Sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại Việt Nam, nhiều quốc gia siết chặt hơn với hành khách khi nhập cảnh.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ ngày 20/2, tất cả du khách xuất cảnh từ Việt Nam khi nhập cảnh Đài Loan (Trung Quốc), nếu bị phát hiện mang theo các chế phẩm từ thịt lợn sẽ bị phạt hành chính lần đầu là 200.000 đài tệ (tương đương 6.500 USD). Hành khách vi phạm lần hai sẽ bị nâng mức phạt lên một triệu đài tệ (tương đương 33.000 USD). Trong trường hợp không nộp đủ tiền phạt, hành khách sẽ bị cơ quan di trú Đài Loan từ chối nhập cảnh.
Không chỉ Đài Loan, nhiều nước khác cũng siết chặt quy định về thực phẩm của hành khách Việt khi nhập cảnh qua quốc gia của họ.
|
Dịch tả lợn châu Phi đang gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Nông Nghiệp. |
Mới đây, Vietnam Airlines cũng khuyến cáo hành khách tuân thủ quy định mang thực phẩm khi nhập cảnh các nước.
Cụ thể, hành khách khi nhập cảnh vào Nhật Bản mang thực phẩm tươi sống, thực phẩm qua chế biến, rau củ quả phải tuân thủ các thủ tục về kiểm dịch. Nếu không có giấy chứng nhận sẽ chịu phạt tối đa 3 năm tù hoặc số tiền lên đến 1 triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 200 triệu đồng).
Trong khi đó, tại Australia hành khách phải hoàn thành Phiếu hành khách nhập cảnh để khai báo hàng hóa có nguy cơ rủi ro bao gồm: các thực phẩm, nguyên liệu thực vật và các sản phẩm từ động vật, dù là một lượng nhỏ đồ ăn nhẹ hay các nguyên liệu để nấu ăn. Nếu không kê khai hoặc kê khai sai phiếu trên, hành khách sẽ có thể bị bắt giam và chịu khoản phạt dân sự lên tới 420.000 AUD (tương đương khoảng 7 tỷ đồng).
Theo các công ty du lịch, hành khách khi vào Mỹ đều phải khai báo tất cả thực phẩm mang theo vào tờ khai được cấp trên máy bay, trước khi đáp xuống Mỹ. Nếu hành khách không khai báo đủ thông tin về thực phẩm mang theo, khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu và phạt từ 300 USD trở lên, có thể từ chối cấp visa cho lần xin tiếp theo hoặc nghiêm trọng hơn là bị tạm giữ để điều tra.
Tất cả loại thịt từ động vật trên bờ như heo, bò, gà... cùng thành phẩm được chế biến từ thịt như ruốc, bò khô, xúc xích, giò lụa, thịt hộp... đều nằm trong danh sách cấm.
Một số thực phẩm làm sẵn có thịt và trái cây hoàn toàn không được mang vào Mỹ, dưới bất cứ hình thức nào.
Trước đó, ngày 27/2, tại sân bay quốc tế ở Đài Loan, một nữ du khách Việt đã bị từ chối nhập cảnh khi bị phát hiện định mang theo chế phẩm từ thịt lợn. Khách này bị phạt tới 200.000 Đài tệ (150 triệu đồng) nhưng không có tiền để nộp phạt.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
1. Lợn bị nhiễm tả heo châu Phi sẽ bị sốt cao (41 - 42 độ C), biểu hiện bằng việc mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi).
2. Lợn bệnh sẽ có dịch chảy ra từ mắt hoặc mũi. Lợn thường xuyên khó thở, chảy dãi lẫn máu, chảy máu mũi; kêu đau liên tục, nôn mửa. Một số con bị táo bón hoặc tiêu chảy ra máu. Đa số lợn nái trong thời gian mang bầu sẽ sảy thai.
3. Những con lợn da bị ửng đỏ có thể chuyển sang màu xanh tím khi bệnh nặng, đồng thời xuất huyết dưới da. Lợn có thể rơi vào hôn mê do sốc xuất huyết hoặc tràn dịch phổi sau 7 ngày xuất hiện các triệu chứng của dịch tả lợn châu Phi.
4. Những con lợn chết trong thời gian đầu thường trông khỏe mạnh không khác gì lợn thường. Nhưng vẫn có các vùng đỏ hoặc tím xanh ở các chi, bụng và ngực.
5. Dịch ở khoang ngực và ổ bụng lợn bệnh nhiều, có thể dính lẫn máu. Xuất huyết toàn bộ nội tạng và bề mặt cơ thể. Máu tràn ra từ nội tạng và xác lợn.
6. Lá lách phình to, hạch bạch huyết to, chứa máu nên có thể trông giống cục máu đông.
7. Phổi không xẹp xuống sau khi ngực bị mổ ra. Phổi nặng và sáng, có nhiều cục nhỏ giữa các thùy và có dịch kèm bọt khí rỉ ra khi cắt. Khí quản thường chứa đầy bọt, và có thể dính máu.
8. Thận bị xuất huyết. Bên trong niêm mạc dạ dày cũng có máu và đôi khi bị loét. Ruột cũng bị tắc và có thể chứa máu.
9 . Với con lợn da trắng, các chi có thể chuyển sang màu xanh tím, xuất huyết trên tai và bụng. Chúng run rẩy, thở bất thường, đôi khi ho, đứng không vững. Trong vòng vài ngày sau khi nhiễm trùng, lợn bị hôn mê, sau đó chết.
10. Lợn nái mang thai khi nhiễm bệnh sẽ bị sảy thai. Lợn nhiễm trùng nhẹ hơn thì bị giảm cân, có các dấu hiệu viêm phổi, loét da và sưng khớp.