Hà Nộ rộ trào lưu gội đầu không dùng dầu gội

Google News

(Kiến Thức) - Thay vì dùng dầu gội, phụ nữ Hà Nội đang hào hứng thử nghiệm trào lưu làm sạch tóc chỉ bằng nước, muối nở và giấm táo. 

No Poo được nhiều người xem là một xu hướng gội đầu không dùng dầu gội đang xuất hiện tại Hà Nội. Thay vào đó, họ sử dụng 3 nguyên liệu thay thế là nước, muối nở và giấm táo. Sau một thời gian sử dụng, tóc trở nên khoẻ, bóng mượt, sạch sẽ. Theo các chuyên gia, những nguyên liệu này có tác dụng dựa trên các chỉ số pH của tóc cũng như dầu gội và dầu xả thông thường. 
Sau bết là suôn mượt
Chị Nguyễn Thị Mai Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thấy mọi người kháo nhau xu hướng gội đầu không sử dụng dầu gội nên cũng làm theo. Chị tuyệt nhiên không sử dụng một chút dầu gội nào mà thay thế chung bằng các nguyên liệu tự nhiên, có sẵn trong bếp để làm sạch tóc. Ba nguyên liệu là nước, muối nở (còn gọi là baking soda) và giấm táo. 
Chị Mai Linh chia sẻ, mấy ngày đầu không dùng dầu gội tóc chị bị bết, khô, xơ khiến chị có cảm giác khó chịu, bức bí, mất tự tin. Tuy nhiên, sau khoảng ba tuần chịu đựng, tóc chị đã dễ chịu hơn, dần dần trở nên sạch và suôn mượt.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cách làm này của chị Mai Linh là chưa hợp lý. Về lâu dài, các nguyên liệu trên sẽ làm hỏng tóc do thiếu chất dinh dưỡng, môi trường của tóc không còn ở trạng thái ban đầu... 
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia mỹ phẩm Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thực Mỹ Phẩm Grandpa's Garden (Hà Nội) cho rằng, cách sử dụng muối nở, nước và giấm táo khi gội không phải là không có cơ sở khoa học. Đây là cách làm dựa trên độ pH tự nhiên của tóc tương tự như dầu gội và dầu xả khác. 
Cụ thể, vị chuyên gia này phân tích: Tóc có độ pH tự nhiên vào khoảng 4,5 - 5,5. Để làm sạch tóc, người ta dùng các loại dầu gội có độ pH cao hơn tóc. Độ pH cao này giúp lớp biểu bì của tóc mở ra, giống như chúng ta thường thấy các vẩy tóc xòe ra ở các quảng cáo về tóc. Đây là nguyên lý bình thường để làm sạch, rửa trôi các bụi bẩn bám trên tóc. Theo đó, độ pH thông thường của các loại dầu gội là từ 5,5 - 6,8. Cá biệt một số ít có pH từ 8 - 10 để có hiệu quả làm sạch tóc mạnh mẽ nhưng ngược lại chúng cũng dễ làm tóc xơ xác hơn.
Nhưng nếu biểu bì vẫn mở mãi thì tóc sẽ mất nước và các lớp trong (gồm lớp giữa, lớp tủy) và dễ bị tổn thương bởi môi trường. Các vẩy biểu bì xòe ra khiến tóc không có một mặt phẳng, phản sáng không theo cùng chiều, khiến tóc trông không bóng. Vẩy tóc xòe ra cũng làm tay chúng ta cảm nhận thấy sự xơ xác, khô rối, khó chải. Vì thế, chúng ta cần dầu xả. 
Ha No ro trao luu goi dau khong dùng dau goi
Ảnh minh họa. 
Dầu gội là muối, dầu xả là giấm táo
Ở góc độ khác, chuyên gia Đỗ Anh Thư phân tích thêm, dầu xả với độ pH thấp sẽ làm biểu bì tóc đóng lại. Khi đó, biểu bì sẽ bảo vệ được các lớp trong của tóc tốt nhất, phản sáng tốt nhất. Tóc bóng, mượt, giảm chẻ ngọn. Dầu xả thường có độ pH vào khoảng 4 - 5,5; một số loại thấp đến 3,7 và cao đến 6,5. Nước có độ pH bằng 7 nên không giúp tóc bóng mượt
Dựa theo nguyên lý đó nên muối nở và giấm táo đi theo đúng nguyên tắc của bộ dầu gội và dầu xả thông thường. Muối nở có độ pH là 8,3 - 9,0 và giấm táo (loại tốt) là từ 2,8 - 3,0. Vì thế, khi sử dụng chúng, tóc vẫn đảm bảo môi trường pH một cách tự nhiên. 
“Dầu gội tạo được nhiều bọt nên nhanh chóng làm sạch da đầu ngay. Còn muối nở khó dùng để massage toàn đầu. Những lần đầu người dùng có thể chưa làm đúng nên cảm thấy tóc bết, khó chịu. Ở đây không phải vấn đề không thích ứng với tóc hay da đầu”, chị Đỗ Anh Thư cho hay.
Chuyên gia Đỗ Anh Thư khuyến cáo về cách pha muối nở và giấm táo như sau: Pha không đủ nước sẽ khiến dung dịch muối nở mang tính kiềm cao và làm tóc bị yếu. Cách pha phổ biến nhất ở nước ngoài là khoảng 15ml muối nở với nửa lít nước, nhưng để làm giảm độ pH giảm xuống mọi người có thể dùng khoảng 10ml.  
Hiền Dung

>> xem thêm

Bình luận(0)