độ triển khai cải tạo các khối nhà chung cư cũ. Bởi lẽ quy định mới nhất được Chính phủ ban hành về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các khu vực nội đô, trung tâm ở 2 TP lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là không được tăng chiều cao dự án, không tăng dân số.
Theo Quang Hiệu/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)