Mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (nguyên đơn, SN 1973, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bị đơn, SN 1971, chồng cũ bà Thảo, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Trước đó, thông tin về ông “vua cà phê” và vợ cũ tranh chấp quyền kiểm soát trong kinh doanh của công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, trụ sở chính tại TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, làm xôn xao dư luận bởi Trung Nguyên là một thương hiệu lớn và “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ cũng như vợ ông đều là những doanh nhân lớn.
Dư luận cũng quan tâm, tương lai thương hiệu cà phê Trung Nguyên sẽ thuộc về tay ai và sẽ như thế nào, khi mà cặp đôi quyền lực quan trọng trong công ty cũng từng là vợ chồng "đứt gánh" giữa đường?
|
Lần xuất hiện hiếm hoi của cặp đôi "cà phê Trung Nguyên" tại một sự kiện. Ảnh: Vietnamnet. |
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, tại huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Năm 1990, ông thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên. Học đến năm thứ ba, đột nhiên ông Vũ bỏ học, xuống Sài Gòn lập nghiệp.
Năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ cùng hai người bạn lập nên "Hãng cà phê Trung Nguyên". Năm 1998, Hãng cà phê Trung Nguyên lần đầu tiên mở quán cà phê ở Sài Gòn, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu. Các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên bắt đầu xuất hiện.
Với mô hình kinh doanh thành công này, từ năm 2000, thương hiệu Trung Nguyên và cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ được nhiều người biết đến. Năm 2003, cà phê hòa tan G7 chính thức có mặt trên thị trường. Năm 2005, Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Năm 2010, sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu. Ông Vũ được vinh danh là “Vua Cà phê Việt”.
Tuy nhiên, trái ngược với người chồng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại là một người rất kín tiếng, cả trong hoạt động kinh doanh lẫn đời sống riêng. Cho đến nay, không nhiều người biết bà Thảo là ai và thân thế như thế nào.
Từ trước đến nay, cứ nhắc đến thương hiệu cà phê Trung Nguyên, người ta nhớ ngay đến Đặng Lê Nguyên Vũ, một ông chủ hào hoa cá tính với một tuổi thơ lam lũ bươn chải vươn lên thành người giàu có và nổi tiếng tầm…thế giới. Nhưng sự thực, không hẳn như vậy. Theo báo Tuổi trẻ thủ đô, nhiều nguồn tin khẳng định, người đứng sau và thật sự điều hành Trung Nguyên chính là bà Thảo.
Mời quý vị độc giả xem video "Những thông tin đáng khâm phục của cà phê Trung Nguyên". Nguồn: Youtube:
Giữa tháng 11/2015, Tập đoàn Trung Nguyên bất ngờ thông báo ngưng cung cấp sản phẩm cà phê hòa tan G7 vì lý do máy móc. Dư luận bắt đầu nghi ngờ nguyên nhân sâu xa có thể xuất phát từ rạn nứt nội bộ giữa cặp đôi quyền lực Nguyên Vũ - Diệp Thảo.
Báo VietnamNet thông tin, tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, trình bày rằng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc (TGĐ) Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên từ năm 2007 sau bảy lần thay đổi giấy phép.
Tháng 10/2015, ông Vũ đã có văn bản triệu tập cuộc họp HĐQT để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của bà và thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp này. sau đó ông Vũ vẫn tổ chức nhiều cuộc họp vắng mặt bà, trong đó có cuộc họp ngày 2/11/2015.
Tại cuộc họp này, ông Vũ đã họp nhóm hai thành viên là ông Vũ và mẹ ông, lập biên bản và ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên, bầu ông Vũ làm chủ tịch HĐQT, bổ nhiệm ông Vũ làm TGĐ và thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty từ bà Thảo sang ông Vũ. Đồng thời, ông Vũ đã thực hiện đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương và được cấp giấy chứng nhận thay đổi lần thứ tám.
Bà Thảo cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm ông Vũ không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty nên khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương hủy bỏ.
Đồng thời, bà yêu cầu tòa buộc ông Vũ phải công khai xin lỗi việc ra thông báo bãi nhiệm bà khỏi các chức vụ trên, gửi thông báo đến các cơ quan, ban ngành, đối tác về việc thu hồi quyết định.
Ngoài ra, ông Vũ phải có các văn bản chứng minh vốn điều lệ của ông đã góp vào công ty. Cạnh đó, bà Thảo còn yêu cầu đưa công ty vào tham gia tố tụng vì việc thay đổi người đại diện theo pháp luật đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty.
Theo thông tin Vietnamnet dẫn nguồn từ TTVN, đến ngày 21/4/2016 Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên đã thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Tất nhiên 2 nhà máy cà phê hòa tan cũng sẽ không còn do bà Thảo nắm giữ quyền điều hành.
Có lẽ không hài lòng với quyết định này của cơ quan quản lý kinh doanh tỉnh Bình Dương, ngày 23/5/2016, bà Thảo đã có đơn khiếu nại gửi chủ tịch UBND tỉnh này với nội dung: “Đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên ngày 21/4/2016 (thay đổi lần thứ 8) về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ chờ kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đó, cũng theo thông tin đăng tải trên tờ báo này, ông Vũ quyết tâm đưa vợ mình vào “hậu trường” và việc chuyển luôn quyền quản lý Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê sang tên mình. Công ty này đang sở hữu những địa điểm du lịch khá nổi tiếng như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long, khu du lịch thác Draynur…
Mặt khác, thông tin đăng tải trên Đời Sống Pháp Luật cho hay, đến ngày 13/7, bà Thảo đã được như ý nguyện khi Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng khôi phục giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 7 ngày 28/11/2013 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên với người đại diện pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Căn cứ ra quyết định này là từ Công văn số 426/CV-TANDCC ngày 13/5/2016 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TPHCM.
Bên cạnh đó, theo thông tin trên Tri thức trực tuyến, bà Thảo hiện giữ quyền kiểm soát mảng hòa tan Trung Nguyên và Trung Nguyên International. Ông Vũ vẫn nắm quyền kiểm soát tại tập đoàn Trung Nguyên. Nhiều người cho rằng, bà Thảo giữ quyền kiểm soát có khi lại là điều tốt để G7 phát triển hơn.