Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến hết ngày 28/2, đã có 6 địa phương là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Nội xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Tại Hà Nội, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy (Long Biên).
|
Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp các tỉnh, thành phố. |
Theo đó, từ ngày 22-27/02/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, Phường Ngọc Thuỵ, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lấy mẫu lợn của các hộ xung quanh xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Đến nay, không có phát sinh lợn bệnh tại địa phương này.
Trước tình trạng bệnh ASF có dấu hiệu lây lan rộng, Bộ NN&PTNT đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác khống chế để dịch bệnh; lập các chốt kiểm dịch tạm thời để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và sản phẩm từ lợn ra vào các địa bàn cấp tỉnh; bố trí lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; chỉ đạo công bố dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định...
Các tỉnh, thành phố chưa có bệnh ASF tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc sau khi diễn ra các buổi họp chợ, nơi giết mổ và buôn bán lợn, thịt lợn...
Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Thú y, Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tất cả 63 tỉnh, thành phố tổ chức trực tiếp nhận, xét nghiệm mẫu 24/24; chỉ đạo Cục Thú y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, không thu phí đối với bệnh ASF.
Theo nghiên cứu của Tổ chức dịch tễ thế giới (OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3 - 15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày. Loại virus này lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt heo nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Virus gây ra bệnh ASF có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Cũng theo OIE, "siêu" virus này có khả năng kháng khuẩn và khử trùng. Nó tồn tại trong thời gian 2 - 4 tháng trong một cơ sở bị nhiễm bệnh và 5-6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh. Virus này có thể sống sót trong xúc xích hun khói hoặc một phần xúc xích và các sản phẩm thịt heo khác. Tuy nhiên nó có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút.
Không giống như cúm lợn, lợn tai xanh, ASF không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người, nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.