Vụ đầu tư tiền ảo đa cấp: Mất tiền vì nôn nóng làm giàu

Google News

Sàn giao dịch tiền ảo là một hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng dưới dạng đầu tư tài chính đã được cảnh báo, thế nhưng vì ham lãi suất cao, không ít người đã và đang bỏ tiền thật để đầu tư rồi lĩnh “trái đắng”.

Thực trạng này cho thấy nhu cầu “làm giàu cấp bách” của nhiều người rất dễ bị lợi dụng bởi các tổ chức, cá nhân tạo ra các mô hình đầu tư tài chính nghe có vẻ rất mới mẻ, dễ ăn với mục đích lừa đảo.
Có khi nào các nhà đầu tư tự đặt câu hỏi rằng tại sao mình lại may mắn được truyền bá cho các phương thức làm giàu hiện đại, nhàn hạ với số tiền đầu tư rất thấp nhưng lại nhận được lãi khủng?
“Mê hồn trận” tiền ảo đa cấp
Những ngày qua, vụ việc “vỡ” đường dây huy động đầu tư tiền ảo Ifan theo mô hình đa cấp gây thiệt hại cực lớn tại TP Hồ Chí Minh khiến dư luận xôn xao. Đường dây tiền ảo đa cấp này chỉ lộ diện khi có hàng chục người kéo đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) bao vây trụ sở công ty CP Modern Tech, căng băng rôn tố cáo hành vi lừa đảo.
Mặc dù không hiểu biết về 2 đồng tiền Ifan và Pincoin nhưng trước mức lãi suất khủng mà các đối tượng đưa ra, các nhà đầu tư đã bỏ tiền thật ra mua các đồng tiền ảo đang thịnh hành hiện nay như Bitcoin, Ethereum..., sau đó tiếp tục dùng các loại tiền ảo này mua lại tiền ảo Ifan bằng tài khoản được cấp riêng trên hệ thống của Ifan. Từ đó, nhà đầu tư có thể giao dịch trao đổi mua bán với nhau trên sàn nội bộ. Chỉ trong một thời gian ngắn, lượng tiền mặt mà các nhà đầu tư đổ vào để mua tiền ảo và đến nay có nguy cơ mất trắng là 15.000 tỷ đồng.
Trước vụ việc trên, ngày 11-4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các Bộ Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an và Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương, xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Được biết hiện Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc theo tố cáo của người bị hại.
Một buổi thuyết giảng của nhân viên về tiền ảo iFan. 
Còn tại địa bàn Hà Nội, qua làm việc với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, được biết trong thời gian qua, Công an Hà Nội đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo thông qua hình thức đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch tiền ảo có tên miền nước ngoài. Các đối tượng giới thiệu đó là đồng tiền hiện đại, có nguồn gốc ở nước ngoài, có khả năng sinh lời cao gấp hàng chục lần trong thời gian ngắn và người chơi sẽ được hưởng thêm phần trăm hoa hồng khi giới thiệu được thêm người tham gia.
Hình thức lôi kéo người tham gia đầu tư vào tiền ảo của các đối tượng giống hệt các vụ lừa đảo kinh doanh đa cấp khác đã xảy ra, từng bước dẫn dụ nhà đầu tư vào “mê hồn trận” bằng bẫy lãi suất cao gấp hàng chục lần so với lãi suất ngân hàng.
Theo trình báo của bà Nguyễn Thị H. (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), thông qua người quen, cuối năm 2017, bà được dẫn tới một công ty có trụ sở ở một tòa cao ốc thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) để tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Tại đây, bà H. được đưa vào phòng hội trường gặp dàn lãnh đạo công ty, những người đàn ông ăn vận comple lịch sự, bóng bẩy.
Ngoài bà H., có một số người khác cũng được nhân viên của công ty đưa vào để cùng nghe lãnh đạo giới thiệu về hoạt động của công ty. Bà H. và mọi người bị choáng ngợp khi vị chủ tịch hội đồng quản trị giới thiệu cả tòa nhà cao trên 30 tầng này là một phần tài sản của công ty, một trong những đơn vị tiên phong trong thời đại công nghệ 4.0. Công ty chuẩn bị ra mắt dự án thương mại điện tử cực lớn, tương đương các tập đoàn Alibaba và Amazon nổi tiếng trên thế giới về bán hàng trực tuyến.
