Ngày 12/10/2015, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định số 2673/QĐ-UBND, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng công trình và yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công công trình, xây dựng phê duyệt phương án tự phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm.
Ngày 9/1/2016, UBBD quận Ba Đình ra Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 9/02/2016 về việc cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trật tự xây dựng công trình tại số 8B Lê Trực; giao UBND phường Điện Biên tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm.
|
Cư dân 8B Lê Trực bức xúc khi có nhà vẫn không được vào ở. |
Theo đó, sẽ phá dỡ những phần vi phạm thi công sai so với nội dung Giấy phép Xây dựng số 11. Chủ tịch phường Điện Biên có trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị phá dỡ (do Sở Xây dựng giới thiệu) và tổ chức thực hiện phá dỡ theo phương án, tiến độ sau khi đã được Sở Xây dựng, phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình xem xét, cho ý kiến, đảm bảo đúng trình tự quy định pháp luật.
Ngày 4/3/2016, UBND phường Điện Biên ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát về việc phá dỡ tầng 19 kể từ ngày 4/3/2016 đến 29/4/2016.
Sau khi có quyết định cưỡng chế, UBND quận Ba Đình và UBND phường Điên Biên đưa bảo vệ đến túc trực tại Công trình 8B Lê trực, người dân và doanh nghiệp đều không được ra vào công trình.
Như vậy, việc phá dỡ công trình vi phạm được hiện bởi Quận Ba Đình và phường Điện Biên Phủ. Chủ đầu tư thực hiện thanh toán chi phí phá dỡ theo phê duyệt của Sở Xây dựng.
Văn bản số 1728/SXD-GĐCL ngày 10/3/2017 của Sở Xây dựng cho biết, Công ty Cổ phần tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng VICET (đơn vị tư vấn thẩm tra dự toán) đã kết luận: “Giá trị dự toán chi phí phá dỡ phần đủ cơ sở là 1.847.269.000 đồng”.
Trên cơ sở này, ngày 31/10/2018, công ty cổ phần May Lê Trực đã chuyển số tiền trên cho UBND quận Ba Đình.
Tiếp đó, ngày 19/4/2019, Công ty CP May Lê Trực tiếp tục nộp số tiền 5,2 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng BIDV, Sở Giao dịch I, thời hạn phong toả 90 ngày kể từ ngày 19/4/2019 đến ngày 18/7/2019 để phục vụ việc thanh toán chi phí phá dỡ.
Tuy nhiên, theo đại diện công ty CP May Lê Trực, đến nay các đơn vị chức năng vẫn chưa có hồ sơ thanh toán. Cụ thể, do chưa có hồ sơ thiết kế phá dỡ và dự toán chi phí phá dỡ theo quy định tại Luật Xây dựng nên chưa có cơ sở để thanh toán.
Cũng liên quan đến việc chậm trễ phá dỡ dự này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay phương án phá dỡ tầng 17-18 đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng thẩm định và kết luận không an toàn. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị của TP trưng cầu giám định phương án này, từ đó mới có các bước xử lý dứt điểm.
Còn theo ông Đàm Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện phá dỡ hạng mục vi phạm giai đoạn 1 ở tòa nhà 8B Lê Trực), cho hay: “Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, để phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.
Do vậy, từ tháng 10/2016, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc đã có công văn đề nghị TP giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 vì chỉ có đơn vị này mới có đầy đủ bản vẽ thiết kế gốc và kết cấu lõi của tòa nhà”.
Theo ông Long, sau đó Tập đoàn Phương Bắc đã tháo dỡ máy móc, không tham gia phá dỡ giai đoạn 2 đối với cao ốc 8B Lê Trực vì không đảm bảo an toàn.
Tiếp đó, phương án phá dỡ được giao cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST (Bộ Xây dựng) nhưng đơn vị này cũng từ chối.
Hiện UBND Thành phố có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, hướng dẫn lập phương án.
Như vậy, có thể thấy, việc phá dỡ dự án 8B Lê Trực đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, không có tiến triển do chưa tìm được phương án phá dỡ an toàn.
Dự án sau gần 4 năm vẫn chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận và người mua nhà tại dự án này bức xúc.
Hồi tháng 6/2015 – khi tòa nhà thuộc dự án 8B Lê Trực bắt đầu hoàn thiện, cũng là lúc người mua nhà mới ký kết hợp đồng mua căn hộ và đã đóng cho chủ đầu tư 80-90% giá trị căn hộ để được nhận nhà vào tháng 12/2015.
Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân - chủ căn hộ 1002 – dự án 8B Lê Trực cho biết: “Gần 5 năm nay, nhà của chúng tôi, chúng tôi không được vào. Mẹ tôi bán nhà cũ để dồn tiền mua nhà mới, nhưng cuối cùng bà cụ 90 tuổi cuối đời phải ở nhà thuê, bà cụ mất rồi vẫn chưa được vào nhà mới. Chúng tôi là khách hàng, bỏ tiền ra mua nhà chỉ mong có một cuộc sống bình yên. Thế nhưng gần 5 năm nay, chúng tôi không thể vào được căn nhà của mình.
“Lỗi do chủ đầu tư hay cơ quan quản lý thì cũng đâu phải lỗi của người dân chúng tôi. Sao cuối cùng hậu quả người dân lại phải gánh chịu?”, bà Xuân đặt câu hỏi.