Khả năng lắng nghe không chỉ là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển ban đầu của trẻ mà còn rất quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ và đạt được thành công trong cuộc sống khi trưởng thành. Tuy nhiên, đa phần trẻ không muốn lắng nghe, khiến cha mẹ tức giận.
Vì thế, các chuyên gia tâm lý đã đưa ra 8 gợi ý dưới đây nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể dễ dàng nói chuyện với con và khiến con tập trung lắng nghe cũng như thực hiện theo đúng yêu cầu được đưa ra.
Chuyên gia nói, con bạn cần cảm thấy được lắng nghe, được hiểu, trước khi chúng có thể lắng nghe bạn. Ảnh minh họa
1. Nói đúng những gì bạn nhìn thấy
Bước đầu tiên trong "Ngôn ngữ nghe" là nói những gì bạn thấy. Thay vì áp đặt phán đoán của bạn đối với hành vi của con, hãy chống lại sự thôi thúc phản ứng bản năng và nói đúng những gì bạn thấy, theo nghĩa đen.
Ví dụ, bạn thấy con không cho người khác chơi đồ chơi cùng mình và cho rằng chúng ích kỷ, không biết chia sẻ. Tuy nhiên, trong mắt trẻ, hành vi này có thể chỉ đơn giản là chúng đang bận chơi. Vậy thì hãy nói bản chất của vấn đề "con đang bận chơi món đồ chơi đó à?".
Chuyên gia nói, con bạn cần cảm thấy được lắng nghe, được hiểu, trước khi chúng có thể lắng nghe bạn.
Camilla Miller, chuyên gia nuôi dạy con cái người Mỹ, nhận định: "Khi con bạn cảm thấy không được lắng nghe, chúng thấy như thể bạn đang gạt bỏ những mong muốn và nhu cầu của chúng và chỉ trích chúng sai".
Đương nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải nhượng bộ, mà đơn thuần là bạn đứng ở vị trí của con để tìm ra nguyên nhân hành vi của chúng.
2. Chỉ ra đúng – sai
Cha mẹ hay chỉ ra những đúng – sai của con để trẻ thấy rằng, việc làm của mình chưa và được chỗ nào để rút kinh nghiệm.
Các bậc phụ huynh cũng nên khéo léo trong cách nói chuyện với con để trẻ nhỏ không cảm thấy bị tổn thương hay tự ái để dẫn đến sự phản kháng của chúng.
Đặc biệt, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý dành cho cha mẹ chính là tuyệt đối không áp đặt suy nghĩ của mình lên các con mà thay vào đó, hãy cố gắng tìm hiểu suy nghĩ và mong muốn của trẻ nhỏ.
Điều này sẽ khiến các con dễ dàng chia sẻ với cha mẹ để từ đó đôi bên có thể hiểu nhau và tìm hướng giải quyết phù hợp cho cả con lẫn cha mẹ.
3. Thực hành giao tiếp bằng mắt
Thực hành giao tiếp bằng mắt với con bạn để giúp chúng hình thành thói quen, vì giao tiếp bằng mắt có thể cải thiện sự tập trung.
Có rất nhiều thứ có thể thu hút sự chú ý của chúng ta - màu sắc tươi sáng, cây cối, âm thanh,... thậm chí người lớn đôi khi cũng nhìn đi chỗ khác khi ai đó đang nói. Một chút giao tiếp bằng mắt có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng lắng nghe tích cực.
4. Đưa ra một giải pháp có thể làm được
Một khi bạn đã hiểu và thông cảm cho hành vi của con mình, bạn sẽ có cơ hội để tác động tới tâm lý của trẻ hiệu quả hơn. Nếu trẻ đang thể hiện một hành vi mà bạn không thích, hãy giúp trẻ dần dần chuyển hướng và thay đổi.
Ví dụ, bạn thấy phiền lòng vì con cái cứ nhảy nhót trên ghế sofa. Đầu tiên, bạn hãy thấu hiểu mong muốn được vận động, vui chơi và xả hơi của trẻ. Sau đó, hãy giúp trẻ hướng năng lượng đó đến một không gian khác như sàn nhà hoặc tấm bạt lò xo.
Trong một trường hợp khác, trẻ đòi hỏi món đồ chơi mới ngay khi vừa trải qua sinh nhật và được tặng rất nhiều quà cáp, cha mẹ hãy giúp trẻ nghĩ ra một số cách để tự tiết kiệm và mua nó cho mình. Chẳng hạn như giúp đỡ việc nhà để kiếm thêm tiền tiêu vặt…
Camilla Miller, chuyên gia nuôi dạy con cái người Mỹ, nói: "Đừng bao giờ quên xem xét nhu cầu đằng sau mỗi hành vi và giúp trẻ đáp ứng nhu cầu đó theo cách mà bạn có thể chấp nhận được."
Đồng thời, với những khía cạnh và thói quen tốt ở trẻ, hãy bày tỏ sự công nhận và liên tục khích lệ để trẻ có động lực duy trì những điều đó trong tương lai.
5. Điều chỉnh thái độ
Một trong những cách khiến trẻ chú ý và nghiêm túc lắng nghe cha mẹ chính là thái độ của phụ huynh. Theo đó, cha mẹ nên cố gắng điều chỉnh thái độ, tránh việc la mắng con cái mà nên nhẹ nhàng cho trẻ thấy sự thiện chí của mình trong mỗi cuộc trò chuyện.
Cách thức này sẽ khiến trẻ không quá sợ hãi, né tránh thay vì muốn tiếp nhận lời nói của cha mẹ. Ngoài ra, trong mỗi cuộc nói chuyện, hãy đưa ra những câu hỏi và khuyến khích con trả lời để sau đó cha mẹ có thể dễ dàng chỉ dẫn những điều đúng – sai để trẻ có thể dễ dàng nắm bắt và hiểu rõ hơn.
6. Tầm quan trọng của chờ đợi
Thảo luận về tầm quan trọng của việc đợi đến lượt mình phát biểu, vì bản năng đầu tiên của trẻ có thể là ngắt lời để đưa ra nhận xét hoặc đặt câu hỏi. Giúp trẻ hiểu việc ngắt lời một người đang nói có thể khiến họ cảm thấy như thế nào và đưa ra cho trẻ những lựa chọn thay thế, chẳng hạn như giơ tay trong lớp hoặc đợi cho đến khi người khác kết thúc lượt nói của họ.
7. Đặt câu hỏi mở
Câu hỏi mở giúp làm sáng tỏ giao tiếp cho cả người nói và người nghe. Mặt khác, những câu hỏi đóng lại hạn chế và thu hẹp cuộc trò chuyện. Bạn nên hỏi đứa trẻ những câu như sau: "Ý con là gì?", "Con cứ nói những suy nghĩ của mình…"
8. Kết thúc bằng sức mạnh
Khi bạn đã nắm rõ được tình hình và đạt được thỏa hiệp, nên kết thúc cuộc thảo luận bằng cách nêu bật điểm mạnh con bạn đã thể hiện.
Tuy nhiên, thay vì nói "Mẹ rất vui khi con làm điều đó", hãy đặt trẻ ở vị trí trọng tâm, ví dụ nói: "Con đã giải quyết vấn đề rất tốt". Lời nói này sẽ giúp trẻ củng cố hành vi của mình. Bằng cách đó, trẻ sẽ nhận ra mình là người tham gia tích cực vào tình huống và có khả năng ra quyết định mạnh mẽ.