Cuối tháng 5/2016, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cùng ba nhà đầu tư nổi tiếng đến từ Mỹ đã đề xuất lên UBND TP.HCM đầu tư dự án 4 tỷ USD tại Khu chức năng số 1, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
3 nhà đầu tư Mỹ "kỳ cựu"
Nhóm các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, do ông ông Johnathan Hạnh Nguyễn "chấp nối" là Cantor Fitzgerald, Weider Resorts, Steelman Partners, đều là những tên tuổi "kỳ cựu" trên thị trường đầu tư toàn cầu.
|
Trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND TP.HCM hồi tháng 5/2016, nhóm các nhà đầu tư của Mỹ và Việt Nam đã đề xuất đầu tư dự án khu phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD. |
Dự án 4 tỷ USD này sẽ do Steelman Partners thiết kế toàn bộ. Có hoạt động trải dài trên cả châu Mỹ, châu Âu và châu Á, Steelman Partners được tạp chí Engineering News-Record xếp hạng 268/500 hãng thiết kế lớn nhất thế giới năm 2016.
Steelman Partners đã hoàn thành hơn 4.000 dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng tích hợp ở nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Nga, Thụy Sĩ, Úc, Ý... Công ty này cũng có văn phòng tại Việt Nam, Trung Quốc và Hà Lan, ngoài trụ sở chính ở vùng đất casino Las Vegas.
Một số dự án tiêu biểu có sự tham gia của Steelman Partner là chuỗi khách sạn Hyatt, Sheraton, Wynn, Las Vegas Sands, Bloomberry Resorts, Naga Corp, MGM, Harrahs, Royal Time Group, Genting...
Tại Việt Nam, tên tuổi của Steelman Partners gắn liền với dự án Hồ Tràm Strip và Happy Land, Suối Tiên Masterplan... Đặc biệt, tập đoàn này cũng là đơn vị chính đảm nhiệm toàn bộ thiết kế cho dự án Khu công viên giải trí tại quận 7, do tập đoàn Gaw Capital Partners đầu tư.
Thông tin trên trang web của Steelman Partners còn cho biết, tập đoàn này cũng là "chủ" thiết kế một số dự án lớn khác đang tồn tại hoặc chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam. Trong đó có dự án khu phức hợp cao cấp Da Nang Masterplan; Dự án Dragon Hill tại Hải Phòng; Dự án Lavenue Complex tại TP.HCM, thuộc khu đất "vàng" ngay trung tâm quận 1...
Trong khi đó, Cantor Fitzgerald là một tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính toàn cầu, có liên doanh với nhóm quản lý Las Vegas Sands, quản lý nhiều casino khác nhau.
Đối tác còn lại trong nhóm 3 tập đoàn Mỹ cùng công ty của vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đầu tư 4 tỷ USD vào TP.HCM là Weidner Resorts (thuộc tập đoàn Weidner Holdings). Đây được biết đến là tập đoàn phát triển và quản lý khách sạn, casino, khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu thế giới, dưới sự quản lý của Chủ tịch kiêm CEO William Weiner. Các công ty con của Weidner Holdings hiện có mặt tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan, chuyên doanh về mảng khách sạn 5 sao.
Chủ tịch của Weidner Holdings cũng từng nắm quyền điều hành chính tại sòng bài Las Vegas Sands - khu phức hợp khách sạn casino nổi tiếng tại Đài Loan - trong suốt những năm 1995 đến 2009. Vị này cũng là người đầu tiên giành quyền mở casino tại Trung Quốc, sau đó tiến tới phát triển hàng loạt chuỗi khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng khác như Venetian Las Vegas (1999), Palazzo (năm 2007) và Four Seasons (năm 2008). William Weiner cũng tạo dấu ấn là người đầu tiên nhận được giấy phép mở sòng bài tại Singappore, nơi tạo ra lợi nhuận trước thuế tới 1,7 tỷ USD mỗi năm.
Dự án 70 tầng
Đây là dự án khu phức hợp nằm quy mô khoảng 11 ha với tổ hợp 70 tầng, có trên 10 hạng mục trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp, khu bán lẻ, khu vui chơi giải trí, nhà hát opera… Riêng với tòa tháp văn phòng được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính - chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc.
|
Dự án 4 tỷ USD của ông Hạnh Nguyễn và các nhà đầu tư Mỹ được thiết kế có tháp tài chính cao 70 tầng, khách sạn 5 sao, nhà hát Opera, bến du thuyền... |
Tại thời điểm đó, khi dự án được công bố, trang tin InterGame bình luận rằng, trong khi dự án này chưa được định hình là một dự án casino, nhưng 4 tỷ USD là số vốn thường được Việt Nam quy định tối thiểu khi đầu tư cho dự án casino. Hơn nữa, các nhà đầu tư Mỹ trong nhóm này vốn nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh sòng bài.
