Sự tăng trưởng ngoạn mục của tập đoàn Hòa Phát năm 2017 đã đưa ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn trở thành tỷ phú USD thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tỷ phú USD này còn gây “choáng” cho cổ đông với khoản thù lao và trích thưởng đậm cho lãnh đạo. Nếu cách đây vài năm, Hòa Phát đã mạnh tay chi lương “khủng” 300 triệu đồng/tháng cho vị trí Tổng Giám đốc thì mức lương hiện tại đã tăng gấp đôi.
|
Các sếp điều hành của Hòa Phát năm nay được chi thưởng đậm. |
Đại hội đồng cổ đông 2018 của Hoà Phát đã thông qua phương án trích 80 tỷ đồng (1% lợi nhuận sau thuế) trả thù lao Hội đồng quản trị (HĐQT). Đồng thời, trích quỹ khen thưởng ban điều hành với mức 5% phần vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm, tương ứng với 101 tỷ đồng.
Hiện HĐQT có 9 thành viên, đứng đầu là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT. Như vậy, mỗi thành viên HĐQT dự kiến sẽ nhận thù lao ở mức 8,9 tỷ đồng hay hơn 740 triệu đồng/tháng trong năm 2018. Tỷ phú USD Trần Đình Long sẽ nhận được khoảng 18,9 tỷ đồng tiền thù lao và thưởng.
Năm 2017, Hòa Phát báo doanh thu hợp nhất 46.855 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử Hòa Phát khi đạt 8.015 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 21% so với năm trước.
Năm 2018, Hòa Phát vẫn muốn giữ nguyên tỷ lệ trích lập quỹ: Tối đa 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ khen thưởng phúc lợi; đối đa 1% lợi nhuận sau thuế cho thù lao HĐQT và tối đa 5% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch để khen thưởng ban điều hành. Với phương án trả thù lao cho HĐQT như trên, cộng với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu 40%, dự kiến năm 2018 tỷ phú USD Trần Đình Long thu nhập khoảng 7.211 tỷ đồng.
Nhiều năm liên tiếp, Hòa Phát gây “choáng” cho cổ đông với khoản thù lao và trích thưởng đậm cho lãnh đạo. Ví dụ như năm 2013, Hòa Phát cũng đã trích 5% của phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch năm 2013, tương đương 41 tỷ đồng thưởng cho ban điều hành.
Tuy nhiên, trước những ý kiến trái chiều, phía Hòa Phát sau đó đã công bố thông tin để giải thích rằng: “Khoản tiền này sẽ được dùng làm quỹ thưởng và các hoạt động phúc lợi dành cho ban điều hành công ty mẹ và các công ty thành viên, bao gồm toàn bộ ban giám đốc, các trưởng phó bộ phận, phòng ban trong toàn tập đoàn với hơn 340 người. Cách tính này được Hòa Phát áp dụng thống nhất từ nhiều năm qua và trong tương lai cũng như vậy”.
Như vậy, khoản thưởng 101 tỷ đồng dành cho ban điều hành Hòa Phát năm 2017 không đồng nghĩa với việc mỗi thành viên của ban tổng giám đốc được nhận hơn 25 tỷ đồng mà còn phải phân bổ cho các phòng ban bên dưới.
Năm 2016, với thù lao khoảng 3,9 tỷ đồng cho mỗi thành viên HĐQT và trích 5% quỹ khen thưởng từ phần vượt kế hoạch năm tương đương 13 tỷ đồng cho ban điều hành, Hòa Phát cũng vấp phải phản ứng của cổ đông, cho rằng mức thù lao như vậy là quá lớn so với các doanh nghiệp có quy mô tương đương hoặc cùng ngành nghề.
Khi báo chí đề cập đến mức lương thưởng “khủng” mà Hòa Phát chi cho các lãnh đạo, ông Trần Đình Long khẳng khái nói: “Đừng nhìn vào lương, hãy nhìn vào kết quả mà họ mang lại. Ví dụ, năm 2015 thù lao 35 tỷ cho ban điều hành năm 2015 nhưng chúng tôi làm ra 3.500 tỷ. Thời điểm đó hiếm có công ty nào vừa đầu tư, vừa rút ra cả nghìn tỉ để trả cổ tức như Hòa Phát”.
“Chúng tôi tự hào khi thành quả của mình đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều hơn. Về cá nhân thì tôi thấy cũng bình thường thôi nhưng ghi nhận giá trị tài sản của tôi cũng có nghĩa là ghi nhận giá trị tài sản của tập đoàn, tôi nghĩ cái này quan trọng hơn rất nhiều. Tôi vẫn nói với anh em trong tập đoàn, cái tự hào nhất là Hòa Phát đã đóng góp cho xã hội”, ông “vua thép” bộc bạch.
Đánh giá về mức thu nhập của ban lãnh đạo Hòa Phát, giới doanh nhân cho rằng "không có đối thủ" ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp có tiếng chịu chi như FPT hay Vinamilk cũng chỉ trả quanh mức 20 tỷ đồng cho HĐQT, hay PVGas là 13,5 tỷ đồng trong năm 2016. REE đã trả thù lao cho HĐQT và ban Kiểm soát 2,98 tỷ đồng trong năm 2017 và dự kiến nâng con số này lên mức 5 tỷ đồng trong năm 2018.