Mách mẹ tiêm vắc xin sởi - rubella đúng cách cho con

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tính an toàn của vắc xin sởi - rubella, không biết nên tiêm cho trẻ mũi đơn hay mũi phối hợp, cách tránh tai biến... 

 Ảnh minh họa.
Hiện không chỉ có học sinh từ 1 - 14 tuổi tại Hà Nội được chỉ định tiêm vắc xin sởi - rubella mà chiến dịch này đang triển khai trên toàn quốc với 23 triệu trẻ. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng về tính an toàn của văcxin và phân vân không biết nên tiêm cho trẻ mũi đơn hay mũi phối hợp. Cách để tránh các tai biến. 
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ Sinh Dịch tế T.Ư, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết, mục tiêu của chiến dịch tiêm lần này (2014 - 2015) nhằm góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi, rubella bẩm sinh trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017. Đây là hai bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc chữa, tiêm văcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh. Hai loại văcxin này gồm nhiều loại: Văcxin sởi, rubella đơn hoặc phối hợp sởi - rubella và sởi - quai bị - rubella. Để phòng bệnh có thể chọn cách nào cũng được, có thể tiêm nhắc mũi sởi đơn độc hoặc tiêm một mũi tổng hợp 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) nhưng tốt nhất nên chọn các mũi phối hợp để giảm được số lần tiêm. 
Văcxin  sởi - rubella sử dụng trong chiến dịch lần này là vắc xin sống giảm độc lực, có tác dụng đồng thời phòng bệnh sởi và bệnh rubella do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Hiện đã có khoảng 40 quốc gia đã sử dụng, với hơn 600 triệu liều. Đây là loại văcxin duy nhất hiện nay được WHO khuyến cáo các nước sử dụng trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin này đạt 95%.
Trước khi tiêm, cha mẹ, cô giáo cần chuẩn bị tốt tâm lý cho học sinh. Cha mẹ cũng cần lưu ý nếu trẻ bị dị ứng đối với bất cứ thành phần nào của văcxin (ví dụ như dị ứng với kháng sinh có trong vắc xin), hoặc có phản ứng mạnh (sốt cao, phản ứng sưng tại chỗ tiêm, di ứng, sốc...) khi tiêm vắc xin cùng loại ở những lần tiêm trước thì sẽ có nguy cơ phản ứng đối với vắc xin sắp được tiêm. 
Gia đình cần thông báo cho cán bộ y tế khi con/cháu được khám sàng lọc trước tiêm chủng, các yếu tố cần thông báo gồm tiền sử dị ứng thức ăn, thuốc, tiền sử phản ứng sau tiêm chủng của trẻ, hay có gặp phản ứng trong những lần tiêm trước hay không? Đồng thời, sau tiêm trẻ cần được theo dõi tại có sở tiêm chủng 30 phút và tiếp tục được theo dõi tại nhà trong vòng một ngày đầu để phát hiện sớm các biểu hiện dị ứng, báo cho cán bộ y tế để xử lý kịp thời.
Thúy Nga (ghi)

Bình luận(0)