Trồng gừng kiểu khác người, lão nông lãi hàng tỷ mỗi năm

Google News

Ông Isamu làm nông, trồng gừng đã 40 năm. Kiểu trồng gừng của ông chả giống ai...

Trồng gừng không giống ai…
 Các siêu nông dân Việt Nam đến thăm mô hình trồng gừng của lão nông Okamoto Isamu ở tỉnh Chiba trong khuôn khổ chương trình nông dân Việt Nam xuất sắc thăm và học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức.
Đó là hôm tôi và các siêu nông dân đến thăm mô hình trồng gừng của lão nông Okamoto Isamu ở tỉnh Chiba. Hôm đó, trời khá nắng. Ngồi trên xe, qua cửa kính ô tô tôi thấy nhiều người Nhật đi ra đường còn đội mũ, mang ô cơ mà. Nhưng thực chất thì ngoài trời chỉ 22 độ C thôi. Với nhiệt độ này, người Nhật xem là nóng nhưng nhiều người trong đoàn siêu nông dân vẫn mặc áo ấm.
Lão nông Isamu thì lẫn lộn cả 2 thứ, đầu đội mũ chống nắng, còn trên người vẫn khoác chiếc ghile đỏ chống lạnh. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông chỉ là thế.
Đương nhiên, đó chỉ là ban đầu. Còn sau này, càng trò chuyện với ông, chứng kiến cảnh ông làm nông thì tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó là một con người thông minh ngoài sự tưởng tượng. Cũng đúng thôi, nông dân Nhật đâu chỉ mình ông Isamu thông minh. Khen nông dân Nhật có mà khen cả ngày!?
Ông Isamu làm nông, trồng gừng đã 40 năm. Ông là đời thứ 3 làm nghề này sau ông nội và bố ông. Tóm lại là 3 đời nhà ông đều gắn bó với cây gừng, chưa kể nghe nói 2 con trai ông cũng đang theo bố làm nghề này. Vậy nên, nói về cây gừng với ông Isamu có lẽ nói cả ngày không hết. Ông vừa là người sản xuất, vừa như chuyên gia nghiên cứu về gừng vậy. Cái gì về gừng ông cũng biết tuốt.
Vừa đầy kiến thức về gừng, vừa khề khà cái giọng âm ấm vùng bắc Chiba, nên sức hút của ông lão vì thế càng đặc biệt.
Kiểu trồng gừng của ông chả giống ai. Tôi nhớ ở Việt Nam người ta hay nói về cách trồng gừng trong chậu, trong bao xi măng đổ đất, rồi trồng trong vườn… Kỹ thuật trồng là vẫn ủ giống, bón phân, làm cỏ… Ba la ba lô, đầy thứ, nghe ù hết cả tai. Làm nhiều cách, làm đúng hướng dẫn nhưng năng suất thì vẫn thấp tè. Nói không quá, sản lượng gừng ở ta cao do trồng trong diện tích lớn. Chấm hết. Hoàn toàn không do năng suất từ cây gừng mang lại.
Còn của lão nông này thì khác. Gừng được làm thành luống. Cứ 20 phân ông lại đặt một củ gừng giống. Mỗi luống 3 hàng. Khi cho gừng xuống thì phủ kín nilong, chỉ để lộ một mảnh nhỏ như bàn tay cho chồi gừng mọc lên. Nhưng như thế cũng không có gì lạ.
Cái lạ tôi sắp nói ra sau và chỉ ở 2 thứ, một: Bao quanh ruộng gừng ông lão trồng các luồng khoai môn cao. Hỏi để làm gì, ông bảo để chống gió. Gừng kỵ nhất là gió.
Hai, đất trồng gừng ông không bón phân, tưới nước gì cả. Đất của ông lão toàn được bón bằng lá cây, rơm khô. Ông bảo có 2 loại này chẳng có loại phân bón nào tốt bằng. Làm vậy vừa đảm bảo gừng không sâu bệnh, vừa lớn nhanh như thổi, năng suất. Ở Việt Nam mỗi ha chừng 40-80 tấn/ha, ông lão Isamu bảo “muỗi”, vườn của ông trên 100 tấn/ha là bình thường, thu về hàng tỷ mỗi năm.
Chắc cũng đúng. Nhìn ruộng gừng của ông đẹp thế kia. Đào bậy một gốc vừa ra giống, thấy củ gừng nào cũng mây mẩy, to kinh. Có củ còn bằng cả một bàn tay trẻ. Đưa tay ngắt một mắt gừng lên ngửi, thấy vị thơm nồng và cay xè. Tuyệt thật. Thế mới hiểu vì sao trong các món ăn cũng người Nhật, bao giờ cũng có hương vị của gừng…
Bí mật dưới lòng đất
 
