|
Công nhân trong xưởng chế tạo pháo hoa. Ảnh: Reuters. |
Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, từ năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã cấm pháo hoa trên hơn 444 thành phố trên cả nước. Thậm chí, giao thừa năm nay, Bắc Kinh và nhiều thành phố khác cũng đã sử dụng pháo hoa điện tử thay cho pháo hoa truyền thống – cho thấy nước này rất nghiêm túc với lệnh cấm.
Tuy nhiên, lệnh cấm này đang đánh mạnh vào ngành sản xuất pháo vốn tồn tại và phát triển hàng ngàn năm nay. Tại “thủ đô pháo hoa” Lưu Dương , việc kinh doanh ngày càng trở nên ế ẩm. Năm nay, thay vì không khí nhộn nhịp, những người bán hàng chỉ biết thở dài trước sự đìu hiu. Thậm chí, nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa.
Từ khi pháo hoa được phát minh gần 1.400 năm trước vào thời Đường, thành phố Lưu Dương đã là thủ phủ pháo hoa của Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, sản lượng pháo hoa của thành phố này chiếm hơn 60% tổng sản lượng trên cả nước.
“Việc kinh doanh không khả quan cho lắm, chúng tôi toàn ngồi đánh bài”, 1 chủ tiệm kinh doanh chia sẻ. Ông cho biết, doanh thu của ông đã tụt giảm tới 60% so với những năm trước.
“Nhìn ra ngoài kia mà xem – không hề có 1 khách hàng nào trên phố”.
Với những người dân thành phố Lưu Dương, thu nhập chủ yếu đến từ những ngày lễ, ngày Tết. Do đó, lệnh cấm đang đe dọa chính “bát cơm” của họ.
“Với nền kinh tế, giá trị của ngành pháo hoa có lẽ chỉ như muối bỏ bể”, ông Chen Jiarong - 48 tuổi, chủ 1 doanh nghiệp pháo quy mô 120 lao động thở dài. “Thế nhưng, phần lớn người dân Lưu Dương gốc phụ thuộc vào ngành này, vào những nhà máy sản xuất pháo”.
|
Một nhà máy pháo hoa nằm trên núi ở thành phố Lưu Dương. Ảnh: Reuters. |
Theo Reuters, ngành pháo hoa vốn đã gặp khó khăn vì quy chế quản lý nghiêm ngặt do lo ngại an toàn nay lại càng lao đao hơn vì lệnh cấm. Ngoài ra, việc giới trẻ không còn mặn mà với truyền thống đốt pháo cũng đang khiến ngành này đang nhỏ lại dần. Các nhà chức trách thành phố Lưu Dương cho biết, từ năm 2015 cho đến này, có tới gần 400 doanh nghiệp pháo hoa đã đóng cửa.
Được biết, để tiếp tục tồn tại, nhiều công ty ở Lưu Dương đã chọn cách xuất khẩu các sản phẩm của mình ra nước ngoài. Theo số liệu của chính phủ, lượng xuất khẩu pháo hoa trong 11 tháng đầu năm 2017 đã đạt mức 681 triệu USD.
Tuy nhiên, khi mà lợi nhuận vẫn được đảm bảo, những người sản xuất pháo vẫn không khỏi ngao ngán trước một không khí Tết đang thiếu dần tiếng pháo, vốn được tin là sẽ xua đuổi những điều không may và mang đến khởi đầu tốt đẹp trong năm mới.
“Trung Quốc đã có pháo hoa hơn một ngàn năm nay”, ông Chi Yuewen – một chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu pháo hoa – nói. “Thật là buồn khi pháo hoa không được đốt ngay ở chính đất nước phát minh ra nó”.