Bên lề hành lang Quốc hội chiều 28/5, liên quan tới vụ Tenma Việt Nam nghi hối lộ công chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định không phải cứ khi có sự vụ xảy ra thì mới tính tới chuyện giải quyết mà trên thực tế, các giải pháp phòng ngừa tiêu cực trong ngành đã được triển khai đồng bộ trong nhiều năm qua, từ xây dựng pháp luật tới các văn bản hướng dẫn luật.
"Việc hết sức quan trọng là đổi mới phương thức quản lý ngành tài chính từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Gắn với nó, việc cải cách thủ tục hành chính cũng hết sức quan trọng. Cùng với đó là hiện đại hóa toàn ngành. Bây giờ thuế má, kê khai kể cả chi tiêu ngân sách, thu nộp thuế, kể cả thông quan đều là điện tử. Phải nhìn thẳng vào một sự thực như thế. Cùng với đó là trong quản trị nội bộ, quản lý nội bộ, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành được triển khai rất đồng bộ", ông Dũng nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Theo vị Bộ trưởng Tài chính, vấn đề này được triển khai trong nhiều năm mới được thế này. Ông dẫn ra vấn đề luân phiên, luân chuyển vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng được ngành tài chính thực hiện từ năm 2014.
Theo ông Dũng, bình thường một năm trên dưới 10.000 lượt cán bộ phải chuyển đổi vị trí công tác. Quy định rõ ràng, vị trí nào 2 năm, 3 năm, 4 năm là phải chuyển đổi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận "dù mình có làm thế nào chăng nữa, cũng là sự cố gắng rồi, nhưng để tuyệt đối thì cũng khó". Nhưng cùng với đó, ngành tài chính vẫn đang tiếp tục đào tạo cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy, tạo hệ thống tương đối hoàn chỉnh để triển khai theo nhiệm vụ công tác, yêu cầu công tác.
Đề cập tới việc kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng gấp 5,7 lần, hàng hóa cũng vậy, thu thuế nộp thuế cũng thế, đối tượng nộp thuế cũng thế nhưng cán bộ vẫn giảm được, ông Dũng cho rằng kết quả này đến việc đổi mới phương thức quản lý, tiền kiểm sang hậu kiểm; kiểm tra sau thông qua, thanh tra, kiểm tra sau.
Liên quan tới vấn đề Tổng kiểm toán nhà nước đánh giá ngành thuế, hải quan còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Tài chính cho biết việc chi tiêu, theo quy định của Luật Ngân sách có các cấp ngân sách Trung ương, địa phương, trong địa phương có tỉnh, huyện, xã. Các cấp ngân sách này đều có Hội đồng Nhân dân có thẩm quyền về ngân sách.
Ông Dũng cho rằng các ngành chức năng khác cũng cần phải có trách nhiệm với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chứ không riêng gì ngành tài chính.
"Do đó cần nói rõ vấn đề này cần phải rõ ràng về trách nhiệm, phân cấp, thẩm quyền, quyền và trách nhiệm", ông kết luận.