Báo Nikkei Asia Review ngày 16/4 có bài viết nhận định về thị trường hàng không Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt, với sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ.
Sự cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không giá rẻ, gồm Vietjet và Bamboo Airways, đã khiến Vietnam Airlines đánh mất đáng kể thị phần vốn có.
Tính đến tháng 12/2018, thị phần nội địa của Vietnam Airlines đạt mức 37%, giảm mạnh so với mức 80% năm 2011, thời điểm hãng hàng không giá rẻ Vietjet bắt đầu đi vào hoạt động. Trong khi đó, thị phần của Vietjet nhanh chóng tăng lên mức 48% trong năm 2018, vượt qua Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất.
"Giành giật phi công”?
Tập đoàn FLC, công ty mẹ của Bamboo Airways, vừa gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc doanh nghiệp này "nhặt" được văn bản được cho là từ Vietnam Airlines (VNA) tố Bamboo Airways giành phi công.
Hãng của tỷ phú Trịnh Văn Quyết nói rằng nội dung văn bản “nhặt được” thể hiện VNA tố Bamboo Airways có hành vi "giành giật lực lượng phi công của VNA", “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VNA” và cho rằng điều này “trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho VNA với mức thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm”.
Đồng thời, văn bản này trực tiếp đề nghị Bộ GTVT dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với máy bay B787 của Bamboo Airways.
Hãng Bamboo Airways còn cho biết, báo cáo “nhặt được” đóng dấu "MẬT", cuối báo cáo có chữ ký của lãnh đạo VNA.
Lãnh đạo Bamboo Airways nhìn nhận có 2 trường hợp cần làm rõ. Khả năng thứ nhất là báo cáo giả mạo, không phải của VNA.
Với trường hợp giả mạo, "chúng tôi cho rằng, khả năng này là có thể xảy ra, bởi lẽ, với niềm tin vào uy tín của Hãng hàng không Quốc gia như VNA và một vị lãnh đạo như ông Dương Trí Thành thì việc đưa ra những thông tin sai sự thật và cách hành xử “dùng công văn MẬT” như đề cập là rất vô lý", theo FLC.
Về trường hợp thứ hai, nếu văn bản này có thật, FLC khẳng định đây là hành vi đưa thông tin sai sự thật của VNA bởi lẽ "thông tin Bamboo Airways giành giật lực lượng phi công của VNA là bịa đặt. Thực tế, Bamboo Airways thực hiện tuyển dụng nhân sự công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam", công ty mẹ của Bamboo Airways nêu rõ.
Khát phi công
Theo đánh giá từ tờ Bloomberg, sự bùng nổ của hàng không châu Á đã khiến nhiều hãng bay giá rẻ mới ra đời và giúp hàng triệu người lần đầu được bay, tuy nhiên thiếu phi công đang kìm hãm mọi thứ.
Bamboo Airways của Việt Nam trở thành hãng hàng không giá rẻ mới nhất cất cánh trong năm 2019 tại châu Á và thời gian tới dự kiến tiếp tục có nhiều tay chơi mới gia nhập thị trường.
Tính riêng tại Đông Nam Á, các hãng hàng không giá rẻ có 1.400 máy bay đã đặt hàng đang chờ nhận, so với con số 400 máy bay của các hãng hàng không truyền thống, theo số liệu từ Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA).
"Với nguồn cung phi công đang tụt lại phía sau, các hãng bay đang chật vật để tìm được đội bay giỏi", Bloomberg nhận định.
"Thời điểm nhạy cảm đang đến gần", theo ông Peter Harbinson, Chủ tịch CAPA, chia sẻ. "Với các hãng bay mới, việc tuyển phi công đang rất khó và sẽ là thử thách thật sự".
Câu chuyện mà phi công trên chia sẻ phản ánh phần nào sự khốc liệt trong cạnh tranh nhân sự kỹ thuật cao, đặc biệt là phi công tại thị trường hàng không Việt Nam.
Không chỉ các hãng bay khu vực cạnh tranh từng phi công, các hãng bay Việt cũng sẵn sàng tuyển phi công Việt Nam với mức thu nhập hấp dẫn hơn nhằm thu hút nhân tài.
Hãng nào trả lương cao nhất?