Theo thiết kế của Steelman Partners, khu vực tiếp giáp với hồ trung tâm sẽ là 6 bến du thuyền, sau đó là các công viên điều hòa, và một nhà hát ngoài trời. Khu vực nhà hát này sẽ có điểm tổ chức các buổi nhạc nước và ánh sáng hoặc các sự kiện cưới ngoài trời. Nơi đây cũng sẽ đặt hệ thống nhà hàng và các trung tâm mua sắm, bán lẻ.
Khu vực giữa sẽ là nơi dành riêng cho hệ thống khách sạn 5-6 sao, gồm 3 tòa nhà cao trên 20 tầng, kết nối với nhau tạo thành hệ thống vòng cung đẹp mắt. Trên đỉnh của hệ thống khách sạn này, chủ đầu tư dự kiến đặt hai bể bơi ngoài trời và một nhà hàng.
Vùng trung tâm của vòng cung khách sạn sẽ là nhà hát opera, được thiết kế dựa trên cảm hứng từ những tấm lưới đánh cá - vốn gắn liền với sinh kế của rất nhiều người dân Việt Nam.
Ngoài tổ hợp khách sạn trên, dự án 4 tỷ USD sẽ xây thêm một khách sạn hình cánh bướm ngay trước tháp tài chính 70 tầng.
Theo mô tả của Steelman Partners, hình ảnh cánh bướm biểu tượng cho sự thay đổi, thể hiện khát vọng vươn tới điều tốt đẹp khi đã hội tụ đủ sức mạnh, tiềm năng.
Đây cũng được coi là kỳ vọng của nhóm nhà đầu tư khi muốn biến Thủ Thiêm trở thành một tổ hợp mang tiêu chuẩn quốc tế, thu hút đầu tư cũng như tiêu dùng, xóa "quy hoạch treo" đã tồn tại suốt 10 năm tại bán đảo này.
Vòng ngoài cùng là khu chung cư cao cấp và tháp tài chính 70 tầng. Theo mô tả của Steelman Partners, tòa tháp sẽ mang tên TPP (theo tên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP).
Bị bác bỏ
Theo đề xuất, nếu được thông qua, dự án sẽ có khoảng 3 năm 2 tháng để hoàn thành việc xây dựng các hạng mục, trong đó quá trình hoàn thiện các thiết kế chi tiết sẽ phải mất khoảng 15 tháng. Sau khi hoàn tất, dự án sẽ có 3 tháng để chạy thử, chào hàng, trước khi đi vào vận hành chính thức.
Tuy nhiên, công trình 70 tầng này cũng được xem là điểm tắc của dự án, do vênh quá nhiều so với quy hoạch đã có khoảng 10 năm trước của Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo đó, quy hoạch cũ chỉ cho phép các công trình có chiều cao dao động từ 4 đến 50 tầng, trong khi dự án này cao vượt hơn hẳn.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 16/8/2016, kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã chính thức bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 4 tỷ USD của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng nhóm nhà đầu tư Mỹ.
Theo UBND TP.HCM, dự án đề ra không đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch 1/2.000 đã được duyệt. Dù việc chỉ định đầu tư vẫn thuộc thẩm quyền của cấp trên, nhưng quan điểm của TP.HCM là không thể chấp nhận đầu tư sai với quy hoạch ban đầu.
Bên cạnh siêu dự án 4 tỷ USD của phía nhà đầu tư Mỹ bị bác bỏ, hàng loạt siêu dự án khác liên tục được nhắc đến trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng đã 20 năm từ khi phê duyệt đầu tư đến nay, khu đô thị này vẫn chưa thể thành hình.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1996 nằm ở bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), đối diện trung tâm quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Thủ Thiêm "mới" được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế.
Để xây dựng Thủ Thiêm, TP.HCM phải mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo với khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.
Nhưng sau 20 năm, đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có khu tái định cư Bình Khánh hoàn thiện cùng với đô thị Sala đang dần thành hình. Các dự án tỷ đô khác vẫn chỉ nhắc trên văn bản.