Việc trồng gừng, chăm sóc gừng của ông Isamu tôi thấy đã lạ nhưng thấy cách bảo quản của ông, tôi lại càng lạ lẫm hơn. Đó là lý do vì sao tôi nói như ở trên, ông lão nông dân Nhật Bản này đã làm cho những thành viên trong đoàn chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Sau khi chứng kiến việc trồng xong, siêu nông dân Phạm Văn Động- vua mía đường ở Bình Thuận đề nghị cho xem phòng bảo quản gừng. Trong suy nghĩ của vua mía Phạm Văn Đông và chắc chắn của nhiều người trong đoàn, phòng bảo quản của nông dân Nhật Bản chắc phải hoành tráng lắm, nhiều tiền lắm, nhiều công nghệ lắm. Tôi đương nhiên cũng nghĩ thế. Hóa ra tất cả đều gói gọn trong một chữ: “nhầm”
Ông lão dẫn chúng tôi băng qua 1 cánh đồng nhỏ. Không xa lắm so với điểm trồng gừng. Chắc chừng 400 m. Ông ngồi lên chiếc xe bán tải phóng ào đi, còn chúng tôi lội bộ men qua cánh đồng.
Đến một vuông đất trông bình thường như bao vuông đất khác, ông chỉ tay, “kho bảo quản gừng của tôi đây”. Ờ, lão có nhầm không, hay đùa? Ông cười vang trước sự ngẩn ngơ của chúng tôi. Sau đó, nhanh thoăn thoắt, ông trèo lên chiếc xe múc đất đang nằm đó, rồi ấn thanh gạt số. Chiếc xe gầm gừ tiến lên mô đất trồng rồi buông cánh tay xuống múc lấy từng thìa đất.
Đào chừng mười phút, khi mà độ sâu đã xuống cỡ 3 mét, ông lão tắt máy, rồi cầm chiếc xẻng nhảy ào xuống hố sâu. Ông đưa tay cạo nhẹ lớp đất rất mịn, trước mắt chúng tôi dần hiện lên những bao gừng trắng. Củ nào củ nấy trắng phau, mây mẩy, nằm gọn gàng trong những chiếc bao tải lưới màu xanh. Chúng tôi chuyền tay nhau cầm những củ gừng. Mắt ai cũng lộ rõ sự ngạc nhiên.
Việc bảo quản gừng theo cách chôn dưới đất của ông lão Isamu đơn giản chỉ dựa theo nguyên lý: Củ đã tươi ở đất thì không nên đưa nó lên để nó mất nước, mọc mầm. Khi củ gừng sắp thu hoạch nằm ở 12 độ C thì thu hoạch xong cũng phải cho nó ở 12 độ C. Nghĩ là làm, ông đào hố để… bảo quản gừng dưới lòng đất. 40 năm nay ông đều làm thế và củ gừng đã được bảo quản, rồi đi khắp nước Nhật từ cách bảo quản đó. Không dùng máy móc, không sử dụng công nghê, không tốn tiền bảo quản, không cần hóa chất…
Hỏi kỹ cách bảo quản dưới đất, ông Isamu không dấu diếm: Củ gừng muốn bảo quản được lâu dài, nhất thiết phải giữ ở 12 độ C. Muốn thế, khi thu hoạch xong cần đào các hố đất rộng chừng 1 m-2 m2, sâu 35cm. Sau đó cho gừng vào lấp đất lại. Sau chừng 20 ngày, lại đào lấy gừng lên. Xong bước 1.
 
