|
Ảnh minh họa. |
Riêng ở trẻ nhỏ, cụm từ "suy nhược cơ thể" ít được sử dụng, để diễn tả trẻ ốm yếu thường ta hay nói trẻ suy dinh dưỡng hay trẻ còi cọc, trẻ suy kiệt. Nguyên nhân là do thiếu một số dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động của hệ thần kinh, hệ võng mạc, hệ tuần hoàn... Trẻ có thể mắc bệnh lý cấp tính như viêm phổi, tiêu chảy cấp, hay bệnh lý mạn tính như suyễn không được kiểm soát tốt, sốt kéo dài, lao phổi, bệnh lý về máu, bệnh tim bẩm sinh...
Trẻ có thể bị viêm hệ hô hấp như suyễn, viêm phổi gây khó thở, mệt không muốn hoạt động, thông thường trẻ sẽ có nhưng cơn ho, hay cơn khó thở kèm theo. Khi trẻ mệt mỏi, ăn kém, kèm theo triệu chứng hô hấp hay tiêu hóa thì nhất định phải được thăm khám kỹ lưỡng để phát hiện bệnh lý kịp thời.
Trẻ có thể suy kiệt do thiếu nước, nôn ói nhiều hoặc tiêu lỏng nhiều lần, cần cấp cứu, can thiệp ngay. Việc cung cấp dinh dưỡng thiếu hoặc không đúng cách, hoặc ở trẻ có vấn đề về dị ứng đạm sữa bò hay một số thức ăn khác cũng làm cho trẻ chậm phát triển về thể chất.
Đôi lúc người lớn bị bệnh nhưng vẫn hoạt động, làm việc bình thường do chưa phát hiện ra hoặc do ý thức cố lướt qua bệnh tật, còn ở trẻ nhỏ thì mọi sự thay đổi trong cơ thể thường được biểu hiện ra bên ngoài. Ví dụ, khi trẻ muốn mọc răng, biết lật biết lẫy hay sắp bị bệnh trẻ thường sốt nhẹ hay bỏ ăn... Do đó, vấn đề theo dõi định kỳ trẻ nhỏ là rất quan trọng. Không phải để khi trẻ bệnh mới đi khám, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khám ít nhất 1 lần/tháng, trẻ 2 tuổi 2 tháng khám 1 lần, trẻ 3 tuổi 3 tháng khám 1 lần, trẻ dưới 6 tuổi thì nửa năm khám 1 lần.
Trẻ khoẻ mạnh là trẻ ăn ngủ bình thường, lên cân tốt, phát triển thể chất vận động tốt, phát triển ngôn ngữ và lời nói tốt. Do đó, mỗi trẻ em đều phải được theo dõi trên biểu đồ cân nặng và chiều cao, nếu trẻ ăn ít nhưng hoạt động tốt, phát triển ngôn ngữ vận động tốt, thì không có gì phải lo lắng.
Ngược lại, trẻ phát triển quá tốt về cân nặng và chiều cao nhưng lại chậm về vận động, cũng như tiếp xúc khó khăn thì phải được theo dõi sát và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Khi khám định kỳ, bác sĩ nhi khoa sẽ tư vấn về dinh dưỡng, tiêm ngừa và theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ.