Theo thông tin đăng tải trên báo Gia đình Việt Nam, trong thời điểm tháng 1/2018, nhiều người đồng loạt chia sẻ trên mạng xã hội và cho biết đã là nạn nhân của Công Ty TNHH Resort Vacations (trụ sở tại Tầng 17, Tòa nhà văn phòng Trung Tâm Hà Nội, 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội) khi đặt cọc tiền đi du lịch và muốn đòi lại tiền mà không được.
|
Khách hàng tố Resort Vacations lừa đảo. Ảnh chụp màn hình: FB Nguyễn Châu |
Giới thiệu trên trang http://thuonghieu24h.com.vn, Công ty TNHH Resort Vacations cho biết được thành lập năm 2015 và đã được công ty Classic Holidays Clubs Pty Ltd, Công ty quản lý Câu lạc bộ khách sạn và Resort lớn nhất tại Úc, chỉ định là nhà phân phối độc quyền sản phẩm Classic Escapes tại thị trường Việt Nam.
Công ty này đang sở hữu hơn 40 resort khắp Australia và New Zealand cũng như 4.000 resort, khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới, đảm bảo mức giá thấp nhất cho các kỳ nghỉ nước ngoài của khách hàng.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, để tham gia sản phẩm Classic Escapes tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Resort Vacations phát hành hai gói tham gia thành viên là gói Gold và gói Sliver, không giới hạn số người đi cùng gia đình, đi nghỉ bao lâu cũng được.
Giá gói Gold là 19.800 USD (tương đương 451 triệu) với thời hạn là 40 năm. Gói Silver là 8.800 USD (tương đương 200 triệu) với thời hạn là 10 năm. Đây là phí tham gia thành viên ban đầu, chỉ phải đóng một lần. Ngoài ra, hàng năm thành viên sẽ phải đóng phí duy trì là 149 USD/năm.
Khi trở thành thành viên của Classic Escapes, khách hàng được quảng cáo là có thể chủ động tận hưởng kì nghỉ theo cách riêng của gia đình mình. Khách hàng có thể tùy chọn địa điểm, tùy chọn chỗ ở, tự lên lịch trình với thời gian không giới hạn với sự tư vấn của “chuyên gia du lịch” Resort Vacations.
Đặc biệt, khách hàng có thể gạt bỏ mọi lo lắng về những chi phí phát sinh vào kỳ nghỉ lễ và hưởng thụ một chuyến du lịch “sang chảnh” với mức chi trả bình dân. Nếu không có nhu cầu sử dụng, người sở hữu thẻ thành viên có thể chuyển nhượng lại thẻ cho người khác mà không mất phí…
|
Website giới thiệu sản phẩm Classic Escapes của Resort Vacations. Ảnh chụp màn hình: www.classicescapes.vn. |
Trong khi đó, theo Gia đình Việt Nam, để khuyến khích các gia đình mua thẻ, Resort Vacations đưa ra chương trình khuyến mại cho khách mua thẻ ngay tại hội thảo của hãng, giảm giá 15% chi phí, tặng 3 năm phí thường niên (149 USD/năm).
Đặc biệt, khách hàng chỉ việc trả trước 35%, còn lại 65% được hỗ trợ vay qua ngân hàng (chia làm 12 tháng, với lãi suất vay 0%). Ngoài ra, với thành viên đăng ký ngay tại sự kiện hội thảo, khách hàng có thể đổi voucher quà tặng thành 1.500 USD, giảm giá trực tiếp vào giá mua thẻ thành viên.
Như vậy, từ mức 8.800 USD ban đầu (khoảng 200 triệu), nếu khách hàng gật đầu mua thẻ thành viên ngay tại hội thảo, bạn sẽ chỉ phải trước 47,72 triệu, còn lại mỗi tháng đóng 7,4 triệu trong 12 tháng (tổng cộng là hơn 136,3 triệu).
Khách hàng cũng được cho xem những gói kỳ nghỉ bonus với mức giá chỉ từ 79-200 USD cho 7 ngày tại các thiên đường nghỉ dưỡng, áp dụng cho đặt phòng trong thời gian 2 tháng gần nhất.
Nhằm tăng tính thuyết phục, nhân viên tư vấn sẽ so sánh mức giá này với giá đặt phòng trên các trang web nổi tiếng như Agoda, Booking để làm khách hàng “xiêu lòng”.
Thế nhưng, khi được hỏi cụ thể hơn về lịch trình chuyến đi, thậm chí yêu cầu đặt tour luôn tại sự kiện thì bạn sẽ chỉ nhận được những lời từ chối như chương trình đã hết, số lượng phòng giới hạn mà khách đã đặt hết...hoặc lời hối thúc khách hàng đồng ý mua thẻ trước sẽ được tư vấn kỹ hơn…
Đáng nói là, trong thời gian vừa qua, chia sẻ trên mạng xã hội của Việt Nam, rất nhiều người cho biết đã là nạn nhân của công ty Resort Vacations khi đặt cọc và muốn đòi lại tiền mà không được.
|
Ảnh chụp màn hình: FB Vũ Thế Mạnh. |
Theo các chia sẻ, khi phát hiện những điều khoản trong hợp đồng không đúng như tư vấn, những nạn nhân này yêu cầu doanh nghiệp hoàn tiền cọc nhưng chỉ nhận được sự lạnh lùng, thái độ đầy thách thức từ phía doanh nghiệp.
Những thành viên khác thì cho biết họ cũng thất vọng khi đặt kỳ nghỉ du lịch tại một số nơi như Pháp, Nhật thì không có resort hay khách sạn nào liên kết với Classic Holidays hết. Công ty du lịch đưa ra giá làm Visa khi đã là thành viên của Classic Holidays là 225 USD, trong khi các chuyến khác đi làm chỉ hết 3 triệu.
Báo Gia đình Việt Nam cho hay, tất cả các thông tin về kỳ nghỉ, giá cả, các khu nghỉ dưỡng đều được giấu kín, chỉ khi tham gia đóng tiền làm thành viên mới được cấp tài khoản để truy cập.
Do đó, khách hàng muốn tìm hiểu trước về quyền lợi cũng không được, ngoài nghe những lời tư vấn đường mật của nhân viên tư vấn như giảm giá 50% chi phí nghỉ dưỡng, những kỳ nghỉ giá sốc… tại các thiên đường du lịch.
Ngay cả trên các trang diễn đàn du lịch lớn của nước ngoài như tripadvisor.com.au, reviewstalk.com, complaintsboard.com cũng nhận được rất nhiều lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ của Classic Holidays. Theo đó, khách hàng đều phàn nàn vì dịch vụ cũng như phản hồi của công ty quá lâu.
|
Phản ánh của người dùng trên mạng xã hội về Resort Vacations. Ảnh: Gia đình Việt Nam. |
Ngoài ra, theo nhiều khách hàng, thực chất, giá phòng của công ty không rẻ hơn là bao nhiêu vì những vị trí khách sạn, resorts đó đều nằm ở vị trí xa, không phải là trung tâm của thành phố, chất lượng khách sạn phòng nghỉ không như quảng cáo. Công ty có để một vài khách sạn nằm ở trung tâm nhưng khách hàng rất khó để book được.
Vì vậy, việc bỏ ra một số tiền lớn 200-450 triệu đồng để mua một quyền hội viên như vậy là quá đắt và dịch vụ cũng không tốt như được quảng cáo. Nhiều khách hàng đặt nghi vấn công ty Resort Vacations có hành vi lừa đảo khách hàng?
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…