Đây cũng là dự án “khởi nghiệp quốc gia” của Việt Nam nhằm mục đích tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo, người không có công ăn việc làm. Để tham gia dự án “khởi nghiệp” tầm cỡ này, mỗi người chỉ cần đóng 500.000 đồng để trở thành thành viên được kết nối cộng đồng. Quyền lợi của thành viên là được mua hàng trên hệ thống với giá chiết khấu và bán hàng với trên 30.000 mặt hàng đã được công ty kết nối với hàng nghìn doanh nghiệp.
Về phía công ty đã sẵn sàng chuẩn bị cả 5 tầng dịch vụ của tòa nhà để phục vụ việc tiếp đón, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm bán hàng online cho các thành viên. Công ty dành hẳn một sàn của tòa nhà, trang bị hàng nghìn máy tính để các thành viên học tập và thực hành cách bán hàng “công nghệ 4.0” này. Sau khi đã thành thạo, thành viên chỉ cần ngồi nhà bán hàng trên mạng...
Viễn cảnh khởi nghiệp “bán hàng online” trên khiến người nghe gật gù tâm đắc vì thời gian qua, việc kinh doanh trên mạng xã hội, nhất là Facebook đang nở rộ. Không ít cá nhân giàu lên từ kinh doanh online. Do đó, bà H. không ngại ngần đóng ngay 500.000 đồng lệ phí để trở thành thành viên của công ty. Đóng tiền xong, nhân viên công ty tiếp tục dẫn bà H. sang một căn phòng khác.
Tại đây, bà H. được một vị lãnh đạo công ty tự giới thiệu “vừa từ Mỹ về” chia sẻ dự án về đồng tiền ảo có tên C.coin. Người này cho biết đây là đồng tiền có nguồn gốc từ Mỹ, được đưa về thanh khoản trong công ty. Bà H. như lạc vào mê hồn trận trước thuyết trình của vị lãnh đạo này.
Ông ta khoe công ty tại Việt Nam thuộc tập đoàn chuyên kinh doanh xây dựng, bất động sản, cổ phiếu, chứng khoán và bây giờ thêm thương mại điện tử, hiện cổ phiếu của tập đoàn đã lên sàn chứng khoán của Mỹ. Do đó, đồng C.coin trong thời gian tới sẽ tăng giá với tốc độ “phi mã” không kém gì đồng Bitcoin đã “làm mưa làm gió” trên thị trường thế giới. Và đây chính là thời điểm tốt nhất để các nhà đầu tư tham gia mua C.coin khi giá thành còn đang thấp.
Thấy bà H. còn chần chừ vì lý do “chưa có tiền đầu tư vì có căn nhà chưa bán được”, lập tức các nhân viên của công ty hối thúc rằng nếu bà không quyết định nhanh sẽ mất cơ hội làm ăn. Thế rồi, theo bà H., từ đó trở đi bà hành động “như ma làm”, về bán nhà, vay mượn thêm tiền được 4 tỷ đồng đưa cho các nhân viên của công ty này để mua đồng C.coin và được họ lập cho một tài khoản “ví điện tử”.
Để mang lại bất ngờ cho gia đình, bà H. không cho ai biết việc đầu tư tiền ảo này. Cho đến khi chồng con bà H. biết chuyện và phân tích về sự rủi ro của đồng tiền ảo, bà H. như người tỉnh khỏi cơn mê, hốt hoảng làm đơn trình báo Cơ quan công an.
Cảnh giác trước các mô hình đầu tư “tiên tiến”
Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội cho biết, tổng hợp các đơn trình báo cho thấy điểm chung là các nhà đầu tư bị các đối tượng môi giới khéo léo dẫn dụ tham gia vào kế hoạch đầu tư tài chính rất dễ dàng nhưng lợi nhuận lại vô cùng béo bở. Đó là dự án đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số, được quảng cáo là xu thế đầu tư hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay.
