Rồng, cá sấu, kỳ lân, trâu… những loại kiểng thú được tạo hình từ cây bông trang ở vườn kiểng Văn Trường, nằm ven quốc lộ 91B, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, đang tạo “cơn sốt”. Những tác phẩm này rất tinh xảo dù kích thước lớn, nên khiến du khách thích thú.
|
Chị Loan bên tác phẩm long quy tạo hình bằng bông trang. |
Chị Nguyễn Kim Loan, chủ nhân vườn kiểng, cho biết: Vợ chồng chị vốn làm nghề kinh doanh nhưng rất thích trồng cây kiểng. Cách đây gần 2 năm, vợ chồng chị Loan mua được một cặp gà tạo hình bằng bông trang rất ưng ý. Từ đó, anh chị nảy ra ý định sưu tầm loại kiểng tạo hình độc đáo này. Hiện vườn kiểng có quy mô vài ngàn gốc trang dùng để tạo hình và hơn 200 tác phẩm kiểng thú thành phẩm. Hiện nay, vườn kiểng của chị Loan có thể tạo hình được hầu hết các con vật theo yêu cầu của khách, rất thần thái và tinh xảo.
Do vườn kiểng nằm ở mặt tiền quốc lộ 91B với những cây kiểng thú cao lớn đến 2-3m, trổ bông đỏ rực nên được nhiều người chú ý. Nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chụp ảnh. Chú Nguyễn Quốc Hoàng, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, sau khi tham quan vườn kiểng thì trầm trồ: “Trước giờ chú chỉ nghĩ bông trang trồng làm hàng rào và lấy bông cúng, không ngờ lại có thể tạo hình lớn và đẹp thế này”.
|
Rồng được tạo hình với kích thước lớn. |
Ông Lê Tấn Hải là nghệ nhân tạo hình kiểng thú cho vườn kiểng này. Ông Hải quê ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, hơn 2 năm trước tập tành tạo hình kiểng thú từ những gốc bông trang trước nhà. Đam mê lớn dần theo những thành công, đến nay vườn nhà ông sở hữu hàng chục kiểng thú đẹp. Ông nhận làm thợ cho vườn kiểng Văn Trường cũng vì đam mê đó.
Theo ông Hải, để làm nên một tác phẩm kiểng thú hoàn chỉnh, người thợ phải mất nhiều công phu và tâm huyết. Đầu tiên là phải tạo một khung cho thật giống và vững chãi, sau đó trồng cây bông trang vào và uốn nhánh theo định hình của khung. Phải mất từ 6 tháng đến 1 năm cho một tác phẩm hoàn chỉnh, quy mô. Về nguồn cây bông trang, ông Hải cho biết, phải chịu khó săn tìm từ những sân vườn nhà của hộ dân nông thôn, nhất là những vùng có thói quen trồng bông trang làm hàng rào và lấy bông để cúng. Bởi, loại trang này mới có tàng lớn, dễ sử dụng.
Cây bông trang là loại hoa kiểng quen thuộc ở Nam bộ, rất dễ trồng và chăm sóc. Theo các nghệ nhân, chỉ cần tưới nước vừa đủ, kiểm soát sâu ăn lá, là cây cho hoa quanh năm, rất đẹp mắt. Tùy kích cỡ, độ khó tạo hình mà kiểng thú bông trang có giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài trăm triệu đồng.
Với tài hoa và sáng tạo, người dân Cần Thơ đã góp phần làm phong phú và nâng tầm giá trị nông sản, cây trồng, tạo điểm nhấn cho nông nghiệp đô thị của thành phố.