Ngày đầu năm 2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) nhận được nhiều sự chú ý khi có những thông tin trái ngược về người nắm vị trí Chủ tịch giữa ông Lê Viết Hải và Nguyễn Công Phú.
Trong khi sự việc vẫn chưa ngả ngũ thì chúng ta lại nhớ đến câu chuyện mà người lãnh đạo bị "đánh bật" khỏi ghế điều hành trong ngành xây dựng là ông Nguyễn Bá Dương của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD). Cuộc chiến tại CTD bắt đầu từ vụ hợp tác nghìn tỷ với Kusto - một cổ đông lớn "ngoại quốc", và kết thúc sau 4 năm. Đến hiện tại mỗi bên một kết quả…
Nhìn lại cuộc chiến của Coteccons...
Vào năm 2012, Coteccons chấp nhận phát hành 10,43 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 24,7% cổ phần) cho Kusto Group với mức giá phát hành là 50.000 đồng/cp. Thương vụ mang về cho Coteccons hơn 520 tỷ đồng.
Có sự giúp sức từ dòng vốn ngoại, Coteccons liên tục bứt phá và có một lịch sử huy hoàng. CTD từng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán với hơn 300.000 đồng/cổ phiếu. Thực vậy, quá khứ huy hoàng của CTD thể hiện qua những con số tài chính hết sức ấn tượng.
Ngay giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2008 đến 2013, CTD vẫn có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất tốt. Trong suốt giai đoạn từ năm 2010 đến 2018 (trước khi sa sút 2019), tăng trưởng doanh thu đạt 40%, lợi nhuận gần 30%.
Rồi trong thời gian mâu thuẫn nội bộ xảy ra, lợi nhuận ông lớn ngành xây dựng ngày càng sa sút. Coteccons thậm chí chứng kiến mức doanh thu xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021 sau khi ông Nguyễn Bá Dương, cựu CEO Nguyễn Sỹ Công, và các "chiến tướng" Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Hiệp, Trần Văn Chính, Phan Huy Vĩnh, Từ Đại Phúc,… đã lần lượt dứt áo ra đi.
|
Cuộc chiến một thời trong nội bộ Coteccons. |
Với mức lợi nhuận ròng năm 2021 chỉ còn 24 tỷ đồng, thật khó để cổ đông có thể hình dung về một Coteccons từng lãi cả nghìn tỷ chỉ 3 năm trước đó. Năm thứ 2 sau khi ông Bolat Duisenov giữ ghế Chủ tịch HĐQT, công ty báo doanh thu giảm tới 2/3 so với đỉnh còn 9.078 tỷ trong khi lợi nhuận thì rơi không thấy đáy.
Coteccons thậm chí đang hiện hữu năm lỗ ròng đầu tiên dưới thời của Kusto khi trong báo cáo cập nhật mới nhất, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) ước tính CTD sẽ đạt tổng doanh thu 10.440 tỷ đồng cho cả năm 2022 qua đó không thể hoàn thành kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ.
Coteccons cũng được dự phóng lỗ khoảng 110 tỷ đồng năm 2022 trong khi kế hoạch lãi ròng cả năm là 20 tỷ.
Sau khi dứt tình với Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương gây dựng "đế chế" mới và đặc biệt xuất hiện nhiều tại 2 đơn vị là SOL E&C và Newtecons.
Newtecons được thành lập từ năm 2003 với chuyên ngành là thi công xây dựng công trình có quy mô vừa và nhỏ. Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Newtecons khi cùng Coteccons tham gia nhiều dự án lớn như Masteri Thảo Điền CT5, Vinhomes Thăng Long, D’.Capitale... Công ty cũng góp mặt thi công phần lõi thang tòa nhà The Landmark 81.
Đặc biệt, sau sự kiện tại Coteccons, Newtecons liên tục công bố thế chân Coteccons tại loạt dự án lớn như The Spirit Saigon (trung tâm quận 1), Lumiere Riverside (quận 2)…
Năm 2022, Newtecons đã cán mốc kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng vượt trội so với loạt nhà thầu còn lại trong bối cảnh thị trường nội địa đang co hẹp và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, dần dần vượt mặt Coteccons và cả Hoà Bình.
Sức khoẻ của Hoà Bình ra sao trong cuộc chiến?
Nhìn lại Hoà Bình, tập đoàn này đang có khá nhiều điểm giống với CTD trước đó khi đã có quá khứ huy hoàng rồi đang quay cuồng sau đại dịch.
Trong quá khứ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình luôn nổi bật với tốc độ tăng trưởng "thần tốc", cứ 5 năm lại tăng gấp 5 lần doanh thu, duy trì trong suốt 3 thập niên.
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 thị trường bất động sản gặp khó khăn do "siết" cấp phép dự án mới, cộng thêm 2 năm đại dịch COVID-19 "giáng đòn", khiến Hòa Bình cũng "bị thương".
9 tháng năm 2022, HBC đạt 10.904 tỷ doanh thu trong khi kế hoạch cả năm là 17.500 tỷ; lãi sau thuế chỉ đạt 61,2 tỷ đồng trong khi kế hoạch năm là 350 tỷ. Con số này càng nhỏ bé so với tham vọng xuất ngoại của ông Lê Viết Hải trước kỳ Đại hội bất thường hồi tháng 8/2022 cho chiến lược kinh doanh 10 năm (đến năm 2032) với mục tiêu doanh thu 437.500 tỷ đồng và lợi nhuận 21.875 tỷ đồng.
|
Số phận Xây dựng Hoà Bình sẽ đi về đâu? |
Về nguồn vốn, từ vỏn vẹn 70 tỷ đồng vào năm 2004, khối tài sản của Hòa Bình đã tăng xấp xỉ 265 lần lên hơn 18.680 tỷ đồng đến cuối quý 3/2022. Dù vậy doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả tới gần 15.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng tài sản và gấp 4 lần vốn chủ sở hữu.
Số liệu trên Báo cáo tài chính quý 3/2022 ghi nhận trong số 14.900 tỷ đồng nợ phải trả đến 30/9 có gần 5.500 tỷ đồng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và hơn 1.000 tỷ đồng dư vay nợ thuê tài chính dài hạn. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn 6.500 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến công ty đang “gánh” khoản chi phí tài chính hàng trăm tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022 của CTD ghi âm hơn 1.300 tỷ đồng chủ yếu do tăng/giảm các khoản phải thu. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng đang ghi âm 319 tỷ đồng còn lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính 1.500 tỷ đồng.
Nói về cổ phiếu, trong cả năm 2022 cổ phiếu HBC có nhiều biến động, từ vùng giá gần 32.000 đồng/cổ phiếu đầu năm xuống dưới mệnh giá – tương ứng mất đi khoảng 70% giá trị khiến các nhà đầu tư lỡ tay “bắt đỉnh” vẫn ở ngoài đảo xa.
Trong phiên đầu năm mới 2023, đi ngược chiều thị trường, cổ phiếu có thời điểm giảm sàn về 8.570 đồng/cổ phiếu do mâu thuẫn nội bộ trước khi đóng cửa phiên 3/1 ở mức 9.450 đồng/cổ phiếu.
Khi cổ phiếu đã không ngừng lao dốc và kết năm 2022 ở dưới mệnh giá; tình hình kinh doanh sa sút vẫn chưa được cải thiện; gánh nặng nợ gấp gần 4 lần quy mô vốn chủ sở hữu và xung đột ghế quyền lực vừa mới bắt đầu, Xây dựng Hòa Bình của hiện tại sẽ đi về đâu nếu cuộc chiến bùng nổ ngày càng mãnh liệt?