"Nếu có mục tiêu đủ lớn như mua nhà và cấp bách là vì con đã lớn, cần không gian sống thoải mái hơn, thì cần có một kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cụ thể để đạt được nó” - chị Vân Phạm (27 tuổi, Bắc Ninh) chia sẻ về động cơ mua nhà của mình.
Từng sống cùng bố mẹ chồng với không gian riêng 35m2
Sau khi kết hôn thì vợ chồng của Vân Phạm chuyển về sống cùng bố mẹ vì cả hai đều chưa có nhà riêng. Căn nhà Hà Nội của nhà chồng cô có 2 tầng, đủ để 4 người lớn sống và sinh hoạt thoải mái. Riêng vợ chồng Vân Phạm được dành nguyên tầng 2 với diện tích 35m2, bao gồm 1 phòng ngủ, 1 vệ sinh riêng và khoảng không ban công nhỏ: "Cuộc sống cũng khá hài hòa và được bố mẹ giúp đỡ nhiều nên tụi mình tạm thời chưa có kế hoạch ở riêng. Một phần vì khả năng tài chính hiện tại chưa đủ, phần còn lại là tụi mình cũng sợ dính nợ nần. Nếu phải loay hoay với nợ, thì tạm thời mình không muốn ở riêng".
Thời gian đó, vì chưa có mục tiêu rõ ràng nên vợ chồng Vân Phạm cũng không đặt việc tích lũy tài chính lên hàng đầu. Với mức thu nhập trung bình hàng tháng tương đối ổn định, cặp đôi cũng thoải mái trong chi tiêu. Đi du lịch 2-3 lần/năm, mua sắm, ăn uống đều đặn mỗi tháng... sống hưởng thụ trong thế giới riêng giống bao cặp vợ chồng trẻ khác.
Nhu cầu nhà cửa của vợ chồng trẻ thay đổi sau khi có con (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm rưỡi kết hôn thì vợ chồng Vân có bé đầu tiên. Lúc này cũng chưa gặp nhiều bất cập trong việc nhà cửa. Nhưng đến khi có bé thứ hai thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Khoảng không gian 35m2 từng rộng rãi với hai người nay lại chật chội đến khó tin. Còn phải kê thêm giường riêng để cô con gái đầu có chỗ để ngủ. Không chỉ vợ chồng cô mà các bé cũng bắt đầu cảm thấy khó chịu với khoảng không gian này.
"Đến khi con gái nói rằng: Mẹ ơi sao nhà mình nhỏ thế? Quả thực đã khiến tụi mình phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề cải thiện môi trường sống cho con. Để con được phát triển tốt nhất, mình quyết định bàn với chồng về việc mua nhà". Và chuyện gì đến cũng phải đến, không thể trốn tránh nợ nần được nữa nên vợ chồng Vân Phạm quyết định vay tiền tỷ để mua nhà.
Lần đầu tiên sống với khoản nợ lớn, vợ chồng trẻ xoay xở ra sao?
Đây có lẽ là lần đầu Vân Phạm cảm thấy "áp lực đến mất ngủ vì tiền". Chưa từng đối mặt với việc cơm áo gạo tiền phải căn ke từng đồng nên thời gian đầu sau khi vay nợ khiến vợ chồng trẻ gặp khủng hoảng: "Tụi mình mua lại căn chung cư cũ ở khu vực Hà Đông với giá 1,4 tỷ đồng cho 3 phòng ngủ, 1 khách và 1 bếp. Khi mua nhà, dù nhận được sự giúp đỡ từ gia đình hai bên và khoản tích lũy nhỏ, tụi mình vẫn phải vay nợ ngân hàng gần 1 tỷ để chốt được căn chung cư này.
Căn nhà tuy không lớn nhưng hai bé nhà chị Vân cũng đã có không gian riêng của mình.
Mái ấm riêng đầu tiên, có vui sướng nhưng cũng tràn ngập nỗi lo lắng về vấn đề tài chính. Phải đối mặt với khoản nợ lớn trong khi nguồn thu nhập chính chỉ từ lương, nên mình mất ngủ trong mấy tháng liền. Lúc đó mình luôn lo sợ: Nếu chẳng may thất nghiệp thì mình sẽ phải trả nợ thế nào? Làm sao để sống nếu lỡ có chuyện gì bất chợt ập đến và cần tiền để giải quyết thì lấy đâu ra?".
Vân Phạm cho biết cô nàng trở nên keo kiệt hơn bao giờ hết vì cần phương án dự phòng cho những trường hợp xấu xảy ra. "Sống với nợ mới hiểu hết được tiền quan trọng ra sao. Mình dần cắt bớt những khoản tiêu xài cho bản thân. Học cách tiết kiệm những thứ nhỏ nhất trong nhà: Từ cách chế biến nguyên vật liệu nấu ăn như bảo quản rau và các loại thực phẩm, mua một lần nhưng ăn được khá lâu. Thói quen ăn sang cũng chuyển sang ăn đủ, ăn no. Mặc đẹp cũng không còn là nhu cầu nữa, chỉ cần chỉn chu gọn gàng. Mình dần chấp nhận và thỏa hiệp với món nợ lớn này".
Và khoản tiền cực kỳ quan trọng mà gia đình Vân bắt đầu tích lũy đều đặn - dự phòng rủi ro: "Sau khi tính toán mỗi tháng cần trả nợ bao nhiêu, tụi mình đặt ra thêm một con số là 15% tổng thu nhập cho dự phòng. Đây sẽ là khoản tiền được sử dụng nếu chẳng may nguồn thu bỗng nhiên bế tắc".
Theo ý chồng của Vân, ngoài chi tiêu bắt buộc hàng tháng, thì nên để ra một số tiền gọi là margin (ký quỹ), khoảng 5-10% trong tổng tiền dự phòng. Nếu tiền tiêu vượt qua chi tiêu hàng tháng + margin này thì xem xét và điều chỉnh lại cho hợp lý, nếu không thì coi như ổn. Đừng quá đặt nặng tiểu tiết và quá sức tiết kiệm: "Quan điểm của chồng mình là xởi lởi trời cho, ki bo trời buộc nên anh có những tính toán để vợ con không phải quá chịu khổ. Chồng cũng dạy mình cách nhìn nhận toàn cục vấn đề chứ đừng quá chi li tiểu tiết mà khổ. Tụi mình học cách đầu tư thêm và nâng cao thu nhập chứ không chỉ tập trung vào tiết kiệm như trước.
Vì hiểu và tôn trọng nhau nên cả hai vợ chồng mình dần bớt đi áp lực về tài chính. Tụi mình cũng dần quen việc trích ra 30% tổng thu nhập mỗi tháng để trả nợ. Còn lại thì cân đối chi tiêu, dự phòng và các khoản đầu tư liên quan đến con cái, sự nghiệp cũng như bảo hiểm. Và điều mình cảm thấy may mắn nhất là chồng mình luôn có chí hướng để làm giàu, đầu tư, kiếm tiền để vợ con bớt khổ".
Trải qua khoảng gần 3 năm trả nợ mua nhà, hiện tại vợ chồng Vân đã quen với cuộc sống có khoản nợ nhỏ hàng tháng và mái ấm riêng chắn mọi giông bão sau cánh cửa của mình!