Từ năm 2021 UBND tỉnh Quảng Nam đã lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Sau đó, Quảng Nam được Chính phủ đồng ý về chủ trương cho lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon rừng; thời gian thí điểm 5 năm, từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án).
Quảng Nam đang có tổng diện tích đất có rừng là 680.806 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 463.530 ha, rừng trồng 217.276 ha. Mật độ che phủ rừng đạt 58,7%, khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí carbon trong giai đoạn 2018 - 2030, do đó tỉnh này hoàn toàn đáp ứng các nhu cầu, điều kiện để bán tín chỉ carbon rừng ra thị trường thế giới.
|
Trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại Quảng Nam. (Ảnh: Xuân Thọ) |
Hiện đang có ít nhất 5 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam, nhưng chỉ mới dừng lại ở việc lập hồ sơ và tìm kiếm đối tác mà chưa thể giao dịch.
Lí do là tính đến ngày 12/6//2024, theo ông Hồ Quang Bửu, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa phê duyệt Đề án và Quảng Nam đang gặp vướng mắc trong thủ tục lập hồ sơ, đám phán với nhà đầu tư, như:
Thứ nhất, theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, việc lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Thứ hai, việc kinh doanh tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam được thí điểm trên thị trường tự nguyện nên giá sẽ cao hơn thị trường bắt buộc.
Thứ ba, là hiện chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris) của từng địa phương, nên khi phát hành tín chỉ sẽ không thể xác định lượng tín chỉ có thể bán được là bao nhiêu.
Thứ tư, là quyền sở hữu carbon rừng theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định rõ quyền tín chỉ là của địa phương, tuy nhiên hiện nay nghị định vẫn chưa được chính thức ban hành.
Trước những khó khăn, vướng mắt trên, đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam có chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tập trung hoàn chỉnh Hồ sơ dự án đảm bảo theo tiêu chuẩn VCS (số tín chỉ carbon được xác minh và phát hành sau khi trừ số lượng tín chỉ dự phòng theo quy định thẩm tra) và CCB (tiêu chuẩn khí hậu, cộng đồng, đa dạng sinh học) và trình tổ chức VERA phê duyệt, phát hành tín chỉ nhằm có thể bán được tín chỉ carbon với giá cao; đồng thời thúc đẩy tiến trình phê duyệt Đề án của Chính phủ.
“Vì chi phí phát rà soát điều chỉnh hồ sơ cao, việc lựa chọn tư vấn phải thông qua đấu thầu quốc tế vì đa số là chuyên gia nước ngoài. Nên Chi cục Kiểm lâm đã đề xuất Dự án VFBC (Hợp phần quản lý rừng bền vững) và được thống nhất về chủ trường.
Vào thứ Năm ngày 14/6/2024, bên dự án sẽ làm việc với Chi cục Kiểm lâm tỉnh về nội dung này”, ông Hồ Quang Bửu, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.