Là loại cây quen thuộc ở khắp càng làng quê đồng bằng Bắc Bộ và hầu hết các địa phương trong cả nước, cây cau thường được trồng như một loại cây cảnh trong vườn nhà. Ngoài ra, mo cau còn được dùng để gói đồ, quả cau được dùng để ăn trầu và dùng trong việc thờ cúng, cưới hỏi.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, loại quả này còn được dùng để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành loại cây chủ lực của địa phương. Không những thế, những năm gần đây, giá cau liên tục tăng cao, lên đến 70-80.000 đồng/kg quả tươi đã khiến không ít người giàu lên “bất ngờ” từ trồng cau.
Tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu (Nam Định), 100% các hộ dân đều trồng cau, nhà ít cũng khoảng 100 cây, nhà nhiều lên đến hàng nghìn cây. Cau được trồng thành hàng khắp mọi ngõ ngách, ở vệ đường, trong vườn nhà, cả những bờ ao, bờ ruộng.
|
Cau được trồng khắp đường làng ngõ xóm tại xã Hải Đường. |
Những ngày này, vào mùa cau, khắp xã chứng kiến cảnh mua bán nhộn nhịp của các thương lái khắp nơi đổ về mua bán cau xuất khẩu. Tại các lò sấy, người phân loại cau, người cân cau, luộc hoặc sấy cau cho các chủ lò sấy cau.
Cùng với sản xuất cau thương phẩm, nhiều hộ dân có kinh nghiệm còn ươm giống cau phục vụ nhu cầu của người dân các tỉnh lân cận. Mỗi gia đình xuất bán hàng vạn cây cau giống mỗi năm.
Việc trồng, thu mua và chế biến cau xuất khẩu tại đây cũng đã trở thành một nghề hình thành lên hàng chục năm nay. Cũng từ cây cau, nhiều hộ gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
|
Việc trồng cau lấy quả để bán cho thu nhập cao. |
Ông Nguyễn Văn Long, trú tại xóm 7, xã Hải Đường cho biết, cây cau được trồng ở quê ông không biết từ bao giờ và gia đình ông có khoảng hơn 400 cây cau có tuổi đời vài chục năm trong vườn nhà. Trước đây cau chỉ vài nghìn đồng/kg nhưng khoảng 5 năm trở lại đây giá cau ngày một tăng cao, mỗi cây cau có thể giúp ông thu về cả triệu đồng.
“Tôi đi buôn quả cau khắp Nam Định và các tỉnh từ Hải Phòng, Hải Dương từ năm 1992. Sau đó thấy cây cau có giá trị nên trồng cau khắp vườn nhà. Trồng cau nhàn lắm, sau 6-7 năm là được thu hoạch quả mà không cần chăm sóc nhiều như các loại cây ăn quả khác. Tôi nhớ năm 2006, giá cau khi ấy là 16.000 đồng/kg mà giá vàng là 800.000 đồng/chỉ nên cứ bán 1 tạ cau là mua được 2 chỉ vàng”, ông Long kể.
|
Quả cau tươi được sấy khô trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Theo ông Long, mỗi cây cau có thể cho thu hoạch từ 1- 3 buồng/năm, trung bình khoảng 20kg quả/cây. Năm 2020, cau tươi có giá từ 50-60.000 đồng/kg, năm 2021 giá cau tươi từ 80-90.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ tính riêng việc thu hoạch quả cau đã cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng/cây.
Ngoài trồng cau, ông Long còn tiến hành xây lò sấy cau rồi xuất sang Trung Quốc. Từ sấy bằng thủ công bằng than tổ ong với công suất 1,5 tạ/mẻ, đến nay ông Long sở hữu 5 lò sấy cau, mỗi lò có công suất 10-12 tấn/mẻ. Mỗi năm sấy khoảng 500 tấn cau tươi và xuất sang Trung Quốc.
“Quả cau sau khi mua về sẽ được mang đi luộc trong khoảng 1 tiếng rồi vớt ra cho vào lò sấy suốt 4 ngày 4 đêm. Cứ 10kg cau tươi sẽ sấy được 1kg cau khô. Cau sấy được bao nhiêu được xuất đi Trung Quốc hết đến đó”, ông Long nói.
|
Quả cau được chế biến thành kẹo cau có giá lên đến vài triệu đồng/kg. |
Ngoài làm cau sấy, ông Long còn tiến hành ươm cây cau giống, mỗi năm cung cấp từ 1-2 vạn cây cho khắp các tỉnh thành lân cận. Đồng thời, cách đây 5 năm, ông cũng đã mua 6ha đất tại Đắk Nông để trồng cau, dự kiến năm sau sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Năm 2020, trong khi các loại trái cây khác gặp phải tình trạng rớt giá chưa từng có do ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn thì những hộ nông dân trồng cau tại Hải Đường lại “trúng đậm” khi giá cau tăng cao gấp 3-4 lần, có thời điểm lên đến 65.000 đồng/kg.
Năm 2021, cau tươi lại tiếp tục tăng giá lên đến 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên 110.000 đồng/kg.
|
Việc buôn bán cau diễn ra nhộn nhịp quanh năm. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thanh Huyên, Chủ tịch UBND xã Hải Đường cho biết, năm 2020, toàn xã có 22 lò sấy cau. Lượng cau tươi sấy tại các lò khoảng 3.825 tấn. Trong đó sản lượng cau tươi tại xã Hải Đường là 900 tấn được sấy và xuất bán sang Trung Quốc.
Chỉ tính riêng mỗi lò sấy đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Việc trồng, sản xuất và tiêu thụ cau ở Hải Đường đã mang lại nguồn thu gần 60 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo ông Huyên, hiện nay việc chế biến và xuất khẩu quả cau chủ yếu theo dạng thô, hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, sản phẩm quả cau được một số doanh nghiệp tại nước ngoài thu mua về sản xuất kẹo cau và bán ra thị trường với giá hàng triệu đồng/kg.
Vì vậy, ông Huyên hy vọng rằng thời gian tới, quả cau sẽ được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đầu tư trong việc chế biến sâu, hướng tới sản xuất kẹo cau tại Việt Nam.