Tác dụng thật của trà giảm cân

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi có bài viết phản ảnh "Trà giảm cân làm kiệt sức vì mất nước!", tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả. 

Do cơ địa không phù hợp?
Ngày 15/4, trả câu hỏi của phóng viên là tại sao người sử dụng trà giảm cân do Công ty Cổ phần Sản xuất Trà Hùng Phát (TPHCM) sản xuất lại bị tiêu, tiểu quá nhiều dẫn đến kiệt sức, ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc kinh doanh giải thích: "Việc khách hàng uống trà giảm cân Tam Diệp thế hệ 2 mà bị tiêu chảy, đi tiểu nhiều có thể là do cơ địa không phù hợp và do khách hàng dùng không đúng theo hướng dẫn trong hộp trà. 
Đúng là việc đi ngoài 4 lần/ngày sẽ gây mất nước, chúng tôi đã yêu cầu rõ nếu đi ngoài 3 lần/ngày là phải giảm toa uống, sức khoẻ sẽ trở lại bình thường. Tiêu chảy là vấn đề hiển nhiên xảy ra khi uống trà giảm cân, nhưng không đến mức 3 - 4 lần/ngày. Khách hàng uống 3 - 4 gói đầu tiên nếu thấy tiêu chảy nặng thì nên giảm số gói uống trong ngày xuống theo hướng dẫn chứ không nên dùng tiếp".
Cũng theo ông Nam: "Công ty đã khuyến cáo rõ trong hướng dẫn sử dụng, cần xem trà có phù hợp với cơ thể mình hay không? Những trường hợp bệnh đường ruột, bệnh huyết áp cao hoặc thấp, có thai, cho con bú, người trên 60 tuổi thì không nên uống trà giảm cân... 
Trước khi đưa ra sản phẩm chúng tôi đã thử nghiệm ngay trong đội ngũ cán bộ công nhân viên của công ty,  sản phẩm ra thị trường có  giấy phép của Sở Y tế. Sản phẩm này liên quan đến thuốc, nhưng do cách dùng trực tiếp trên thảo dược nên được xếp vào hàng thực phẩm chức năng. Chúng tôi đã xin cấp phép sản phẩm là thuốc nhưng Bộ Y tế không đồng ý. Hùng Phát sẽ bồi thường cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm trà giảm cân của Hùng Phát mà có sự cố về sức khoẻ".
Giải thích về trà Tam Diệp thế hệ 2 giảm béo nguyên phần bụng, ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc sản xuất cho rằng: "Mỡ thừa thường tập trung phần bụng, uống trà trước ăn vài chục phút, khi ăn xong vài phút sau thì đau bụng đi ngoài chính lúc này lượng mỡ dư thừa sẽ bị tống ra ngoài, chất xơ cùng nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sẽ được giữ lại. Thời điểm đó cơ thể cũng chưa kịp hấp thụ lượng mỡ vào để gây béo thì đã lập tức bị thải ra ngoài".
Tại buổi làm việc, ông Hiệp cũng cho biết mình là giám đốc sản xuất "theo kinh nghiệm", không có bằng cấp chuyên môn về dược mà làm theo công thức, chỉ đạo từ xa của Lương y Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (hiện đang định cư tại Úc).
Trà giảm cân bán ngoài thị trường. 
Không thể làm bừa sản phẩm liên quan đến người dùng 
ThS Lương Thanh Long, Phó trưởng Bộ môn Quản lý Dược, trường Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, hiện nay các lương y mở bán thuốc dạng thảo dược ở nhà theo kiểu "gia truyền" cũng phải xin phép mới được hành nghề. Nếu là cơ sở công ty sản xuất Đông dược thì bắt buộc người điều hành sản xuất phải có bằng cấp chuyên môn về y dược, nhân viên cũng phải có hồ sơ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề chứ không thể làm "tay ngang" được. 
Cũng theo ThS Lương Thanh Long, dù là người không lập ra công thức pha chế nguyên liệu thảo dược nhưng là lựa chọn cây dược liệu thì cũng phải có chứng chỉ chuyên môn. Với nguồn sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người dùng thì không thể làm bừa, rất nguy hiểm, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng sức khoẻ con người. 
Việc dùng sản phẩm trà thảo dược dưới dạng thực phẩm chức năng để thải mỡ thừa trong cơ thể qua đường tiêu, tiểu giúp giảm cân là hoàn toàn phi lý. Dùng trà hoặc thuốc để giảm cân bằng cách gây tiêu chảy làm mất nước là cơ thể sẽ bị hụt nước kèm theo các chất dinh dưỡng khác gây kiệt sức. 
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (trường Đại học Y Dược TPHCM)
Hương Nguyên

Bình luận(0)