Các đối tượng đã mang sự thành công của đồng tiền Bitcoin để làm ví dụ để kêu gọi nhà đầu tư bỏ tiền vào một loại tiền ảo mới với quảng cáo sẽ trở thành một Bitcoin thứ 2, có giá trị lên đến cả ngàn USD cho mỗi đồng. Phần lớn nhà đầu tư đều không am hiểu nhiều về thị trường tài chính, kiến thức kinh tế hạn chế nên khi bị các đối tượng liên tục đề cập tới vấn đề lợi nhuận cao gấp hàng chục lần so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, cộng với hoa hồng khi giới thiệu thêm người chơi, lòng tham đã khiến họ mờ mắt.
Đặc biệt, để kéo dài thời gian lôi kéo được nhiều người tham gia, các đối tượng đưa ra các điều khoản như trả lãi, trả thưởng hoa hồng bằng tiền ảo để người chơi không lấy được tiền mặt, buộc phải dùng tiền ảo đó tiếp tục đầu tư. Sau một thời gian hoạt động, các website đó tự nhiên bị đánh sập và người chơi coi như mất tiền. Khi họ tìm đến các đối tượng môi giới thì được trả lời họ cũng là bị hại do cũng bỏ tiền đầu tư vào tiền ảo.
Đại úy Nguyễn Phan Hoàn, Đội trưởng Đội 6 của Phòng phân tích, các sàn giao dịch và đồng tiền ảo này thực chất do các đối tượng tự “phát hành”, tự định giá. Khi tiến hành xác minh, các trang web này đều có nguồn gốc từ nước ngoài, không nằm trong hệ thống quản lý tên miền của Việt Nam nên không thể xác định được máy chủ và đối tượng quản lý trang web.
Mặt khác, phương thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi. Chúng yêu cầu người chơi dùng tiền mặt mua một loại đồng tiền kỹ thuật số (có giá trị giao dịch ở một số nước trên thế giới), sau đó dùng đồng tiền này đổi tiếp thành đồng tiền ảo trên sàn giao dịch nên rất khó để chứng minh thiệt hại. Ngoài ra, việc giao dịch từ tiền mặt sang tiền ảo chủ yếu bằng hình thức trao tay tại địa điểm là các quán cà phê. Sau khi chuyển tiền mặt thì nhà đầu tư nhận lại bằng ví tiền điện tử.
Việc giao dịch này không hề có giấy biên nhận. Nếu là chuyển khoản, các đối tượng yêu cầu nhà đầu tư không ghi nội dung cụ thể trong giao dịch mà chỉ ghi chung chung như “A chuyển tiền cho B”. Do đó khi sao kê thì đây cũng chỉ là giao dịch dân sự... Chính vì vậy, việc điều tra của Cơ quan công an hết sức khó khăn.
Cũng theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, lừa đảo đầu tư tài chính tại Việt Nam thời gian qua thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng. Các đối tượng thiết lập một hệ thống ăn chia hoa hồng trên “con mồi”, tức là các cá nhân bị dẫn dụ vào con đường làm giàu với các hình thức đầu tư tiên tiến đội lốt, nhưng bản chất vẫn là dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Các sản phẩm được dùng để trao đổi trong mạng lưới là những thứ mang tính thời thượng, như các đồng tiền điện tử dựa vào sự thành công của đồng tiền Bitcoin đã được một số nước trên thế giới chấp nhận trong thanh toán. Trong khi thực tế, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Cũng theo đánh giá của Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phần lớn các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, thậm chí nhiều người còn “mù tịt” về công nghệ thông tin nên rất dễ bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ, quảng bá về các mô hình đầu tư “tiên tiến”, các cơ hội làm giàu nhanh chóng. Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật là thực tế đã xảy ra.
Do đó, Cơ quan công an khuyến cáo người dân trước bất cứ lời mời chào đầu tư hấp dẫn nào, cần tỉnh táo để tìm hiểu bằng cách tra cứu thông tin hoặc hỏi các nhà tư vấn kinh tế có kinh nghiệm trước khi bỏ tiền đầu tư. Thiệt hại cuối cùng vẫn là những người không có kiến thức bị lôi kéo vào hệ thống.
Theo Hương Vũ/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)