Từ một cây trồng bị lãng quên, nay mỗi năm cây sâm Ngọc Linh có thể mang về 600 tỷ đồng/năm, giúp nhiều người nông dân làm giàu.
Thủ phủ của sâm Ngọc Linh
Phát biểu tại lễ hội tối qua 1/8, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết: "Nam Trà My là 1 trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía Tây - Nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực Tây nguyên. Nam Trà My là nơi được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam".
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Nam Trà My là một trong những cái nôi của cách mạng, nơi hình thành "Mật khu Đỗ Xá" - Tiền thân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở Khu 5. Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My có lòng yêu nước nồng nàn, có niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, theo cách mạng; cần cù trong lao động sản xuất; anh dũng, mưu trí và ngoan cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Huyện Nam Trà My được thành lập từ tháng 3/1947 với tên gọi là Châu Trà My; qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi; đến ngày 20/6/2003, để đáp ứng yêu cầu phát triển chung, huyện Trà My được chia tách thành hai đơn vị hành chính cấp huyện là Nam Trà My và Bắc Trà My.
Đây chính là điều kiện thuận lợi và là cơ hội lớn để cả hai địa phương Nam Trà My và Bắc Trà My cùng phát triển. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển; đặc biệt là sau 20 năm kể từ ngày tái lập, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My đã đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
"Thời gian qua, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung. Vùng sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15.000ha tại 7/10 xã của huyện; có trên 1.250 hộ gia đình tham gia trồng sâm trên diện tích hơn 2.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.
Với ý nghĩa và giá trị đặc biệt quan trọng của sâm Ngọc Linh, vào ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương", Bí thư Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh.
Huyện nghèo đổi đời nhờ cây sâm Ngọc Linh
Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, Quảng Nam nhấn mạnh, khi tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trà My gặp không ít khó khăn bởi kinh tế chậm phát triển; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, yếu kém; thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn rất thấp; đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo gần 90%, tình trạng đói cơm, lạt muối vẫn diễn ra quanh năm; thiên tai, dịch bênh thường xuyên xảy ra, là nổi ám ảnh của mỗi người khi đặt chân đến Nam Trà My.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam, 20 năm qua, các thế hệ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách đạt nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực.
"Từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay huyện nhà đã có một nền tảng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp - thủy sản; giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng khá, đạt trên 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng/năm, tăng gần 11 lần so với năm 2003...", ông Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Thanh Hưng, để giảm được nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, Nam Trà My đã đặc biệt quan tâm.
Các cuộc vận động "xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa", "xóa nhà tạm", "quỹ vì người nghèo", "quỹ nhân đạo"... được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng. Thực hiện tốt cuộc vận động "3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ thoát nghèo". Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 45%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt kết quả tốt.
Đối với cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) bao đời nay đã hiện diện tại vùng núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, sâm là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị đặc hữu, với những đặc tính riêng có mà các loài sâm khác trên thế giới không có được, là sản phẩm của quốc gia, là vàng xanh của đất nước.
"Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo.
Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng...", ông Hưng cho biết.
Ông Lê Thanh Hưng nói thêm, với mục tiêu giới thiệu, quảng bá về cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác và tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện đến đông đảo nhân dân, du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 là một sự kiện quan trọng để truyền tải các thông điệp của sâm Ngọc Linh đến với mọi miền đất nước và trên thế giới, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia. Sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi Nam Trà My sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.