Theo công bố mới nhất của VNA, tính đến cuối năm 2018, hãng có 1.118 phi công (người Việt chiếm gần 76%), tăng 61 phi công so với tháng 9/2017.
Trong năm 2018, VNA đã thực hiện chính sách lương cho các phi công của mình ở mức 132,5 triệu đồng/tháng, tương đương 1,59 tỷ đồng cả năm. Nếu so với mức lương thực chi trong năm 2017, lương bình quân tháng của các phi công VNA đã tăng gần 11 triệu đồng.
Trong ba năm từ 2015 đến 2018, lương bình quân của đội ngũ phi công của VNA tăng từ 112,9 triệu đồng lên 132,5 triệu đồng/tháng, tương ứng mức tăng 5,48% mỗi năm.
Vietnam Airlines cho biết năm 2018 công ty tiếp tục duy cải cách tiền lương đối với phi công và tiếp viên từ tháng 6/2018, đối với cán bộ quản lí, chuyên viên, kĩ sư, cán sự và nhân viên từ tháng 7/2018.
Chi không nhỏ cho lương phi công, nhưng đây không phải là lần đầu VNA vướng chuyện lùm xùm liên quan đến phi công nhảy việc. Giữa năm 2018, khi cho rằng VNA gây khó không cho nghỉ việc, nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn, một nhóm phi công đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng.
Số phi công tại ngày 31/12/2018 của VNA là 1.118, trong đó phi công người Việt Nam chiếm 75,67%.
Theo một báo cáo khác, tới hết năm 2019 Vietnam Airlines dự kiến cần 1.293 phi công. Tuy nhiên chắc chắn hãng sẽ cần tuyển thêm nhiều hơn 155 phi công bởi luôn phát sinh trường hợp phi công nhảy việc khi có đơn vị khác đưa ra mức thu nhập cao hơn.
Trong giai đoạn 2015-2017, hãng đã có 223 phi công nghỉ việc. Năm tháng đầu 2018, hãng tiếp tục ghi nhận 33 phi công nghỉ việc, bao gồm 25 phi công nước ngoài và 8 phi công Việt, đi kèm dự báo sẽ có 15-20 phi công nộp đơn xin nghỉ.
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines Vietjet Air tính đến thời điểm cuối tháng 12/2017 có 3.162 nhân viên và 50 chuyên gia nước ngoài đến từ hơn 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có 499 phi công, 1.046 tiếp viên và 592 kĩ sư.
Thu nhập bình quân của nhân viên năm 2017 là gần 15 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 9 triệu đồng/tháng so với bình quân của Vietnam Airlines cùng năm. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của phi công Vietjet Air là 180 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017, cao hơn rất nhiều so với mức lương mà phi công Vietnam Airlines nhận được.
Tính đến hết năm 2018, tổng số nhân sự của Vietjet là 3.850 nhân viên đến từ hơn 30 quốc gia, tăng 24,3% so với năm trước. Trong năm 2018, Vietjet đã đào tạo 68 học viên để trở thành phi công.
Tại ĐHCĐ của Vietjet Air, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết trong năm 2019, trung bình mỗi tháng hãng cần bổ sung 9-10 phi công, đi liền với kế hoạch phát triển đội hình bay, nhận máy bay mới.
Với Bamboo Airways, ngay từ khi chưa cất cánh, hãng đã thực hiện các chiến dịch tuyển phi công rầm rộ.
Nguồn tin từ Bamboo Airways cũng khẳng định hãng này đã duyệt bảng thu nhập dành cho phi công và mức lương bình quân tại đây sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/người/tháng cũng với đối tượng là phi công các biến thể dòng A320 của Airbus.
Mức 200 triệu đồng/người/tháng được xem là hợp lý bởi các hãng hàng không thiếu phi công trong khu vực cũng đang hút người bằng mức lương này.
Phi công Việt được trả lương cao như vậy nhưng nguồn cung vẫn đang rất khan hiếm. Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng. Hiện có 171 tàu bay khai thác mang quốc tịch Việt Nam và dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 tàu bay mang quốc tịch Việt.
Theo tính toán từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Hiện tại, chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công nên hầu hết phải đào tạo tại nước ngoài, khiến chi phí đào tạo tăng cao, và không chủ động được nguồn nhân lực.