Bàn về chiến lược xuất khẩu nhiệt điện than của Trung Quốc, một số chuyên gia cho rằng, điều này xuất phát từ tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của Trung Quốc, trong khi đó quốc gia này vẫn phải duy trì ngành công nghiệp nhiệt điện than để giải quyết vấn đề việc làm cho lao động.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, tình trạng ô nhiễm của Trung Quốc đang rất nghiêm trọng và trong quá trình phát triển từ nay về sau, Trung Quốc sẽ từng bước giảm bớt sản xuất gang thép, nhiệt điện than.
|
Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc rất nghiêm trọng. |
"Tuy nhiên, công nghệ, thiết bị của Trung Quốc vẫn còn nên họ xuất khẩu. Trung Quốc xuất khẩu công nghệ nhiệt điện than đồng thời xuất khẩu cả than.
Dĩ nhiên, lượng than Trung Quốc xuất khẩu có hạn, một phần vì lời lãi không bao nhiêu, còn thiết bị nhiệt điện than mới là chủ yếu.
Thời gian qua Trung Quốc nhập khẩu than từ Úc và các quốc gia khác, nhưng bây giờ họ không cần nhập nhiều. Vai trò của than ở Trung Quốc ngày càng giảm nhưng họ vẫn phải duy trì những mỏ than sử dụng nhiều lao động để giải quyết vấn đề xã hội. Các mỏ than sử dụng hàng vạn công nhân, Trung Quốc không biết đẩy đi đâu nên phải duy trì sản xuất. Than vẫn dùng, mỏ vẫn khai nhưng hạn chế.
Việc xuất khẩu thông qua nhiều phương tiện: sáng kiến Một vành đai, một con đường; các hiệp định song phương...", PGS.TS Nguyễn Huy Quý phân tích
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc khẳng định đây là chủ trương rõ ràng của Trung Quốc, quốc gia này sẽ bỏ nhiệt điện than nhưng không phải trong 1-2 năm.
Trong khi đó, những nước kém phát triển hơn vẫn cần năng lượng. Nhiệt điện than giá rẻ, trong nước thì không làm được, mua của các nước phát triển thì đắt. Cho nên, đối với các nước nói trên, nhiệt điện than vẫn rất cần thiết và họ có thể tiếp nhận công nghệ Trung Quốc thông qua viện trợ hoặc thương mại.
"Việc ngân hàng Trung Quốc hỗ trợ các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài là điều dễ hiểu và là hình thức được Trung Quốc tiến hành rất nhiều. Thông qua sáng kiến Một vành đai, một con đường, các nước vay của Trung Quốc rất nhiều, phục vụ cho các dự án sắt thép, than, giao thông, điện... Họ vay tiền Trung Quốc để nhập thiết bị Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc vừa đẩy được công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm ra khỏi đất nước, vừa có lãi dù lãi suất cho vay thấp", vị chuyên gia chỉ rõ.
Trong khi đó, GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, nhấn mạnh, Trung Quốc chỉ chăm lo cho lợi ích của mình khi chuyển công nghệ điện than ra nước ngoài để tránh ô nhiễm trong nước.
Trung Quốc là nước lớn, có nhiều tiền để cho vay. Tuy nhiên, việc cho vay tiền đi kèm với việc phải đưa công nghệ của nước này vào, chấp nhận công nghệ Trung Quốc. Các nước vì không có tiền, lại được Trung Quốc xây dựng nhà máy cho nên không nghĩ đến hậu quả tương lai ra sao.
Chấp nhận ăn quả đắng theo giai đoạn?
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, các nước chậm phát triển hơn khi tiếp nhận công nghệ nhiệt điện than của Trung Quốc buộc phải ăn quả đắng và việc này mang tính chất giai đoạn.
"Về lâu dài, các nước, trong đó có Việt Nam, đều biết công nghiệp hóa phải nhằm vào những công nghệ hiện đại nhất như của Nhật, Mỹ, EU... Nhưng dù như thế các nước không thể làm được.
Nó xuất phát từ nhiều điều kiện: hàng hóa, thiết bị của các nước tiên tiến đắt đỏ; trình độ kỹ thuật của nước bản địa có tiếp thu được công nghệ đó hay không; thói quen và giá cả. Công nghiệp hóa hiện đại phải tương đối đồng bộ.
Mặt khác, như dư luận vẫn đề cập lâu nay, mua thiết bị Trung Quốc được lại quả, hối lộ.
Những quan chức có trách nhiệm liên quan đến việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị Trung Quốc có thể lấy cớ rằng những máy móc, thiết bị của Trung Quốc tuy không hiện đại nhưng vẫn sử dụng tốt và quan trọng là giá rẻ", PGS Quý cho biết.
Ông cũng nói thêm, nếu máy móc, thiết bị do Trung Quốc liên doanh với các nước tiên tiến sản xuất thì vẫn có thể chấp nhận vì chúng tương đối tốt. Dù thiết bị sản xuất ở Trung Quốc nhưng đó là hàng liên doanh, có kỹ thuật của nước tiên tiến, và nếu sản phẩm có vấn đề gì thì các nước tiên tiến cũng phải có phần trách nhiệm.
Tuy nhiên, sợ nhất là các nước nhập máy móc cũ của Trung Quốc mà cứ khai của EU, Nhật, Mỹ... Đó là hành vi gian lận thương mại.
"Việt Nam cũng không tránh được chuyện này. Có một bộ phận nhập máy móc, thiết bị của Trung Quốc giá rẻ nhưng mạo danh là nhập của nước khác.
Cho tới nay, xã hội vẫn tồn tại những cán bộ như vậy. Do đó, chừng nào chưa giải quyết rốt ráo vấn đề lợi ích nhóm, làm trong sạch bộ máy thương mại thì Việt Nam vẫn còn phải ôm quả đắng", PGS.TS Nguyễn Huy Quý cảnh báo.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Phố cũng chỉ ra rằng, các nước vì nghèo, vì lạc hậu mà phải chịu ảnh hưởng, một bộ phận cán bộ tham đồng tiền nên đưa công nghệ, máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm của Trung Quốc về. Hệ quả người dân phải gánh, nhất là khi tiền vay nhiều, lại vay có lãi, đời con cháu phải trả.