Vào tháng 3, giá hàng tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu gần đây nhất của Bộ Lao động Hoa Kỳ.
Đối với Kevin O'Leary, chủ tịch O'Shares ETFs và là thẩm phán tại chương trình "Tòa án tiền tệ" của CNBC, điều quan trọng nhất mà mọi người có thể làm với tiền của họ trong thời kỳ lạm phát cao là tránh giữ phần lớn tiền trong tài khoản tiết kiệm lãi suất thấp.
“Hiện tại trong tài khoản ngân hàng, bạn đang nhận được rất ít lãi suất,” O’Leary nói. Ông đưa ra nhận định rằng có thể người gửi tiết kiệm đang thực sự mất tiền sau mỗi 12 tháng. Nói cách khác, tài khoản ngân hàng của bạn có mức lãi suất 0,01% mỗi tháng, nhưng lạm phát ở mức 6%, nên giá trị tiền của bạn đã giảm 5,99% trong khoảng thời gian đó.
O’Leary cho biết khi còn trẻ, ông đã "rút ra bài học" rằng ngân hàng không phải là nơi giữ tiền mặt tối ưu vì mức lãi suất quá thấp nhận được. "Tôi nhận ra rằng ‘Chà, tôi không kiếm được gì trên số tiền này’, và tôi phải học cách đầu tư", ông nói. "Và đó chính xác là những gì tôi đã làm".
O’Leary hợp tác với các chuyên gia, bao gồm cả Warren Buffett, những người thường đưa ra lời khuyên nên bỏ tiền của họ vào các quỹ chỉ số, quỹ này sẽ tự động được đa dạng hóa. Bất chấp sự biến động của thị trường, O’Leary chỉ ra rằng S&P 500 luôn vượt qua lạm phát. Ví dụ, lợi nhuận trung bình hàng năm của Chỉ số S&P 500 là khoảng 10%, cao hơn mức lạm phát 7,9% vào tháng 2.
Ngay cả khi thị trường đang giảm, các chuyên gia thường khuyên bạn nên bền chí và không nên bán ra. Một phân tích gần đây của J.P. Morgan cho thấy kể từ năm 2002, 10 ngày thị trường đạt mức tốt nhất thường xảy ra sau những đợt sụt giảm mạnh, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụp đổ của thị trường năm 2020 khi đại dịch bắt đầu.
Nếu bạn đầu tư 10.000 USD vào S&P 500 vào đầu năm 2002, bạn sẽ có hơn 61.000 USD vào cuối năm 2021 nếu bạn nắm giữ tất cả các khoản đầu tư của mình, so với chỉ 28.260 USD nếu bạn bỏ lỡ 10 ngày tốt nhất của thị trường, CNBC đưa tin.
Nói chung, O’Leary không phản đối việc giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Ông khuyến nghị mọi người “nên chuẩn bị sẵn ba tháng lương trong trường hợp khẩn cấp”. Tuy nhiên, nếu bạn gửi tiết kiệm quá nhiều, bạn có thể sẽ bị "mất tiền oan" do lạm phát. "Tiết kiệm tiền mặt trong tài khoản ngân hàng về cơ bản không có lãi suất, nhất là sau lạm phát", ông nói.