Mít lạ “bén duyên” đất Tây Đô
Ông Mẫn cho biết, mít của ông được người dân miền Tây coi là lạ bởi trái có thể nặng lên đến 20kg, vỏ mít có màu xanh, tỏa mùi thơm nhẹ, khi xẻ ra không nhìn thấy hạt. Điểm đặc biệt nữa ở giống mít này là khi xẻ trái sẽ không có mủ; múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh...
|
Ông Út Mẫn bên cây mít không hạt của mình. Ảnh: Huỳnh Xây. |
Ông Trần Minh Mẫn được bình chọn là 1 trong 24 gương mặt nông dân tiêu biểu trong 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và 5 năm chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”.
Lão nông Út Mẫn kể, năm 2007, do 1ha vườn sầu riêng của gia đình đã thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế. Trong lần đi dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ông ghé thăm nhà một người bạn ở tỉnh Tiền Giang và được người bạn giới thiệu về một giống mít không hạt độc đáo có 1 không 2 ở Việt Nam, có nguồn gốc từ Myanmar. Thấy giống mít quý và hiếm, lần đầu tiên ông nghe và nhìn thấy dù có mấy chục năm kinh nghiệm, hiểu biết làm vườn, ông cảm nhận rằng dường như đây là cây duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên ông nhanh chóng xin người bạn cho chiết nhánh đem về quê trồng.
|
Thương hiệu giống mít không hạt Ba Láng của ông Út Mẫn vang danh khắp miền Tây và các vùng trong cả nước. Đến nông dân, doanh nghiệp của Thái Lan-1 trong những thủ phủ cây ăn trái nhiệt đới cũng biết tiếng. |
Sau thời gian dài trồng xen, nhân giống và chăm sóc trong vườn sầu riêng, ông Mẫn thu được 70 cây mít giống. “Bao nhiêu ngày chăm số cây mít giống quý này là bấy nhiêu ngày tui thấp thỏm chờ mong. Trong quá trình chăm sóc, tôi đặt hết hy vọng về việc gia đình sẽ thay đổi cuộc sống vào những cây mít giống mới này nên nhiều ngày tui ăn, ngủ ngoài vườn mít. Tui luôn theo sát, ghi chép lại quá trình phát triển, liều lượng phân bón, thuốc xịt mà tui dùng cho cây suốt 3 năm đầu trồng” - ông Mẫn nhớ lại.
Nhờ ông có kinh nghiệm làm vườn và cần cù nên những “đứa con tinh thần” ấy không phụ công chăm sóc. Những cây mít đến từ “đất nước vạn chùa-Myanmar) cho trái với năng suất khá cao. Ông Mẫn cho hay: “Tôi chăm sóc rất cẩn thận, giống mít này chỉ chuộng phân xanh và phân chuồng. Cây trên một năm tuổi mới bắt đầu được bón phân hóa học, khi bón chỉ sử dụng liều lượng rất ít…”.
|
Mít không hạt của ông Út Mẫn ăn được cả xơ, khi xẻ trái ra gần như không có mủ. Ảnh: IT. |
Về kinh nghiệm bán trái của giống mít lạ, ông Mẫn chia sẻ: “Lúc đầu, giống mít lạ này khó bán vì chưa ai biết nó trên thị trường. Do vậy, tui tự tìm cách quảng bá bằng cách đem cho, tặng. Tui lựa gần 100 trái ngon, đóng gói trái và bức tâm thư chia sẻ về quá trình mình trồng mít cũng như miêu tả về chất lượng của giống mít lạ gửi cho Hội Nông dân các địa phương, Viện Cây ăn quả miền Nam... Không ngờ sau khi các tổ chức, cá nhân được tui gửi tặng mít lạ, mọi người ăn xong đã gọi điện tới tấp đến nhà tui khen ngon và hỏi về giống mít này. Từ đó, cây mít của tui bắt đầu được rất nhiều người biết tới”.
Mít quý phải cho nhiều người cùng trồng
Mít không hạt Ba Láng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Thời gian qua, ông Út Mẫn liên tục nhận được bằng khen từ chính quyền địa phương. Riêng năm 2013, ông Út Mẫn được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Năm 2010, ông Út Mẫn được vinh dự là người đại diện nông dân dân Cần Thơ đem giống mít lạ tham gia Hội thi trái cây ngon - an toàn khu vực Nam Bộ. Mặc dù với ý nghĩ ban đầu là mang đi giới thiệu, nhưng lần thi này, sản phẩm mít không hạt, không có mủ của ông Mẫn đã không khó khăn khi “rinh” về giải Nhất.
Sau hội thi trên, trái mít lạ của ông Mẫn đã chính thức được đặt với cái tên là mít không hạt Ba Láng. Ông Mẫn nói: “Giống mít này đã chọn Ba Láng làm vùng đất sinh thành, cho năng suất cao, ngon nên tôi lấy địa danh làm thương hiệu cho nó”. Cũng sau hội thi trên, ông Út Mẫn mang loại mít lạ của mình gửi vào các siêu thị bán với giá dao động từ 30.000-50.000 đồng/kg. Do sản phẩm mới, lạ và có chất lượng cao nên được nhiều người lùng mua.
|
Chiết, ghép và nhân bán giống mít quý hiếm có gốc gác từ xứ sở vạn chùa-Myanmar cũng là 1 nguồn thu đáng kể của gia đình lão ông Út Mẫn. |
Không chỉ bán trái mít chín, ông Mẫn còn tìm đến Trung tâm Cây giống TP.Cần Thơ nhờ nghiên cứu, nhân giống chia cho bà con trong vùng cùng trồng, nhân rộng. Hiện nay, cây mít giống của lão nông miền Tây này không chỉ bán ở miền Tây mà còn bán cho các vùng, miền khác trong nước và cả nước ngoài thông qua nhiều đơn vị đặt hàng, phân phối. “Mỗi năm tôi bán được khoảng 30.000-40.000 cây giống cho bà con khắp trong nước và nước ngoài với giá là 30.000/cây” - ông Út Mẫn thông tin.
Thời gian qua, nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị trên địa bàn TP.Cần Thơ cũng tự tìm đến đặt hàng mua mít không hạt nên số lượng trái có bao nhiều cũng không đủ đáp ứng đủ nhu cầu. Nhờ bán mít trái và cây giống, mỗi năm ông Mãn thu được trên 1 tỷ đồng, giúp gia đình nhanh chóng thoát nghèo, nuôi được các con đi học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang, đàng hoàng. Qua nhiều năm tích góp tiền bạc từ giống mít quý, ông Út Mẫn đã mua được chiếc xe hơi để đi lại. Ông Mẫn phấn khởi nói: “Trái mít không hạt Ba Láng không chỉ tiêu thụ trong nước, còn xuất được qua Thái Lan, Lào, Campuchia. Trong đời trồng cây trái, tui thấy rất ít giống cây nào mà xuất được sang Thái Lan khiến dân ở đây chấp nhận”.
Hiện giá mít không hạt Ba Láng có giá 50.000 đồng/kg (cao hơn mít thường 30.000 – 35.000 đồng). Với giá này, mỗi trái mít có thể bán được khoảng 1 triệu đồng. Hiện trong vườn mít của ông Út Mẫn có gần 100 cây mít, mỗi năm cho thu hoạch 6 tấn quả. Vườn mít không hạt của ông được các nhà khoa học ở Trường ĐH.Cần Thơ thuê để nghiên cứu.