Cụ thể, chiều 31/8 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với sự tham gia của ông Đồng Quang Trung - Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) - Mã chứng khoán VNM.
Theo đó, ông Trung cho biết trong quý III, Vinamilk sẽ đưa bao bì mới cho dòng sản phẩm sữa tươi đến tất cả các đơn vị phân phối bao gồm kênh hiện đại và kênh truyền thống. Sang quý IV, Vinamilk sẽ đưa bao bì với bộ nhận diện thương hiệu mới cho dòng sản phẩm sữa chua và năm 2024 thay đổi bao bì cho các ngành hàng còn lại.
|
Vinamilk ra mắt bộ nhận diện mới từ tháng 7/2023. (Ảnh minh họa)
|
Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư củaVinamilk kỳ vọng việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sẽ có tác động tích cực vào kết quả kinh doanh của công ty trong nửa cuối năm nay và biên lợi nhuận 6 tháng cuối năm có thể cao hơn cùng kỳ nhờ diễn biến thuận lợi của giá nguyên vật liệu.
Ông Trung nhận định, nửa cuối năm 2023 nếu tình hình vĩ mô tốt lên cộng hưởng với yếu tố giá đầu vào giảm sẽ là cơ hội tốt cho Vinamilk, nhất là khi năm 2022 là đáy lợi nhuận của Vinamilk thì giai đoạn khó khăn nhất này đã đi qua.
Liên quan tới định hướng đẩy mạnh xuất khẩu, ông Trung cho biết hiện Vinamilk xuất chủ yếu qua thị trường Trung Đông - đây là các nước đang phát triển nên nhu cầu sử dụng sữa sẽ biến thiên theo tình hình kinh tế.
Theo báo cáo sơ bộ tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2023, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu quý II/2023 đạt 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.220 tỷ đồng.
Kết quả này tăng trưởng lần lượt 1,6% và 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tăng 8,9% và 16,5% so với quý I/2023. Như vậy, lợi nhuận của Vinamilk đã tăng liên tiếp 2 quý sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình kinh tế vĩ mô thế giới.
Lũy kế 6 tháng, ước tính doanh thu của VNM đạt gần 29.200 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng. So với mục tiêu đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinamilk thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu và gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
|
Lợi nhuận của Vinamilk đã tăng liên tiếp 2 quý sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 |
Theo chia sẻ của ông Trung, Vinamilk đang duy trì chính sách hàng tồn kho là 3 tháng, để đảm bảo cho dù có bất kỳ tình huống nào xảy ra thì doanh nghiệp vẫn có đủ nguyên liệu phục vụ người tiêu dùng.
Chính sách chốt giá cho nhiều loại nguyên vật liệu cũng có sự khác nhau. Trong nước, Vinamilk sẽ chốt được thời gian lâu hơn do doanh nghiệp có hệ thống trang trại và các hợp đồng mua độc quyền với các nông hộ.
Chính sách chốt giá nguyên vật liệu ở nước ngoài của Vinamilk sẽ linh động hơn. Nếu giá có xu hướng tăng, Vinamilk có thể chốt với thời gian dài hơn và ngược lại.
Với xu hướng hiện tại, đại diện Vinamilk đánh giá các nguyên vật liệu chính có tỷ trọng lớn đang điều chỉnh mạnh hơn so với nguyên vật liệu có tỷ trọng nhỏ. Do đó, vấn đề này có thể tác động tích cực lên biên lợi nhuận gộp và biên lãi ròng của công ty trong thời gian tới.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa trải nghiệm cho người dùng và tạo đà bứt phá trong tương lai.
Tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược 5 năm tới của hãng, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị,... với mục tiêu tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Theo bà Liên, một thương hiệu muốn tồn tại 100 hay 200 năm luôn phải thay đổi với điều kiện thực tế. Trong suốt 47 năm hình thành và phát triển, Vinamilk cũng đã thay đổi nhiều lần và lần thay đổi này không phải là ngoại lệ.