Vì sao doanh nghiệp huỷ cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ?

Google News

(Kiến Thức) - Hiếm khi trên thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận các trường hợp công bố huỷ cổ phiếu quỹ. 
 

Mua cổ phiếu quỹ là động thái khá phổ biến của các doanh nghiệp niêm yết với nhiều mục đích, nhưng cốt yếu để “đỡ giá” khi cổ phiếu xuống thấp. 

Tính tới thời điểm cuối tháng 3/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua đà sụt giảm mạnh ở mức 26% so với mức cao nhất năm 2020. Do đó, các công ty và các cổ đông nội bộ đã lên kế hoạch mua lại cổ phiếu để trấn an tâm lý nhà đầu tư và kìm hãm đà giảm này.

Dựa trên dữ liệu của Fiinpro, ước tính rằng tổng giá trị mua lại cổ phiếu quỹ và của các cổ đông nội bộ theo kế hoạch có thể đạt lần lượt là 2.288 tỷ đồng và 1.212 tỷ đồng. Hơn nữa, từ ngày 9/3 tới 18/3 đã có 920 tỷ đồng đã được giải ngân mua vào cổ phiếu từ nội bộ và doanh nghiệp.

Theo nhiều trường hợp, sau khi mua cổ phiếu quỹ thì các doanh nghiệp sẽ huỷ luôn số cổ phiếu này để giảm vốn điều lệ hoặc trường hợp ít gặp hơn là bán lại số cổ phiếu quỹ này ra thị trường.

Trong vài năm trở lại đây, 2 Công ty thực hiện huỷ cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ tại Việt Nam là Lideco và Thủy sản Mekong.

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông 2020 của CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, HoSE: NTL), một nội dung hết sức quan trọng sẽ được trình cổ đông đó là thông qua việc huỷ cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ.

Cụ thể, Lideco sẽ huỷ hơn 2,6 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng giá trị lúc mua là 139,6 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của Lideco là 636 tỷ đồng, tương ứng 63,6 triệu cổ phần.

Như vậy, nếu Lideco huỷ hơn 2,6 triệu cổ phiếu quỹ thì vốn điều lệ sẽ giảm xuống 609,8 tỷ đồng, tương ứng cổ phần lưu hành là 60,98 triệu đơn vị.

Đồng thời, Lideco sẽ ghi nợ giá trị thặng dư vốn cổ phần là 113,5 tỷ đồng, sau khi trừ 8,99 tỷ thặng dư tính đến cuối năm 2019 thì Lideco sẽ ghi nhận âm 104 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần sau khi huỷ niêm yết cổ phếu quỹ.

Lý do huỷ cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ của Lideco không được Công ty đưa ra.

Hiện trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NTL đóng cửa phiên ngày 10/4 tại mức giá 16.9000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá 1.031 tỷ đồng. Chiếu theo mức giá này, số cổ phiếu quỹ của NTL trị giá gần 44 tỷ đồng.

Vi sao doanh nghiep huy co phieu quy, giam von dieu le?
 

Một trường hợp khác đã huỷ cổ phiếu quỹ là CTCP Thủy sản MeKong (HoSE: AAM), Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Thủy sản Mekong đã thông qua việc hủy bỏ cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ.

Theo đó toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu quỹ đã bị hủy bỏ, vốn điều lệ Thủy sản Mekong giảm từ 126 tỷ đồng xuống còn 99 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính, Thủy sản Mekong thể hiện số cổ phiếu quỹ này có giá trị trên 62 tỷ đồng. Số cổ phiếu quỹ này công ty mua vào chủ yếu vào giai đoạn cuối năm 2012.

Nguồn vốn thực hiện giảm vốn điều lệ lấy từ thặng dư vốn cổ phần. Thời điểm giảm vốn được quyết định là ngày 14/5/2018.          

Sau khi giảm vốn điều lệ từ 126 tỷ còn 99 tỷ thì Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo đưa cổ phiếu AAM của Thủy sản Mekong vào diện cảnh báo và khả năng bị hủy niêm yết.

Theo văn bản gửi Thủy sản Mekong, HoSE thông báo đưa cổ phiếu AAM vào diện bị cảnh báo từ 31/8/2018 do vốn điều lệ đã góp của Công ty giảm xuống dưới 120 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2018, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE.

Ngoài ra HoSE cũng thông báo "các trường hợp chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc", bao gồm việc các tổ chức niêm yết không đáp ứng được các điều kiện, trong đó có việc vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng: Theo quy định trong vòng 1 năm doanh nghiệp không khắc phục được vấn đề về vốn điều lệ sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2018 của Thủy sản Mekong, khoản mục vốn điều lệ đã giảm từ gần 126 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn gần 99 tỷ đồng – thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng mà HoSE yêu cầu.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, khi thực hiện mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá chứng khoán, đa phần các doanh nghiệp sẽ thực hiện huỷ vĩnh viễn số cổ phiếu này. Họ thực hiện mua cổ phiếu quỹ để tăng giá trị cho cổ đông, thay vì chi trả cổ tức.

Bởi việc trả cổ tức tiền mặt thường xuyên sẽ tạo thói quen cho cổ đông, nếu một năm doanh nghiệp không chia tạo cho nhà đầu tư sự thất vọng và phản ứng tiêu cực lên giá cổ phiếu.

Vì vậy, các doanh nghiệp ở quốc gia phát triển ưa thích việc mua cổ phiếu quỹ và huỷ để tránh áp lực sau này, nếu có nhu cầu huy động vốn họ có thể phát hành sau. Ðiều này vừa có lợi cho nhà đầu tư thực sự, vừa giúp nhà đầu tư tránh được áp lực cổ phiếu bị pha loãng.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)