Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật đến ngày 10/10/2024.
Đáng chú ý, danh sách lần này có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB), với việc mua vào hơn 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51% vốn. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank.
Theo thông tin được công bố ngày 13/8, Eximbank chỉ ghi nhận 3 cổ đông sở hữu trên 1% vốn, gồm CTCP Chứng khoán VIX, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Lê Thị Mai Loan.
Ngày 13/10, Eximbank còn đón nhận thêm cổ đông chiến lược Gelex (GEX) với tỷ lệ nắm giữ 10% vốn.
Việc Vietcombank gom mua gần 79 triệu cổ phiếu EIB đã gây bất ngờ trên thị trường. Giá mua không được tiết lộ. Tạm tính theo giá cổ phiếu hiện tại, số lượng cổ phiếu này có giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
|
Nguồn: Eximbank |
Eximbank hiện đang đối mặt với nhiều lùm xùm gần đây. Vài ngày trước, xuất hiện thông tin về một “Đơn kiến nghị” của Ban Kiểm soát liên quan đến rủi ro nợ xấu và các khoản cho vay đối với khách hàng không đủ điều kiện. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau tin đồn, Eximbank đã khẳng định văn bản này không phải của Ban Kiểm soát, và ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, ổn định và hiệu quả.
Với tin đồn trên, vào phiên giao dịch ngày 14/10, cổ phiếu EIB xuất hiện giao dịch đột biến với 57 triệu đơn vị thỏa thuận và 42,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Trước đó, cổ phiếu EIB đã ghi nhận nhiều phiên giao dịch với thanh khoản đột biến, cho thấy sự chú ý đặc biệt của nhà đầu tư đối với hoạt động của ngân hàng này trong bối cảnh thị trường hiện tại.
Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank ghi nhận hơn 1.474 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng cho cả năm 2024, Eximbank mới thực hiện được 28% mục tiêu sau nửa năm.
Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Eximbank tăng 5% so với đầu năm, lên 211.999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 38% đạt 5.599 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm 27% đạt 31.542 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 8% đạt 151.327 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 30/06/2024 là 4.002 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ dịch chuyển sang nợ có khả năng mất vốn. Nhưng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,64%.