Mới đây, xuất hiện tin đồn một người đào trúng kỳ nam ở rừng Đèo Cả (Phú Yên) bán được 10 tỷ đồng. Theo đó, cả trăm thanh niên trai tráng đã vác cuốc lên núi tìm cơ hội đổi đời.
Tuy nhiên, thông tin tới VTC News, lãnh đạo Công an thị xã Đông Hòa cho biết: “Qua điều tra, xác minh ban đầu, thông tin có người đào được kỳ nam giá 10 tỷ đồng là tin đồn thất thiệt.
|
Kỳ nam được cho có giá tới hàng tỷ đồng. Ảnh: Tramhuonghg |
Theo một vài ghi chép cũng như dân gian truyền miệng, kỳ nam là một loại gỗ có nguồn gốc từ cây dó bầu, chứa một lượng lớn chất nhựa có mùi thơm. Cây này thường mọc trong những cánh rừng lâu năm như Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Các yếu tố quyết định giá kỳ nam bao gồm lượng dầu có trong gỗ, khả năng chìm nổi của khối gỗ và kích thước của nó. Nhiều người cho rằng kỳ nam có giá trị hàng tỷ đồng/kg.
Trầm hương và kỳ nam đều được hình thành từ lõi của cây dó bầu. Tuy nhiên chúng hoàn toàn khác nhau, kỳ nam thường có giá đắt gấp 10-20 lần so với trầm hương. Kỳ nam được tạo thành từ sự biến đổi hoàn toàn các phân tử gỗ, do đó nó thường có màu nâu đậm hoặc đen, gỗ mềm gần giống như sáp ong nhưng khó nhận thấy thớ gỗ, dễ chìm trong nước. Kỳ nam có mùi thơm ngào ngạt, dù gói kín nhiều lớp thì vẫn không giấu được mùi thơm.
Một gốc cây dó bầu có thể cho vài chục kg trầm hương, nhưng không thể cho vài chục kg kỳ nam. Trong số vài chục kg trầm, có một vài kg kỳ nam đã là hiếm, phải cả triệu cây mới có một cây như thế. Tuy nhiên, trong số vài kg kỳ nam đó, có 1 kg kỳ nam giá cấp độ 1 thì lại càng hiếm.
Chính sự hiếm có của kỳ nam đã khiến giá thành trở nên đắt đỏ.
Hơn nữa, kỳ nam được ứng nhiều trong y học, trang sức, cũng như ý nghĩa lớn về phong thuỷ, tâm linh.
Về mặt y học, kỳ nam có công dụng chữa bệnh, rất tốt trong đông y.
Kỳ nam còn được dùng để chế tác ra một số loại đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, mặt dây chuyền, hạt chuỗi...
Kỳ nam được chia thành 4 loại chính: bạch kỳ, thanh kỳ, huỳnh kỳ và hắc kỳ. Trong đó, bạch kỳ nam có sắc trắng, chất mềm và rất nhiều dầu. Thanh kỳ nam thì có sắc ánh tím xanh. Hắc kỳ nam có sắc đen, chất dầu quyện cả vào thớ gỗ cứng và nặng. Còn huỳnh (hoàng) kỳ nam có sắc vàng.
|
Bạch kỳ nam vô cùng quý hiếm. Ảnh: Internet |
Trong đó, bạch kỳ nam vô cùng quý hiếm, được xem là "cực phẩm của cực phẩm". Thời xưa, bạch kỳ nam chỉ dành cho hoàng đế.
Theo trang Oddity Central, ở Nhật Bản, kỳ nam trở thành một loại hương liệu quý hiếm được sử dụng trong ngành công nghiệp nước hoa và ngành sản xuất nhang. Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng, hoạt chất này có khả năng điều trị một số bệnh liên quan đến trầm cảm, tâm thần phân liệt, tự kỷ ám thị, mất trí nhớ, parkinson…
Còn theo tờ Laitimes, Trung Quốc luôn coi kỳ nam là một loại thảo dược quý, có dược tính tốt hơn các loại trầm hương thông thường. Kỳ nam có tác dụng giảm đau, giảm ho, hen suyễn, tăng cường chức năng tim mạch và cải thiện hệ miễn dịch.