Ông lão cũng tiết lộ thêm, để làm được kho bảo quản như thế, đất “làm kho” yêu cầu không khô quá cũng không có nước. Ở Việt Nam vùng nào cũng có thể sử dụng cách bảo quản gừng như thế.
Bước 2 đào hố đất (to, nhỏ tùy số lượng gừng muốn bảo quản) sâu chừng 3 m, nơi thương đảm bảo nhiệt độ từ 12-15 độ C. Tiếp đó cho gừng vào các bao tải lưới, mỗi bao cỡ 4-6kg thả xuống hố. Rồi cứ 10 ngày phủ một lớp đất 30- 40cm. Cứ làm như thế cho đến khi san bằng “kho bảo quản” thì thôi. Một điều lưu ý là khi cho gừng xuống hố cần đổ đầy trấu xung quanh để khi máy xúc đào xuống vừa phát hiện được ví trí lưu giữ gừng, vừa điều hòa được nhiệt độ của gừng. Đơn giản vậy thôi.
Ông lão cũng tiết lộ thêm, để làm được kho bảo quản như thế, đất “làm kho” yêu cầu không khô quá cũng không có nước. Ở Việt Nam vùng nào cũng có thể sử dụng cách bảo quản gừng như thế.
Nghe vậy, các siêu nông dân đi theo đoàn mừng ra trò. Vừa cầm Đoàn Xuân An, vừa lợn oganic Tô Hiến Thành, doanh nhân trồng nấm linh chi HQGANO Huỳnh Tiến Hạnh…đều đăng ký mua gừng của ông lão Isamu để về trồng gừng và bảo quản theo cách của lão nông Nhật. Lão Isamu bảo, không bán, chỉ tặng cho mỗi người trong đoàn vài củ để về thử cách của ông mà thôi. Tuy nhiên, khi thấy niềm khát khao có được giống gừng này của ông lộ rõ trên khuôn mặt của người đàn bà nấm Huỳnh Tiến Hạnh, lão nông Nhật Bản đã không từ chối nổi. Ông Isamu đã bán cho chị Hạnh túi gừng giống tầm 10kg với giá hữu nghị như tình cảm thân thương giữa nhân dân hai nước Nhật- Việt.
Chị Huỳnh Tiến Hạnh rất vui mừng khi mua được giống gừng Nhật Bản và trực tiếp được nghệ nhân Nhật chia sẻ tất cả các bí quyết để ươm giống, nuôi trồng và bảo quản gừng gia truyền của gia đình ông suốt 40 năm qua. Chị Hạnh hồ hởi khoe với ông Isamu rằng, với sản phẩm Trà Tan Linh Chi Gừng HQReishi mà HQGANO vừa ra mắt vào tháng 1.2018 đã được thị trường đón nhận nên việc tìm tòi nghiên cứu đem được giống gừng Nhật có hàm lượng tinh dầu cao gấp 7 lần gừng sẻ về Việt Nam thuần dưỡng nuôi trồng sẽ giúp chị chủ động nguồn nguyên liệu sạch, dược tính cao giúp cho sản phẩm HQGANO gia tăng chất lượng phục vụ đa dạng người tiêu dùng.
 
Mải nghe, chứng kiến cảnh trồng gừng và bảo quản gừng của lão nông Isamu mà mặt trời đứng bóng lúc nào chẳng ai hay. Vèo cái đã mất 2 tiếng. Đồng hồ đã chỉ sang 12 giờ trưa. Vậy mà chẳng ai đói. Cũng dễ hiểu thôi, những điều thu hoạch được sau buổi gặp lão nông Isamu lớn hơn bất kỳ một bữa ăn nào. Siêu nông dân Việt đã có một buổi sáng đầy ý nghĩa như thế. Còn nhờ lúc chia tay lão nông Isamu ra về, tiếng cười còn râm ran cả một quãng đường xa…
Theo Đăng Thúy/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)